Đáng chú ý, 64% người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, trong số đó không ít trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai.
Nguy cơ từ... nghiện ăn
Được bố mẹ đưa đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai, bé Trần Tú N (SN 2008, ở Đống Đa, Hà Nội) khiến các bác sĩ tá hỏa vì chỉ số sức khỏe: Cao 141cm, nặng 58kg khi mới 8 tuổi. Dù trước đó, khi chào đời, N cân nặng chỉ 2,9kg.
Cho rằng sinh nhẹ cân, lại là con duy nhất nên N được gia đình chăm bẵm, bế ẵm suốt ngày, ăn uống thoải mái, không 'từ' bất kỳ món nào, đặc biệt là thức ăn nhanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt, N rất ít ra ngoài vận động. Thế nên, khi tới khám tại bệnh viện và thực hiện các kỹ thuật đo đường huyết cho thấy, chỉ số đường huyết trước khi ăn của N lên tới 13 mmol/l (cao gấp đôi so với chỉ số bình thường). Sau một thời gian điều trị với chế độ giảm cân và dinh dưỡng hợp lý, lượng đường huyết của N đã trở về mức bình thường (5,4 - 6,2mmol/l).
Ở Việt Nam có khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng chú ý, có 64% bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh (Ảnh: V.Thu)
Điều đáng quan ngại đây không phải là chuyện hiếm. Tại Bệnh viện Bạch Mai, có trẻ mới 10 tuổi, cao 150cm nhưng nặng gần 70kg và bị 'nghiện' ăn, gia đình tìm nhiều cách để 'cai' nhưng cai được ở nhà thì lên trường cháu lại 'thả phanh'. Tình trạng này diễn tiến lâu ngày khiến cháu mắc bệnh đái tháo đường, phải nhập viện điều trị, theo dõi chặt chẽ.
Còn tại Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đang quản lý khoảng gần 100 trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị ngoại trú, trong đó 90% là các em mắc đái tháo đường tuýp 1 (thiếu insulin, tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin để chuyển hóa đường trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến các cơ quan, hệ thần kinh của cơ thể), còn lại là đái tháo đường tuýp 2 (không nhạy với insulin, có insulin mà cơ thể không đáp ứng được).
Các chuyên gia khuyến cáo: Biểu hiện ban đầu của bệnh ở trẻ em và người lớn đều giống nhau: Uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, cảm giác đói bụng, đôi khi là những triệu chứng khác như mệt mỏi, học lực sa sút, giảm sự tập trung.
Theo các chuyên gia, bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, người ta nói bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở những người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi trở lên), nhưng hiện nay, tình trạng này xảy ra ở những người rất trẻ (20 - 30 tuổi), thậm chí có những trẻ mười mấy tuổi đã bị tiểu đường. Các chuyên gia cho rằng, điều này là do sự thay đổi lối sống trong điều kiện kinh tế đang khá dần lên, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít có sự tiết chế trong ăn uống trong khi cường độ vận động thể dục không nhiều, chủ yếu là ngồi và phụ thuộc nhiều vào máy tính, điện thoại, tivi.
Trẻ nhỏ thừa cân, ít vận động có nguy cơ mắc tiểu đường rất cao (Ảnh minh họa: Internet)
Còn BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: Đái tháo đường hiện không còn là 'bệnh của giới nhà giàu' hay dân thành phố, mà ở các tỉnh miền núi cũng có trẻ em mắc đái tháo đường.
'Sát thủ' thầm lặng
Sau 5 năm chạy chữa để có một đứa con, may mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị Vũ Nhật T (33 tuổi, ở Thanh Miện, Hải Dương). Có con muộn màng nên gia đình ra sức tẩm bổ cho chị, khiến chị tăng gần 35kg trong thai kỳ. Cũng vì lo lắng sợ động thai nên hầu như chị T không luyện tập thể lực, suốt thai kỳ chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc đi khám xem thai có tăng cân hay không. Kết quả, lúc lên bàn mổ đẻ, chị nặng tới 80kg. Con chị, bé trai 3,8kg ra đời bằng phương pháp sinh mổ, cả chị và hai bên gia đình đều phấn khởi mừng rơi nước mắt.
Vừa lọt lòng, cắt rốn, con trai chị được đưa đến phòng sơ sinh. Tuy nhiên, 2 - 3 tiếng đồng hồ sau, gia đình chị được tin bé phải đi cấp cứu gấp do hạ đường huyết đột ngột, suy hô hấp sơ sinh. Những nỗ lực cứu chữa không thành, đứa trẻ sau 5 năm gia đình chị T mỏi mòn chờ đợi đã qua đời. Kết quả xác định nguyên nhân cho biết, chị T mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ nhưng không thông báo tiền sử bệnh cho nhân viên y tế. Con chị cũng bị mắc đái tháo đường ngay từ trong bụng mẹ.
Bà bầu cần phải kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên để không ảnh hưởng đến thai nhi (Ảnh minh họa: Internet)
PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, hạ đường huyết sơ sinh, suy hô hấp sơ sinh là hai trong số nhiều nguy cơ biến chứng sớm cho thai có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ 25 - 40% con ở mẹ đái tháo đường thai kỳ bị hạ đường huyết nặng trong vài giờ sau đẻ. Nguy cơ này sẽ tăng lên cao nếu kiểm soát đường huyết kém và nhất là đường huyết cao khi chuyển dạ, đặc biệt khi mổ lấy thai.
Trường hợp đường huyết hạ nặng và kéo dài có thể gây tổn thương hệ thần kinh của trẻ, khiến trẻ kém phát triển trí tuệ. Khi thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ suy hô hấp sơ sinh tăng lên do thiếu chất surfactant – một chất ảnh hưởng lên tính đàn hồi của phổi, có khả năng làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch lót phế nang 2 -14 lần…
Theo một nghiên cứu khác, tỉ lệ thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam là 20,3%. Có nghĩa là, cứ 5 thai phụ thì có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ. Theo ước tính, sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%, với khoảng 3 triệu người Việt mắc. Đó là chưa kể, Việt Nam có đến gần 64% người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20 - 30%.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc rất cần thiết
'Một trong những biến chứng các thai phụ thường gặp trong đái tháo đường thai kỳ, đó là nhiễm khuẩn tiết niệu và thiếu máu mạn tính. Trên thực tế, nhiều cặp đôi trước khi cưới say sưa chuẩn bị hôn lễ, tuần trăng mật… nhưng quên mất việc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát bệnh tật. Do đó, nhiều phụ nữ không biết rằng mình bị đái tháo đường hoặc bị thiếu sắt, thiếu máu. Trong khi đó, đường huyết cao sớm trong thai kỳ (khoảng 8 tuần đầu) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và các cơ quan của thai nhi, gây dị tật bẩm sinh. Việc kiểm soát trong mức bình thường trước khi có thai là rất quan trọng. Đặc biệt, nếu phụ nữ đã từng bị đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ mắc bệnh này trong lần mang thai tiếp theo là 36%'.
PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân(Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!