Khò khè, thở rít báo hiệu bệnh gì?

Cần biết - 05/16/2024

Nhiều người thường nghĩ, khò khè, khó thở, thở rít là mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Tuy nhiên trên thực tế các triệu chứng này cũng xuất hiện trong nhiều bệnh khác. Cần chẩn đoán chính xác để điều trị phù hợp, tránh tốn kém thời gian, chi phí, lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Giãn phế quản

Bệnh giãn phế quản là một tình trạng ở phổi gây ho và có đờm. Đường hô hấp bị nhiễm trùng tái đi tái lại. Các triệu chứng này là do giãn nở bất thường (nở rộng) các đường thở của phổi (phế quản). Trong một số trường hợp chỉ có một đường thở bị ảnh hưởng. Những trường hợp khác, nhiều đường dẫn khí bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp rất nặng, sự giãn nở đường thở xảy ra ở khắp cả hai phổi.

Triệu chứng thông thường nhất của giãn phế quản là ho, mà thường là có đờm. Thỉnh thoảng cơn ho có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bệnh nhân có thể bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm, mệt mỏi, đờm bị biến đổi về màu và về số lượng. Khi điều này xảy ra thì được gọi là đợt kịch phát của bệnh giãn phế quản.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: thở gấp, hụt hơi hoặc khó thở, khò khè và thở rít. Sụt cân không chủ ý, ho ra máu, tức ngực hoặc đau thắt ngực. Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Bệnh nhân bị bệnh giãn phế quản cho biết: họ bị viêm phế quản hoặc bị viêm phổi từ lúc nhỏ trong nhiều năm. Một số bệnh nhân bị giãn phế quản có thể bị các chứng bệnh về xoang, nhiều lúc góp phần vào việc bị ho.

Giãn phế quản là tổn thương phá hủy thành phế quản làm đường kính phế quản giãn lớn hơn bình thường, không thể phục hồi như cũ. Đa số trường hợp là hậu quả của lao phổi dẫn đến di chứng xơ hóa, co kéo nhu mô phổi làm giãn phế quản, hoặc do nhiễm trùng hô hấp kéo dài tái đi, tái lại nhiều năm.

Khò khè, thở rít báo hiệu bệnh gì?

Khi có các triệu chứng ho, khó thở, thở rít… cần đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Bướu tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm trước cổ, phía trước khí quản, ngay dưới thanh quản. Phần lớn bướu giáp đều lành tính. Khi tuyến giáp lớn ra phía trước, vùng cổ người bệnh có một cục bướu chạy lên, chạy xuống khi nuốt.

Trong trường hợp bướu lớn ra phía sau sẽ chèn vào khí quản. Lúc này bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở, đặc biệt khi nằm, khi hít sâu. Bệnh nhân cũng bị thở rít như mắc bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, tiếng thở rít khi hít vào và phát ra chủ yếu từ vùng cổ chứ không phải từ lồng ngực.

Nếu bướu giáp lành tính bị chẩn đoán nhầm, bệnh nhân sẽ tốn thời gian, chi phí điều trị. Ngược lại, bướu giáp ác tính, chẩn đoán nhầm sẽ khiến bệnh có điều kiện phát triển, di căn sang khí quản và nhiều cơ quan khác, nguy hiểm đến tính mạng.

Liệt dây thanh

Dây thanh có nhiều nhiệm vụ quan trọng như hình thành lời nói, bảo vệ và ngăn chặn dị vật lọt vào đường thở. Liệt dây thanh xảy ra khi dây thanh bị tổn thương do: phẫu thuật tuyến giáp, thực quản, cổ, ngực, các khối u chèn ép lâu ngày, nhiễm trùng do virut, chấn thương cổ, ngực...

Triệu chứng điển hình của liệt dây thanh là khó nói, nói giọng đôi, khàn giọng, trong trường hợp liệt dây thanh cả hai bên, đặc biệt là liệt dây thanh ở tư thế khép, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở. Tình trạng khó thở sẽ tăng thêm khi gắng sức. Tương tự như bướu tuyến giáp, khó thở chủ yếu khi hít vào, thường gọi là tiếng rít thanh quản. Chẩn đoán liệt dây thanh đòi hỏi phải nội soi thanh quản.

Ngưng thở khi ngủ

Là tình trạng đường thở trên bị xẹp lại trong khi ngủ, có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Nguyên nhân do béo phì, amiđan quá phát, vòm hầu thấp, cổ ngắn và to, lưỡi dày và dài, cằm lẹm hoặc do yếu tố thần kinh như liệt vòm hầu, mất trương lực thần kinh cơ vùng hầu họng.

Triệu chứng điển hình gồm ngáy trong khi ngủ, ngủ không sâu, buổi sáng thấy khô miệng, nhức đầu, ban ngày bệnh nhân thường buồn ngủ, khó tập trung. Vì triệu chứng thở khò khè, ngáy thường xuất hiện về đêm nên có thể bị chẩn đoán nhầm là hen suyễn.

Để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ, người bệnh phải đến khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được xét nghiệm đa ký giấc ngủ.

Không được điều trị thì tình trạng tắc nghẽn đường thở khi ngủ làm nồng độ ôxy trong máu giảm, máu lên não, đến tim và các cơ quan trọng yếu khác trong cơ thể đều kém, gây hàng loạt các bệnh như tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim, bệnh lý mạch máu. Thậm chí, một số trường hợp còn tử vong đột ngột do ngưng thở kéo dài.

Triệu chứng khó thở, khò khè, thở có tiếng rít còn gặp ở nhiều bệnh như dị dạng phế quản, u khí quản, mềm sụn khí quản, polyp khí quản, viêm tiểu phế quản, xơ phổi, suy tim, co thắt tâm vị, hẹp khí quản do đặt ống nội khí quản...

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi có các triệu chứng ho, khó thở, thở rít... cần đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh. Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán là hen suyễn hoặc COPD mà điều trị thuốc không đáp ứng, nhiều khả năng chẩn đoán sai.

Bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được khám kỹ lưỡng. Ngoài việc phải thực hiện hô hấp ký, phế thân ký để chẩn đoán xác định hen suyễn, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác: chụp CT scan để chẩn đoán giãn phế quản, siêu âm tuyến giáp chẩn đoán bướu tuyến giáp, nội soi thanh quản để chẩn đoán liệt dây thanh âm, đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!