Kiểm soát viêm da cơ địa bằng y học cổ truyền

Các bệnh - 04/29/2024

Mỗi tháng, viện y dược học dân tộc tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân bị viêm da cơ địa (VDCĐ). Nhiều bệnh nhân có tình trạng vdcđ nặng đã được kiểm soát tốt bằng các phương pháp điều trị y học cổ truyền.

Khổ sở vì viêm da cơ địa 'hành' nhiều năm trời

Bệnh nhi N.M. (14 tuổi, ngụ tại Bình Chánh) được cha mẹ đưa đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM trong tình trạng ngứa, lở toàn thân, đặc biệt là ở vùng tay và chân lở ngứa nhiều, da khô nứt nẻ, chảy dịch. Người thân của bệnh nhi M. cho biết, bé bị VDCĐ đã 13 năm, cũng ngần ấy năm trời mỗi lần bệnh tái phát gia đình lại đưa M. đến khắp các bệnh viện trên địa bàn để chữa trị, chủ yếu điều trị bằng Tây y. Điều trị ổn được một thời gian thì bệnh lại tái phát, càng về sau tình trạng càng trở nên nặng hơn. Bị bệnh 'hành' nhiều năm trời, M. trở nên tự ti, rụt rè, ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và mất tập trung trong sinh hoạt, học tập.

Được một người mách bảo các loại thuốc thảo dược y học cổ truyền điều trị VDCĐ an toàn, hiệu quả, gia đình đã đưa M. đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM để chữa trị.

BS.CKII Đinh Thị Lan Hương - Phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học Chỉ đạo tuyến, Viện Y dược học dân tộc cho hay, sau thăm khám bệnh nhi được chỉ định dùng thuốc bằng kết hợp nhiều phương pháp như: thuốc tắm, thuốc bôi (đều có tác dụng sát khuẩn nhẹ, giúp lành vết thương), thuốc uống (tác dụng giảm bớt huyết nhiệt hoặc giảm stress), ngoài ra kết hợp dưỡng ẩm đối với những vùng da bị khô. Sau 2 tuần, bệnh nhi đã đáp ứng điều trị khá tốt, giảm ngứa, giảm nứt lở, các vùng da chảy dịch đã dần dần khô, những vùng da không dần dần được cải thiện.

Kiểm soát viêm da cơ địa bằng y học cổ truyền

'Bệnh nhi hoặc bệnh nhân trẻ tuổi có quãng đời còn dài, để giúp bệnh nhân chủ động phòng ngừa, bệnh viện cũng đã thực hiện xác định các yếu tố nguyên nhân gây bệnh. Đối với bệnh nhi M. yếu tố gia đình gần như bình thường, không có yếu tố di truyền về gen. Chúng tôi đã thực hiện thêm các xét nghiệm dị nguyên để xác định những yếu tố dị ứng, kết quả bệnh nhi có các chỉ số dị ứng rất cao và dị ứng với hầu hết các yếu tố tồn tại trong môi trường sống: mạt nhà, lông và biểu mô chó mèo, khói bụi ô nhiễm… Bệnh nhi và gia đình được khuyên tránh tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng để giảm tần suất tái phát bệnh. Ngoài ra, bệnh nhi bị VDCĐ có thể bị rối loạn giấc ngủ, sức tập trung giảm, thay đổi tính tình, ảnh hưởng đến quá trình dậy thì do đó chúng tôi đã lựa chọn những vị thuốc an toàn và động viên tinh thần giúp bệnh nhi giảm stress, căng thẳng…', BS.CKII Đinh Thị Lan Hương chia sẻ.

Một bệnh nhân khác là chị P.T.T.M. (25 tuổi) tìm đến các bác sĩ với tình trạng 2 bàn tay loét nhẹ, 2 bàn chân lở loét nhiều. Bệnh nhân đang ở thai kỳ tuần thứu 16. Trước đó, chị M. bị VDCĐ đã nhiều năm, nhưng trong thai kỳ tình trạng VDCĐ nặng lên, loét hoàn toàn bàn chân khiến chị gặp nhiều khó khăn trong đi lại, vận động kèm theo ngứa, khó ngủ yên giấc. Bệnh nhân được khám, chỉ định sử dụng thuốc thảo dược dạng rửa tắm và thuốc uống với những vị thuốc an toàn là các loại lá, thảo dược không ảnh hưởng đến thai nhi. Bàn chân là nơi tập trung nhiều vi khuẩn đồng thời dễ tiếp xúc với các loại xà phòng tẩy rửa nhà khiến tình trạng bệnh nặng thêm nên đã được khuyên dùng những loại dung dịch rửa tay chân, sữa tắm ít kích ứng, tránh các yếu tố dị nguyên.

Kiểm soát viêm da cơ địa bằng y học cổ truyềnBệnh nhân bị viêm da cơ địa được điều trị bằng y học cổ truyền tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Phòng ngừa tốt giúp giảm tần suất tái phát

BS.CKII Đinh Thị Lan Hương cho biết, Điều trị VDCĐ bằng y học cổ truyền là một trong những lĩnh vực thế mạnh, bởi các bài thuốc y học cổ truyền có thể kiểm soát tốt tình trạng VDCĐ một cách an toàn và hiệu quả. Mỗi tháng, tại đây tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân bị VDCĐ, trong đó có nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng nặng thường đã điều trị bằng y học hiện đại qua nhiều bệnh viện nhưng không khả quan.

Kiểm soát viêm da cơ địa bằng y học cổ truyền

VDCĐ là bệnh viêm da mạn tính, thường tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường khởi phát ở trẻ em. Đây là bệnh da phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 15-20% trẻ em và 1-3% ở người lớn. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên các chuyên gia đã chỉ rõ có mối liên hệ đặc biệt của bệnh với các yếu tố dị nguyên, VDCĐ thường liên quan đến các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, mày đay, viêm da tiếp xúc… Sinh bệnh học liên quan đến nhiều yếu tố: cơ địa, gen và di truyền, nhiễm khuẩn… làm bệnh phát sinh và phát triển.

BS Hương cho hay, theo y học cổ truyền, bệnh VDCĐ có rất nhiều yếu tố tham dự vào cơ chế bệnh sinh: phong, nhiệt, thấp nhiệt, hỏa độc, nhiệt độc. Tương ứng với y học hiện đại thì bệnh lý do cơ địa (dị ứng miễn dịch, nhiễm khuẩn hoặc do các tác nhân dị ứng khác). Tùy từng nguyên nhân mà y học cổ truyền có những phương pháp điều trị tương ứng. Đây là bệnh mạn tính, nếu không điều trị dứt điểm sẽ có khả năng tái phát nhiều lần. Do đó mục tiêu điều trị là kiểm soát giảm tần suất xuất hiện của bệnh, giảm mức độ nặng của bệnh.

Kiểm soát viêm da cơ địa bằng y học cổ truyền

'Trước đây có nhiều phương pháp sử dụng các lá cây, rễ, củ để điều trị VDCĐ: lá bồ công anh, xe đất, kinh giới, lá ký chua, diếp cá, kinh giới, cúc tần, sài đất… có tác dụng kháng sinh tốt, giảm viêm, ngứa. Các thảo dược được bào chế thành 2 dạng gồm thuốc dùng trong (thuốc uống) và thuốc dùng ngoài (ngâm, tắm, rửa, đắp). Đối với tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp do đó bệnh nhân VDCĐ cần đến cơ sở y tế để được khám tư vấn điều trị. Đặc biệt người bệnh nên sử dụng thuốc rõ nguồn gốc, tránh mua thuốc thảo dược trôi nổi trên thị trường được pha chế không rõ công thức, thuốc bị pha tân dược hoặc những chất có hại cho sức khoẻ, điển hình là glucocorticoid tác dụng rất nhanh nhưng có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác như: hội chứng cơ sinh, suy thượng thận do sử dụng corticoid kéo dài hoặc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương... Để kiểm soát tốt bệnh, người bệnh nên được xét nghiệm dị nguyên xác định các yếu tố dị ứng gây bùng phát bệnh để chủ động phòng ngừa'- BS Hương khuyến cáo.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!