Nhất là dự kiến trong tháng cuối năm, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng cao do rơi vào chu kỳ đỉnh dịch và có các yếu tố thời tiết thuận lợi khiến cho muỗi truyền bệnh tiếp tục sinh sản.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - khám cho bệnh nhân.
Bà H. (64 tuổi, quận Hai Bà Trưng) đang điều trị song song 2 căn bệnh: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và sốt xuất huyết tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn. Thi thoảng mệt quá không thể tự thở, bà phải sử dụng tới thiết bị hỗ trợ để sau đó cố gắng nhịn thở nuốt trôi hai viên thuốc, rồi lại tiếp tục sử dụng thiết bị hỗ trợ.
Còn chị T. (36 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cũng mắc sốt xuất huyết, song phải nhập viện vì bị giảm nặng tiểu cầu (dưới 50 G/L) sau 3 ngày mắc bệnh. Mặc dù còn mệt, chị vẫn gắng gượng ngồi dậy để trao đổi với bác sĩ về tình trạng cơ thể của mình.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn - có khoảng 25 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Các bệnh nhân này đã mắc sốt xuất huyết từ 3 - 4 ngày, nhập viện khi ở trong giai đoạn nguy hiểm gồm thoát dịch huyết tương, tràn dịch màng phổi, giảm tiểu cầu nhiều, chảy máu chân răng… hoặc mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh cũ, ví dụ bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
'Số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị trong tháng 9 và tháng 10 tại Khoa đã tăng gấp đôi so với những tháng khác trong năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng 11' - bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào cho biết.
Còn tại các bệnh viện tuyến Trung ương, có hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết đổ dồn về điều trị. Trong tháng 10, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới 30 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận từ 10 – 20 bệnh nhân, số ca tiếp nhận trong tháng 10 đã lên tới gần 200, tăng gần gấp đôi so với tháng 9; các bệnh nhân xuất hiện rải rác ở tất cả quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; trong đó có 1 số quận huyện gồm Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, tập trung nhiều bệnh nhân hơn.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ gia tăng trong tháng 11, do đây là thời điểm giao mùa, mưa nhiều, có điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Tuy sốt xuất huyết có phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế, song đã xuất hiện những biến chứng nặng, gồm sốc, xuất huyết nội tạng, viêm não-màng não, suy gan cấp... Vì vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên lơ là với căn bệnh này.
'Đặc biệt, nhóm phụ nữ có thai, người già cao tuổi, người có bệnh mãn tính cần cảnh giác với sốt xuất huyết, bởi trên các bệnh nhân này triệu chứng bệnh thường không điển hình, khiến cho họ đi khám muộn, bệnh đã nặng, dễ xảy ra biến chứng. Khi mắc sốt xuất huyết, nhóm bệnh nhân này cần nhập viện để được theo dõi, điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa' – PGS.TS. Đỗ Duy Cường nói.
Còn các bệnh nhân chỉ mắc sốt xuất huyết thông thường hoặc những ngày đầu có thể điều trị tại nhà, theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, đồng thời, bù nước đủ nước cho cơ thể. Trong trường hợp có dấu hiệu cảnh báo như: xuất hiện tình trạng nôn, đau bụng, mệt lả, ý thức vật vã, li bì, kích thích, chân tay lạnh, bệnh nhân hãy tìm tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Đỗ Duy Cường lưu ý về ngày thứ 5 của sốt xuất huyết. Khi đó, bệnh nhân có thể không còn sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau nguy hiểm tính mạng.
Vì vậy, bệnh nhân cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để kiểm tra và đề phòng xảy ra biến chứng nặng vào thời điểm này.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết do 4 chủng của virus Dengue gây ra, do muỗi vằn Aedes egypti đốt và truyền từ người bệnh sang người lành. Bệnh thường gây dịch ở các vùng đô thị, nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém, nhiều ao hồ, nước đọng quanh nhà tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi phát triển.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết thêm, hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay không đặc hiệu, chủ yếu là tập trung diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy, tránh muỗi đốt.
Người dân nếu thấy xuất hiện sốt đột ngột, đau mỏi người, cần đến các cơ sở y tế khám sàng lọc, phát hiện sớm theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tránh các biến chứng xảy ra.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!