Khi trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống...

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những năm gần đây, tình trạng tự tử ở lứa tuổi học đường ngày một tăng lên.

Các em nhỏ còn đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời vậy mà chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong học tập, cuộc sống mà đã dại dột tự kết liễu cuộc sống của mình. Hành vi đó không những gây đau đớn cho gia đình, mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với bạn bè cùng trang lứa. Bên cạnh những nguyên nhân từ phía gia đình và xã hội thì chính bản thân các em mới là nhân tố quyết định cuối cùng.

Các em nhỏ lứa tuổi học đường còn thiếu quá nhiều kỹ năng sống

Với những trẻ nhỏ, tuổi đời còn ít, các em chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Việc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong tình trạng thiếu sự chỉ bảo, trợ giúp của người lớn quả thật có thể khiến nhiều em gặp căng thẳng, thậm chí còn bị trầm cảm.

Khi trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống...

Trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên thường thiếu kỹ năng ứng xử với những tình huống xấu trong cuộc sống

Trong nhà trường hiện nay, những lớp giảng dạy hay hướng dẫn về kỹ năng sống cho các em nhỏ vẫn còn hạn chế. Điều này thật sự ảnh hưởng không ít tới các em. Trẻ nhỏ như trang giấy trắng, nếu không có sự hướng dẫn, chỉ bảo của người lớn, các em có thể dễ dàng đưa ra những quyết định sai lầm, tự thương tổn chính bản thân mình.

Thiếu sự rèn luyện, trải nghiệm thực tế

Các em nhỏ được bao bọc quá nhiều sẽ thiếu đi khả năng tự mình xử lý sự việc. Trẻ không có cơ hội để được trải nghiệm, rèn luyện tâm lý và cảm xúc trước những khó khăn hay thất bại trong cuộc sống. Để rồi khi lần đầu bước chân thực sự vào đời, các em bị sốc vì cuộc sống quá khác so với những gì mà trước đây đã trải qua. Có những em không lấy lại được cân bằng sẽ dễ sinh ra suy nghĩ chán nản, cảm thấy bản thân vô dụng, cuộc sống không có niềm vui, không còn ý nghĩa.

Thói quen ỷ lại vào người khác

Khi trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống...

Vì vậy, khi không giải quyết được khó khăn các em dễ rơi vào trạng thái tiêu cực

Trong thực tế, không ít trẻ mới lần đầu gặp khó khăn đã nản lòng, sinh ra tâm lý ỷ lại vào cha mẹ. Các em lảng tránh với việc phải đối mặt và xử lý vấn đề. Chính những hành vi này, lâu dần khiến các em hình thành cảm giác sợ sệt khi phải thực hiện một việc quan trọng, hay lần đầu trải nghiệm một điều gì đó mới lạ. Các em trở nên thiếu tự tin vào bản thân, càng như vậy lại càng hay gặp phải những khó khăn hay thất bại không đáng có.

Bản lĩnh cá nhân kém

Cùng là một vấn đề nhưng ở mỗi trẻ khác nhau sẽ có những phản ứng, hành vi khác nhau. Những trẻ có bản lĩnh tốt, sức chịu đựng cao có thể tìm cách ứng phó được và trải qua những thách thức trong cuộc sống. Ngược lại, những trẻ thiếu bản lĩnh sẽ dễ dàng bị suy sụp, chịu tác động tiêu cực từ những khó khăn mà chúng gặp phải. Trên thực tế có nhiều trẻ vì những lý do như bị điểm kém, không được học sinh giỏi, hay người yêu chia tay mà đã dại dột tìm đến cái chết.

Dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh

Khi trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống...

Điều mọi đứa trẻ đều cần là khi ngoảnh lại luôn có gia đình phía sau

Tuổi học đường là độ tuổi mà trẻ đang dần hoàn thiện cái tôi cá nhân của mình, các em dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh như hoàn cảnh sống, môi trường xã hội, môi trường học tập và đặc biệt là từ bạn bè. Với tâm lý không ổn định, trẻ dễ bị tác động dẫn đến thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử theo những đối tượng được các em coi là hình mẫu hay cảm thấy yêu thích. Việc này ngày càng trở nên nghiêm trọng khi mà đã có trường hợp trẻ tự tử theo thần tượng của mình.

Thiếu khả năng kiềm chế hành vi cá nhân

Khả năng kiềm chế cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của trẻ. Khi phải đối mặt với khó khăn, thách thức, những em mà khả năng kiềm chế kém, dễ bốc đồng thường có các hành vi sai lầm mà ngay sau đó hậu quả đã khiến các em phải hối hận. Không suy nghĩ kỹ mà hành động theo cảm xúc, các em dần trở nên đánh mất bản thân, dễ dàng sa ngã vào những tệ nạn, những hội nhóm chán đời, không thiết sống.

>> Kỳ 1:Tự tử học đường: Vì đâu nên nỗi?

>> Kỳ 2:Giật mình những con số báo động về tự tử học đường

>> Kỳ 3:Tự tử học đường: Đâu chỉ có học sinh

>> Kỳ 4:Những đối tượng dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực

>> Kỳ 5: Tự tử học đường: Đằng sau những lá thư tuyệt mệnh

>> Kỳ 6:Những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tự tử học đường

>> Kỳ 7: Công nghệ số: Thủ phạm tạo nên thế hệ tiêu cực

>> Kỳ 8:Áp lực học tập: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử

>> Kỳ 9: Gia đình: Khi không thể là mái ấm chở che

>> Kỳ 10:Khi vấn nạn học đường bắt đầu từ hai chữ 'bạn bè'

  Chuyên đề:Tự tử học đường

 

  Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!