Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo ngại trước vụ việc 22 trẻ bị sùi mào gà nghi do nong cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư tại Hưng Yên. Theo thông tin của VOV, 80% trường hợp hẹp da quy đầu có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần điều trị trước sáu tuổi. Tỷ lệ nam giới trên 16 tuổi thật sự hẹp bao quy đầu chỉ là 1%. Trong khi đó, nhiều người vẫn có những hiểu biết sai lầm khi nghĩ rằng bao quy đầu là nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh, xuất tinh sớm... Vậy bao quy đầu là gì?Khi nào nên cắt bao quy đầu?
Thực chất bao quy đầu là gì, có đặc điểm và chức năng như thế nào?
Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu, da quy đầu là phần da che cho phần quy đầu. Da quy đầu là một bộ phận bẩm sinh trên cơ quan sinh dục của nam giới.
Da quy đầu có chức năng quan trọng là bảo vệ cho quy đầu vốn là phần khá nhạy cảm khỏi những “va chạm” trong lúc sinh hoạt thường ngày. Bao quy đầu còn là vật liệu tự thân rất quý trong trường hợp nam giới cần ghép da, hoặc tạo hình niệu đạo...
Vì là một cấu trúc bao bọc bên ngoài quy đầu nên bao quy đầu có mặt trong và mặt ngoài. Mặt trong có những tuyến tiết ra chất nhờn mà khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp bựa sinh dục màu trắng nằm giữa da quy đầu và quy đầu. Nếu vệ sinh không tốt, nơi đây sẽ biến thành ổ vi khuẩn gây viêm nhiễm đường sinh dục.
Tình trạng dính da quy đầu sinh lý phổ biến ở hầu hết trẻ sơ sinh. Lúc này chưa thể tuột được bao quy đầu cho trẻ. Trong thời gian dậy thì, phần da quy đầu này sẽ tự nhiên tách khỏi quy đầu. Tỷ lệ nam giới trên 16 tuổi thật sự hẹp bao quy đầu chỉ là 1%.
Khi nào nên cắt bao quy đầu?
Theo ThS BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước - Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, thông thường nam giới khi dậy thì, do có sự tác động của hormone nội tiết, bộ phận sinh dục phát triển nhanh về kích thước khiến vùng da quy đầu tụt xuống phía dưới và để lộ quy đầu khi cương dương. Tuy nhiên, nếu ngay cả khi dương vật cương cứng mà quy đầu không tự lộ ra được, bao quy đầu vẫn chùm toàn bộ hoặc chùm gần hết quy đầu, thì đó là trường hợp dài bao quy đầu.
Còn tình trạng miệng bao quy đầu quá nhỏ, bó chặt lấy phần quy đầu làm cho quy đầu không thể lật ra ngoài gọi là hẹp bao quy đầu. Bao quy đầu khi đó thít chặt lấy dương vật và không có cách nào tự co lại về chỗ cũ, gây cản trở lưu thông máu và sự vận chuyển của tĩnh mạch. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tắc mạch máu gây sưng, phù nề quy đầu dương vật.
Dài hay hẹp bao quy đầu đều ảnh hưởng đến việc vệ sinh, sinh hoạt của hàng ngày của người bệnh, cản trở sự phát triển của dương vật. Các chất cặn bã tích tụ tại quy đầu còn dẫn đến các bệnh viêm nhiễm, trường hợp nặng có thể dẫn đến ung thư dương vật, gây vô sinh. Lưu ý rằng chất bẩn và bựa sinh dục tích tụ do không thể vệ sinh sạch sẽ mới là nguyên nhân gây ung thư, vô sinh, hiếm muộn, chứ không phải bao quy đầu là tác nhân trực tiếp.
Vậy nên, Viện Nhi khoa Mỹ và hội Nhi khoa Canada khuyến cáo không can thiệp bao quy đầu của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Chỉ khi bao quy đầu hẹp và dài, kể cả nong vẫn hẹp, da bao quy đầu bị xơ hóa, dương vật bị viêm tái phát nhiều lần, thì mới nêncắt bao quy đầu. Trong trường hợp điều trị bảo tồn mà da bao quy đầu vẫn lộn, giãn ra được thì không nên cắt.
Nếu có hẹp da quy đầu bệnh lý nên điều trị bằng kem thoa steroid trước (steroid có đặc tính kháng viêm hữu hiệu), nếu không có hiệu quả thì mới phẫu thuật cắt da quy đầu, vì đây là một thủ thuật có nguy cơ rủi ro, việc chăm sóc sau khi phẫu thuật cũng vất vả hơn do trong quá trình cắt da quy đầu và hậu phẫu, vết thương là một cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi xâm nhập nên các lây nhiễm có thể xảy ra trong thời gian này, khả năng tái nhiễm cao, dễ gây biến chứng. Trong quá trình thực hiện, tuy là thủ thuật nhưng quy trình không đơn giản: phòng mổ phải đảm bảo vô trùng, phẫu thuật viên cần được đào tạo. Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi cần phải được gây mê khi thực hiện thủ thuật nên phải tiến hành trong khu phẫu thuật...
Nếu không cắt bao quy đầu, cần giữ vệ sinh cho trẻ như thế nào?
Cha mẹ có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu khi trẻ còn nhỏ: kéo và rửa nhẹ nhàng khi tắm đẻ tránh làm trầy xước vùng da nhạy cảm này. Rửa một lượt xà phòng và rửa lại bằng nước sạch, sau đó lau khô và nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho quy đầu. Khi trẻ lớn hơn thì nên hướng dẫn bé tự làm.
Cha mẹ nên kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn trẻ tự chăm sóc về sau thay vì cố gắng tuột da quy đầu một cách thô bạo, nhất là với trẻ dưới 1 tuổi. Vệ sinh thường xuyên vùng da quy đầu là biện pháp quan trọng và hiệu quả để tránh viêm nhiễm, nhất là khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!