1. Đỉnh cao nghệ thuật – búp bê đậu xanh trong trang phục áo dài đẹp không tỳ vết – 1900 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Trần Bảo Ngọc
Group: Bếp Việt xa xứ
'Cô búp bê' nhìn như thật này có thể ăn được hoàn toàn bạn có tin không? Được biết nguyên liệu chính để làm ra tác phẩm nghệ thuật này gồm có đậu xanh, bột gạo và bột mỳ.
Toàn bộ màu sắc của 'cô búp bê' đều được tạo ra từ nguyên liệu tự nhiên: màu đen từ tinh than tre, màu vàng từ hoa dành dành và bí ngô. Thân búp bê được nặn bằng tay, áo dài và phụ kiện được chị Ngọc dùng bột cán ra để tạo hình. Đây quả thực là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo khiến bất cứ ai đều phải trầm trồ thán phục.
2. Trổ tài làm rau câu flan phô mai mứt việt quất siêu ngon mà cực dễ - 1000 lượt yêu thích, 358 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Huỳnh Phương Trang
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Rau câu flan phô mai mứt việt quất với vị béo ngậy của flan phô mai kết hợp với vị thanh mát của mứt việt quất thật sự là món tráng miệng vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng dành cho các bé. Nguyên liệu không cầu kỳ và cách làm đơn giản hơn công thức từ việt quất tươi rất nhiều nên bạn có thể mạnh dạn mua nguyên liệu về và làm theo hướng dẫn bên dưới nhé!
Công thức làm rau câu flan phô mai mứt việt quất chi tiết như sau:
A - PHẦN RAU CÂU FLAN PHÔ MAI:
1. Nguyên liệu:
- Lòng đỏ: 5 cái
- Sữa đặc có đường: 170 gr
- Cream cheese (đem ra khỏi tủ lạnh 1 tiếng trước khi chế biến, việc làm này giúp cream cheese dễ tan hơn): 250 gr
- Whipping cream: 150 gr
- Sữa tươi không đường: 220 gr
- Vani: 5gr
2. Cách làm:
Bước 1: Pha hỗn hợp sữa trứng:
- Cho lòng đỏ, sữa đặc và vani vào tô rồi trộn thật đều, để sang một bên.
Bước 2: Nấu kem sữa phô mai
- Cho cùng một lúc cream cheese, whipping cream và sữa tươi không đường vào nồi nấu đến khi cream cheese tan hoàn toàn, hỗn hợp hòa quyện đẹp đẽ, nhấc khỏi bếp để nguội còn ấm tay.
Lưu ý: Nấu bằng nồi đáy dày, vừa nấu vừa khuấy để hỗn hợp không bị dính đáy và tuyệt đối không để hỗn hợp sôi nếu không phần flan thành phẩm sẽ nhìn thấy đốm trắng lợn cợn rất rõ.
Bước 3: Nấu flan phô mai
- Cho từ từ hỗn hợp ở bước 1 vào hỗn hợp kem sữa phô mai, vừa cho vừa khuấy để hỗn hợp quyện đều. Lược qua rây để loại bỏ lợn cợn nếu có (lợn cợn này thường là phô mai chưa tan hẳn, trong trường hợp quá nhiều phô mai chưa tan thì chúng ta lấy muỗng ấn đè lượng phô mai này xuống khỏi lỗ rây rồi khuấy hỗn hợp lên là xong chứ đừng bỏ đi lãng phí).
- Bắc hỗn hợp vừa rây mịn lên bếp nấu ở lửa nhỏ vừa đến khi hỗn hợp sệt lại là đạt.
Lưu ý: Chịu khó vừa nấu vừa khuấy, nhớ canh lửa không để hỗn hợp sôi nếu không phần flan sẽ bị lợn cợn, ăn vẫn được nhưng nhìn sẽ không đẹp mắt.
Bước 4: Nấu rau câu flan phô mai
- Lấy 950 gr nước rau câu ở phần B đổ vào phần flan phô mai ở bước 3, vừa đổ vừa khuấy một chiều cho hỗn hợp hòa quyện.
- Giữ hỗn hợp rau câu flan phô mai trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để hỗn hợp không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
B - PHẦN RAU CÂU NGUYÊN CHẤT: (Phần này sẽ làm sau cùng, khi đã chuẩn bị xong phần rau câu flan. Lý do là nước rau câu phải luôn luôn được giữ nóng nên nếu nấu ngay từ đầu rồi mới chuẩn bị những phần còn lại thì việc nấu lâu này sẽ làm cho nước rau câu bay hơi khá nhiều, không đủ để pha vào rau câu vị khác)
1. Nguyên liệu:
- Agar hiệu con cá của Thái Lan: 25 gr (ngâm với 2500 gr nước lọc trong 1 tiếng để rau câu thành phẩm không chảy nước. Đây là rau câu giòn nên phải dùng agar chứ không thay thế bất kỳ loại nào khác)
- Đường kính: 380 gr (nếu thích ngọt hơn thì tăng khoảng 15 gr – 20 gr đường) - Vani: 5 ml
2. Cách làm:
- Bước 1: Cho nước agar vào nồi nấu lửa lớn cùng lá dứa đến khi nước agar sôi và phần agar tan hoàn toàn, quan sát thấy nước trong là đạt. Tiếp đến cho đường và vani vào khuấy đến khi đường tan là xong.
LƯU Ý: Không khuấy đảo nước agar nhiều trong lúc nấu để hạn chế rau câu bị chảy nước.
- Bước 2: Sau khi đã sử dụng 950gr nước rau câu để nấu flan phô mai thì phần còn lại các bạn tiếp tục giữ nóng trên bếp ở lửa nhỏ nhất để làm tiếp lớp rau câu mứt việt quất.
C – PHẦN RAU CÂU MỨT VIỆT QUẤT:
1. Nguyên liệu:
- Nước rau câu nguyên chất còn lại ở phần B
- 150gr mứt việt quất (có thể cho nhiều hơn tùy sở thích nhưng 150gr là ít nhất) 2. Cách làm:
- Cho mứt việt quất ra bát nhỏ, múc 1 thìa canh nước rau câu nguyên chất vào bát khuấy đến khi hỗn hợp hòa quyện rồi đổ vào nồi nước rau câu nguyên chất còn lại ở phần B là xong, vừa đổ vừa khuấy cho hỗn hợp đều đẹp.
- Tiếp tục giữ nóng phần rau câu mứt việt quất vừa làm trên bếp ở lửa nhỏ nhất đến khi đổ vào khuôn.
D – TRANG TRÍ:
- Đổ lần lượt từng lớp rau câu vào khuôn tới khi đầy, thứ tự các lớp tùy ý thích mỗi người.
- Lưu ý cho phần trang trí:
Khi đổ mỗi lớp rau câu, chúng ta quan sát thấy lớp này vừa se mặt thì lập tức đổ lớp tiếp theo lên, tránh để lớp rau câu đông quá lâu rồi mới đổ tiếp lớp khác, làm vậy bánh rau câu của chúng ta sẽ bị tách rời từng lớp khi ăn.
Sử dụng cùng 1 kích cỡ muỗng và đổ lượng tương đương nhau để có các lớp rau câu bằng nhau.
Nếu thấy hạt bong bóng li ti xuất hiện trên lớp rau câu thì nhanh chóng lấy muỗng vớt ra để thành phẩm được đẹp không tì vết như hình mẫu. Sau khi đổ hết các lớp thì đem để tủ lạnh khoảng 2 tiếng hoặc đến khi lạnh rồi thưởng thức thôi.
Bánh rau câu phải để nguội hoàn toàn rồi mới cho vào tủ lạnh để rau câu không bị chảy nước.
3. Lẩu riêu cua – món lẩu có vị chua dịu nhẹ nhàng ai cũng mê tít – 688 lượt yêu thích, 175 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Hương Nguyễn
Group: Khỏi vắt óc nghĩ món ăn mỗi ngày
Lẩu riêu cua là món lẩu rất dễ ăn, ngon miệng và được rất nhiều người yêu thích. Cuối tuần bạn hãy dành chút thời gian vào bếp trổ tài để đãi cả nhà bữa lẩu riêu cua thật ngon nhé!
Cách nấu lẩu riêu cua cũng khá đơn giản và tiết kiệm chi phí như sau:
Rau gồm có rau muống chẻ, hoa chuối, xà lách, kinh giới, rau mùi và ít tía tô.
600g cua đồng cho một nồi lẩu đặc gạch cua, rất chất lượng nhé! Đồ nhúng lẩu nhà mình ăn với bắp bò, lòng non, giò tai, sườn sụn và đậu rán.
Công thức nước lẩu như sau:
- 1kg sườn sụn ninh khoảng 30 phút với chút gia vị để lấy nước dùng rồi vớt ra. Sườn sụn lát nhúng nóng là ăn được luôn, vừa mềm mà vẫn ngọt.
- Cua mua ngoài chợ mình bảo họ làm và xay luôn cho, gạch cua để riêng.
+ Cua xay cho nước vào bóp đều cho ra hết thịt cua, lọc khoảng 3 lần đến khi thấy hết thịt (lọc đặc một chút vì lát mình có nước ninh sườn để đổ vào cùng). Cho xíu muối với 1 thìa mắm tôm vào, bắc nồi nước lọc cua lên bếp đun lửa vừa khuấy nhẹ đáy nồi đến khi thấy riêu cua bắt đầu nổi thì vặn lửa nhỏ, dùng muôi thủng hớt riêu ra bát, để nguội thì riêu sẽ đóng bánh.
+ Phi thơm hành khô, cho gạch cua, cà chua vào xào vàng với xíu nước mắm.
+ Đổ nồi nước sườn vào nồi nước riêu cua, thêm dấm bỗng, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, rồi đổ gạch cua và cà chua vào nồi nước lẩu.
+ Thêm đậu, hành phi, riêu cua, hành lá vào nồi lẩu là xong.
4. Tự làm nem chua từ A – Z đã an toàn lại thơm ngon hơn hẳn mua ngoài đấy! – 731 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Phuong Anh Mai
Group: Hội nấu ăn vì đam mê
Làm nem chua tại nhà giờ đây dễ dàng hơn và đảm bảo sạch sẽ từ giai đoạn chọn nguyên liệu đến lúc chế biến. Hơn nữa chiếc nem mà bạn làm ra sẽ phù hợp với khẩu vị gia đình bạn hơn, không còn vị quá ngọt hay quá chua như khi đi mua nữa.
Công thức làm nem chua như sau:
Mình làm 1.5 kg thịt nạc mông không dính mỡ. Mua về lấy giấy ăn thấm cho khô ráo, tuyệt đối không được rửa. Khi thấm khô xong, bọc màng bọc thực phẩm lại cho vào tủ mát khoảng 1 giờ, sau đó bỏ ra cắt thành miếng rồi cho vào máy xay xay kỹ hơn thịt băm một chút. Lấy túi nilon loại 3 lít đổ thịt vào, dàn đều, đập đi đập lại cho nhuyễn rồi cho vào tủ đông khoảng hơn 2 giờ.
Trong lúc chờ thịt bạn chuẩn bị bì lợn. Mình mua túi bì khô, ngâm bì với nước ấm đợi bì nở ra rồi rửa lại thật sạch, rửa đi rửa lại khoảng 5 - 6 lần cho hết mỡ. Đun nồi nước sôi vắt một ít nước cốt chanh vào hoặc cho ít dấm vào rồi tắt bếp, đổ ngay bì vào lấy đũa đảo đi đảo lại khoảng 5 - 7 phút rồi đổ ra rửa lại thật sạch bằng nước đá lạnh. Sau đó, bạn vớt bì ra rổ để ráo nước, lấy giấy ăn thấm nước ở bì, bóp đi bóp lại nhiều lần cho bì ráo. Dùng màng bọc thực phẩm bọc bì lại, cho vào tủ mát 2 giờ.
Bước chuẩn bị tiếp theo là ớt tươi, ớt không rửa mà chỉ dùng giấy ăn lau sơ, tỏi cắt từng miếng mỏng, rau răm rửa sạch với nước lấy giấy ăn lau khô. Mọi người lưu ý tất cả các nguyên liệu không cho dính nước, nếu dính nước nem sẽ bị chảy nước nhé!
Bước cuối cùng là ta lấy thịt trong tủ đông ra cho vào máy quết giống như quết giò. Cho muối và đường vào, mình làm 1.5 kg thịt thì mình cho 1 thìa cà phê muối, 5.5 thìa ăn phở đường, khoảng 1 thìa cà phê tiêu hột đập dập và 3.5 thìa ăn phở thính gạo xay. Quết đều cho thịt ngấm gia vị rồi cho 2 quả ớt xay nhuyễn cùng 5 củ tỏi vào. Lúc này mới cho gói gia vị nem chua của Thái vào. Với lượng thịt trên mình dùng hơn 2 gói, ở trong gói gia vị có 1 gói nhỏ bạn giữ lại không cho vào cùng luôn đâu. Vừa cho gói gia vị bạn vừa quết rồi lấy bì ra cắt vụn bỏ vào quết đều. Sau cùng lúc này mới cho gói gia vị nhỏ vào quết nhanh tay, dùng màng bọc thực phẩm hay giấy nilon gói nem theo ý thích.
Nem để nhiệt độ phòng khoảng 10 giờ cho men chua ngấm rồi bỏ vào tủ mát khoảng 48 giờ là dùng được. Ai thích nhiều tỏi hoặc ớt thì cho nhiều nha!
5. Học cách tự làm chuối sấy dẻo siêu dễ siêu ngon để dành ăn dần – 420 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Hien Nguyen
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Từng miếng chuối sấy dẻo ngọt hoàn toàn tự nhiên, cách làm lại vô cùng đơn giản vậy còn chần chờ gì mà không làm ngay để đãi cả nhà nhỉ? Khi hoàn thành xong, thành phẩm thu được sẽ là những miếng chuối sấy dẻo, ngọt, thơm lừng vị chuối mà lại sạch sẽ, an toàn, không phải lo lắng bởi bất kỳ loại hóa chất nào.
Cách làm chuối sấy dẻo rất đơn giản như sau:
2 nải chuối tây chín lột vỏ ngâm với khoảng 1- 2 lít nước. Thêm nước cốt 1 quả chanh to vào âu nước, ngâm chuối một lúc rồi vớt ra để ráo.
Xếp chuối vào lò nướng, bật chế độ 2 lửa, nhiệt độ 100 độ C. Khi sấy mở hé cửa lò, mỗi lần sấy khoảng 1 giờ sau đó lật mặt sấy tiếp 1 giờ. Làm liên tục như vậy cho đến lúc chuối khô đạt được như mong muốn.
6. Thơm ngon béo ngậy món chè chuối sáp dân dã – 331 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Tố Hà
Group: Chuyện của bếp
Chè chuối sáp là món chè dân dã nhưng nếu được thưởng thức dù chỉ một lần bạn cũng không thể nào quên. Chuối sáp có màu vàng đậm đẹp mắt, ăn rất dẻo và ngọt thanh. Ngoài ra chuối sáp còn có rất nhiều tác dụng tốt cho mắt như giúp thư giãn, chống lão hoá, ngừa thâm mắt….
Cách nấu chè chuối sáp như sau:
Nguyên liệu:
1 nải chuối sáp vừa chín tới
50 gr bột báng
2 ống vani
200 gr đường cát trắng
500 gr dừa nạo
50 gr lạc
1 trái dừa tươi
1/3 thìa cà phê muối
Cách làm:
Chuối cắt ra từng quả, rửa sạch rồi để vào xửng hấp chín. Kiểm tra thấy vỏ nứt lộ phần ruột vàng ươm là chuối đã được, lấy chuối ra để nguội. Trong lúc chờ chuối nguội thì vắt nước cốt dừa. 500 gr dừa nạo nhồi vắt 2 lần để lấy 300ml nước cốt và 500ml nước dão. Bột báng rửa sạch rồi ngâm vào nước 25 phút cho mềm. Dùng dụng cụ nạo để nạo cơm trái dừa tươi bản hơi lớn. Lạc rang vàng, bỏ vỏ. Chuối nguội bóc bỏ vỏ và cắt miếng chéo vừa ăn.
Nấu chè: Cho nước dão dừa vào nồi cùng với bột báng và muối nấu sôi với lửa nhỏ vừa, nấu đến khi bột báng nở mềm thì cho đường vào nấu cho đường tan (đường ngọt nhạt theo khẩu vị nhà). Vì bột báng sẽ nở và làm chè sánh nên không cần dùng bột năng cho vào nước cốt dừa nữa. Sau đó cho chuối sáp vào nấu chung khoảng 5 phút, tiếp theo đổ nước cốt dừa vào khuấy đều. Nồi chè vừa sôi lại thì tắt bếp, cho vani vào. Múc chè ra bát, rắc thêm lạc rang và dừa non ăn kèm. Nếu không thích dừa non và lạc rang có thể ăn chè không vẫn rất ngon và hấp dẫn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!