Khi trẻ bị ốm: Ra hiệu thuốc hay đi khám bác sĩ?

Nuôi dạy con - 05/06/2024

Những sai lầm của cha mẹ khiến trẻ không khỏi được bệnh mà còn làm cho bệnh tình của trẻ trở nặng, thậm chí gây tai biến nguy hiểm đến tính mạng.

Khi con bị ốm, các ông bố bà mẹ thường rất sốt ruột, nóng lòng tìm cách điều trị cho con nhanh khỏi nhất. Tuy nhiên, với tâm lý ngại đi khám, sợ mất thời gian, bệnh có triệu chứng gần giống bệnh mà trẻ đã từng mắc nên nhiều bậc làm cha mẹ ‘tranh thủ’ ra hiệu thuốc ‘tả bệnh’ và mua thuốc cho con uống.

Trường hợp trẻ bị ốm, mẹ ra hiệu thuốc ‘tả bệnh’ của con và được bán cho một túi thuốc với giá thành không hề rẻ. Tuy nhiên, phải chờ đến khi trẻ uống mấy ngày liền không đỡ, thậm chí có dấu hiệu nặng hơn thì mẹ mới cho trẻ đi khám, lúc đó mới biết là hiệu thuốc đã điều trị sai hướng, trẻ mắc bệnh khác và cần dùng thuốc khác mới trị được bệnh.

Những sai lầm của cha mẹ khiến trẻ không khỏi được bệnh mà đôi khi còn làm cho bệnh tình của trẻ trở nên nặng hơn, thậm chí gây tai biến nguy hiểm đến tính mạng.

Khi trẻ bị ốm: Ra hiệu thuốc hay đi khám bác sĩ?

Nhiều cha mẹ ‘tranh thủ’ ra hiệu thuốc ‘tả bệnh’ và mua thuốc cho con uống (Ảnh minh họa: Internet)

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đặc biệt các bệnh về hô hấp khi trời lạnh

Thời tiết lạnh dễ tạo điều kiện cho vi-rút, vi khuẩn gây bệnh bùng phát gây ra các bệnh như: cúm, viêm họng, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm não… Đường hô hấp là cơ quan dễ bị viêm do chịu nhiều tác động của môi trường. Vì là cửa ngõ của cơ thể nên đường hô hấp thường bị tổn thương trước tiên bởi mầm bệnh và chất độc hại. Chính vì vậy mà tần suất trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp thường tăng cao mỗi khi thay đổi thời tiết.

Tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh thường cho trẻ uống thuốc theo kinh nghiệm bản thân và lạm dụng sử dụng kháng sinh

Khi trẻ ốm, cơ thể trở nên yếu và gầy tọp đi khiến phụ huynh có tâm lý sốt ruột, muốn dùng cách điều trị nhanh khỏi nhất. Chính vì vậy nên nhiều cha mẹ đã tự mình ra hiệu thuốc miêu tả bệnh rồi mua thuốc hoặc mang đơn thuốc cũ ra dùng. Hay nhiều người nóng vội, muốn trẻ khỏi nhanh nên tự ý tăng liều lượng dùng thuốc. Những việc làm này đa phần vô tình gây hại tới sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, tâm lý sợ lây nhiễm chéo cho trẻ khi đi khám cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ ‘làm liều’ tự điều trị mà không đưa đi khám tại bệnh viện.

Bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng nguy hiểm sau khi cha mẹ tự ý dùng thuốc

Khi trẻ bị ốm: Ra hiệu thuốc hay đi khám bác sĩ?

Nhiều bậc cha mẹ tự ý sử dụng thuốc cho con (Ảnh minh họa: Internet)

Lạm dụng thuốc, dùng sai thuốc, dùng sai liều lượng quy cách thuốc khiến bệnh không khỏi mà còn nặng thêm do không được điều trị kịp thời. Tăng nguy cơ xảy ra tình trạng nhờn thuốc và kháng thuốc khiến cho tiến trình điều trị trở nên phức tạp và kéo dài. Thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ tử vong nếu trẻ nhỏ bị dị ứng với các thành phần thuốc hay bị sốc thuốc.

Hạn chế việc ‘tả bệnh bốc thuốc’ cho trẻ nhỏ

Việc khám chữa bệnh cho trẻ em không đơn giản chỉ việc nêu triệu chứng là có thể tìm ra chính xác bệnh. Có nhiều triệu chứng bệnh ở trẻ em giống nhau nhưng thực chất bệnh lại khác nhau, ví dụ cùng ho sốt nhưng sốt do viêm phế quản sẽ điều trị khác so với viêm mũi.

Hiệu thuốc không có đủ cơ sở vật chất để khám trực tiếp, hay một số dược sĩ không đủ kiến thức kinh nghiệm lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như diễn biến nặng nhẹ, nguy cơ biến chứng của bệnh.

Cha mẹ có thể mua thuốc điều trị khi trẻ bị những vết thương hay xây xát nhỏ

Khi trẻ bị ốm: Ra hiệu thuốc hay đi khám bác sĩ?

Với những vết xây xát nhẹ cha mẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà (Ảnh minh họa: Internet)

Với những vết thương và xây xát nhỏ thường không cần đến phòng cấp cứu mà cha mẹ có thể điều trị cho trẻ. Tại hiệu thuốc sẽ có bán những loại thuốc sát trùng, thuốc bôi ngoài da cùng các dụng cụ để xử lý vết thương của trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc thích hợp là rất quan trọng để tránh nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác. Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu thêm các kiến thức về việc chữa trị vết thương cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, vì an toàn sức khỏe của trẻ, các bậc cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng bệnh - đúng thuốc.

Một số triệu chứng cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế:

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38.5 độ và kéo dài hơn 2 ngày không giảm. Trẻ ngủ li bì hoặc khó đánh thức. Trẻ ăn kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn.

- Trẻ bị tiêu chảy đột ngột, sốt rất cao 39-40 độ, phân có lẫn máu hoặc mủ nhày.

- Trẻ sốt có các biểu hiện như nôn tất mọi thứ, kêu đau bụng nhiều.

- Trẻ có dấu hiệu phát ban như nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, nôn ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê.

- Trẻ có biểu hiện mệt lả, tay chân lạnh tím tái, trẻ bị co giật.

- Trẻ nhỏ có thóp trước phồng lên. Trẻ có dấu hiệu cổ cứng.

- Trẻ có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, sau 2 ngày chăm sóc tích cực tại nhà vẫn không thuyên giảm kèm theo dấu hiệu thở nhanh, mệt hoặc khó thở.

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!