Trong khi các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất hiện nay để lại quá nhiều tác dụng phụ ghê gớm, thì phương pháp này nếu thành công sẽ tạo thành bước ngoặt rất lớn.
Ung thư đã trở thành một vấn nạn của thế kỷ mà chưa có cách điều trị triệt để. Vậy nên, khoa học đã thử qua rất nhiều cách, thậm chí áp dụng cả những phương pháp... kì dị nhất.
Và nay, họ đã tạo ra được một loại vi-rút, được cho là có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch đi săn lùng các tế bào ung thư.
Cần biết rằng tế bào ung thư rất giỏi trong khoản lẩn tránh hệ miễn dịch. Chính vì thế, các chuyên gia Thụy Sĩ đã sử dụng một dạng vi-rút nhân tạo, bên trong có chứa các protein của tế bào ung thư.
Khi hệ miễn dịch bắt gặp các vi-rút này, nó sẽ lần theo dấu protein bên trong. Hay nói cách khác, hệ miễn dịch sẽ săn lùng tận gốc từng tế bào ung thư có trùng dấu protein.
Lý thuyết của nghiên cứu cho thấy, phương pháp này sẽ được dùng để chống lại một số dạng ung thư nhất định. Các chuyên gia có thể đơn giản lấy protein từ khối u của bệnh nhân, đưa vào trong vi-rút rồi tiêm vào cơ thể để kích hoạt hệ miễn dịch.
Trong các thử nghiệm trên chuột, phương pháp này khiến khối u thu nhỏ lại đáng kể. Vậy nên sắp tới, các chuyên gia đang mong muốn được thử nghiệm trên con người.
"Chúng tôi hy vọng rằng phương pháp và công nghệ mới sẽ sớm được áp dụng trong điều trị ung thư, nhằm tăng tỉ lệ thành công của cuộc chiến này" - trích lời giáo sư Daniel Pinschewer, chủ nghiệm nghiên cứu từ ĐH Basel (Thụy Sĩ).
Giáo sư Pinschewer cho biết, nhóm nghiên cứu tạo ra vi-rút mới dựa trên nền tảng là vi-rút LCMV (lymphocytic choriomeningitis vi-rút). Loại vi-rút mới đã được loại bỏ hết khả năng gây hại, nhưng vẫn có thể kích hoạt hệ miễn dịch.
Khi đặt protein ung thư vào trong vi-rút, cơ thể tạo ra một đội quân kháng thể rất mạnh, truy tìm cả các tế bào ung thư và hủy diệt chúng.
Nhìn chung, nếu phương pháp này thành công, đó sẽ là niềm hy vọng rất lớn cho con người khi đem lại quá ít tác dụng phụ, nếu so với hai phương pháp hiệu quả nhất hiện nay là hóa trị và xạ trị.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Nguồn: Telegraph
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!