Hiện nay, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn đã trở thành nhu cầu cần thiết với nhiều người lao động, sinh viên, học sinh… Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã xảy ra không ít các vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn.
Người không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín sẽ bị phạt. Ảnh: CN
Trên thực tế, nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình, là một số người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay… khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn.
Để có một bữa ăn đảm bảo an toàn, các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải đủ điều kiện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi chế biến thức ăn, nguyên tắc thức ăn sống và chín phải để cách xa nhau, không để súc vật đi vào nơi chế biến thức ăn.
Đặc biệt, với bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học,…đã có hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng, cụ thể, người chế biến phải mang khẩu trang, đeo găng tay và có khám sức khỏe định kỳ xác định không có bệnh lây nhiễm,… 'Khi chế biến thức ăn sống và chín phải để cách xa nhau, không để súc vật đi vào nơi chế biến thức ăn. Sau khi nấu xong, phải lưu mẫu thức ăn 48 tiếng, khi có sự việc, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu này đem đi phân tích,…' bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Trường hợp những cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể không tuân thủ đúng những điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, Theo Nghị định 115 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tại Điều 9 quy định mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay;… trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Bên cạnh đó, Điều 15 cũng quy định mức phạt tiềntừ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống,… luật sư Hoan cho biết thêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!