Khởi đầu thai kỳ suôn sẻ (phần 1)

Chuẩn bị mang thai - 05/06/2024

Hello Bacsi - Bạn muốn con mình chào đời khỏe mạnh? Trước tiên bạn phải có một khởi đầu thai kỳ suôn sẻ đã. Hãy cùng Hello Bacsi tìm cách nhé!

Người phụ nữ nào cũng mong sinh được một đứa con khỏe mạnh. Tuy bạn không thể hoàn toàn kiểm soát quá trình mang thai nhưng để đảm bảo giai đoạn khởi đầu thai kỳ được suôn sẻ, bạn cần phải lên kế hoạch từ trước. Để bé có được khởi đầu tốt nhất thì hãy thay đổi từng bước bắt đầu từ vài tháng trước khi có thai. Bạn cần có một cơ thể thật sự khỏe mạnh trước khi mang thai để giảm thiểu tối đa những nguy cơ có thể gây hại cho bạn và bé.

Bằng cách thay đổi lối sống phù hợp, bạn có thể gia tăng khả năng thụ thai thành công. Thậm chí phụ nữ đã quá độ tuổi 35 vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nếu họ biết duy trì lối sống lành mạnh.

Những điều có thể ảnh hưởng đến các tuần mang thai đầu tiên

Khi biết mình mang thai thì bé của mẹ đã được 2-4 tuần tuổi và đang tồn tại dưới dạng một phôi thai nhỏ ở thành tử cung, mẹ nên cẩn trọng những thứ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé và cả của mẹ như:

Axit folic

Axit folic được biết đến là một chất có khả năng ngăn ngừa tật cột sống chẻ đôi, một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. May thay, nhiều loại thực phẩm hiện nay như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng đều có chứa hàm lượng axit folic cao giúp phụ nữ trong độ tuổi mang thai giảm thiểu nguy cơ có con bị dị tật bẩm sinh.

Đồ uống có cồn và thuốc lá

Các loại đồ uống có cồn có thể dẫn tới nguy cơ sinh non, sinh con bị chậm phát triển trí tuệ, bị dị tật bẩm sinh hay bị thiếu cân. Việc hút thuốc có thể làm giảm khả năng thụ thai và làm tăng nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân.

Một số loại thuốc không kê đơn cũng như thuốc theo toa

Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bé. Chẳng hạn, sử dụng các loại thuốc chống viêm không chứa steroids (NSAIDs) như aspirin loại đơn lẻ và loại tổng hợp (anacin, bayer, bufferin) hay ibuprofen (motrin, advil) ở vài tháng cuối thai kỳ có thể gây sụt giảm lượng nước ối và gây tắc ống động mạch ở trẻ.

Các loại chất gây nghiện

Không thể phủ nhận những tác hại của việc dùng các chất gây nghiện. Chẳng hạn như việc sử dụng cocaine có thể gây hại đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Bệnh về nướu

Nghiên cứu cho thấy bệnh về nướu có thể làm gia tăng nguy cơ sinh non cao gấp 8 lần. Các bà mẹ bị bệnh nha chu khi sinh con có nguy cơ phải vào phòng chăm sóc đặc biệt cao gấp 2 lần. Đồng thời, họ có nguy cơ phải nằm viện sau sinh hơn 7 ngày (cao gấp 3 lần những bà mẹ bình thường).

Bệnh béo phì, tiểu đường

Béo phì là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh con. Béo phì có thể gây ra nhiều biến chứng do căn bệnh này làm gia tăng đáng kể nguy cơ phát triển tình trạng đường huyết cao hoặc đái tháo đường trước hoặc trong giai đoạn thai kỳ. Thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở não bộ và cột sống nếu tiếp xúc phải lượng đường huyết cao của mẹ trước 13 tuần tuổi. Nếu mẹ bầu bị béo phì, nhiều khả năng con sẽ lớn quá cỡ. Những đứa trẻ này sẽ gây khó khăn khi sinh thường và có thể phải tiến hành sinh mổ.

Béo phì, cao huyết áp và hen suyễn cũng có thể khiến người mẹ bị tiền sản giật. Tình trạng này ngăn nhau thai nhận đầy đủ lượng máu cần thiết và có thể khiến trẻ bị nhỏ con. Những đứa trẻ này thường bị sinh non, kèm theo các biến chứng như chậm phát triển. Chúng cũng có nguy cơ bị dị tật và tử vong cao.

Vì thế, nếu bạn không quan tâm đến sức khỏe của mình, hay ngủ không đủ giấc, uống rượu thường xuyên hay quên kiểm tra răng miệng thì đây là lúc bạn cần xem lại và thay đổi lối sống của mình để tránh ảnh hưởng tới bé. Trong phần tiếp theo, bạn sẽ tìm hiểu về các bước khám tiền sản để giúp mang thai khỏe mạnh.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Khởi đầu thai kỳ suôn sẻ (phần 2)
  • Giải đáp về cân nặng mẹ mang thai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!