Kiến khoang tái xuất, bác sĩ chỉ cách phân biệt thương tổn da với bệnh zona

Thời sự - 11/24/2024

Tại một số khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội gần đây đã xuất hiện trở lại kiến khoang khiến người dân lo lắng. Đây là loại côn trùng nguy hiểm, độc tố trong kiến khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, nếu chẳng may tiếp xúc với chất độc mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.

Ghi nhận ở Bệnh viện Da liễu Trung ương trong những ngày gần đây có rải rác các ca bệnh viêm da tiếp xúc do kiến khoang, và đang có xu hướng gia tăng. BS. Quách Thị Hà Giang – Phó Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, các tổn thương do kiến khoang gây ra ban đầu rất nhỏ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể nặng hơn rất nhiều.

Người dân bị viêm da tiếp xúc do kiến khoang chủ yếu do vô tình tiếp xúc với chất tiết pederin có trong kiến khoang. Thông thường nếu bị dính ít chất độc của kiến khoang thì tổn thương khu trú ít hơn và thường ổn định trong vòng 5-7 ngày.

Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng, bôi sai thuốc, tự ý đắp lá thì tổn thương có thể bội nhiễm, nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm thời gian dài. Tổn thương lan rộng sang vị trí khác ngoài vị trí tiếp xúc ban đầu, bệnh nhân có thể tổn thương vùng da khác, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân.

'Các biện pháp dân gian khác như dùng gạo, đậu xanh giã nhỏ lấy nước bôi đều là những phương pháp chưa được kiểm chứng khi điều trị viêm da tiếp xúc do kiến khoang'- BS. Giang chỉ rõ.

Kiến khoang tái xuất, bác sĩ chỉ cách phân biệt thương tổn da với bệnh zonaTổn thương lan rộng lên mắt do người dân dùng tay gãi vị trí viêm da tiếp xúc do kiến khoang rồi dụi lên mắt.

Cũng theo BS. Giang, thực chất, kiến khoang không đốt người, nếu người dân vô tình giết kiến trên cơ thể thì chất độc có trong kiến sẽ khiến da bị tổn thương. Khi dính phải độc tố trong kiến khoang, da của chúng ta thường có các biểu hiện như: phồng rộp thành vệt dài, đám nhỏ, mụn nhỏ li ti, có bọng nước, khi vỡ có thể gây loét, mưng mủ, cảm giác đau rát như bị bỏng, bệnh nhân có thể bị sốt, nổi hạch ở vùng lân cận… Những biểu hiện này làm nhiều người nhầm lẫn với bệnh zona thần kinh và tự ý mua thuốc điều trị khiến tổn thương nghiêm trọng hơn.

Để phân biệt tổn thương do kiến khoang gây ra với bệnh zona, BS. Giang chỉ rõ:

- Với zona thì mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, khu trú một bên cơ thể, theo vị trí phân bổ dây thần kinh của cơ thể, hay gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, thể trạng yếu.

- Còn viêm da tiếp xúc do kiến khoang, thường bệnh nhân thấy nóng rát trước sau đó thì xuất hiện dát đỏ, mụn nước tổn thương đi theo thành từng vệt. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác, chủ yếu là cảm giác nóng rát hơn là cảm giác đau nhức của zona.

Kiến khoang tái xuất, bác sĩ chỉ cách phân biệt thương tổn da với bệnh zonaBS. Giang thăm khám cho bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến khoang.

Chớ nên dùng tay trực tiếp 'giết' kiến

Chuyên gia da liễu cho rằng, trong cơ thể kiến khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên nếu chúng ta biết xử lý đúng cách thì ngay cả khi đã bị dính độc tố kiến khoang cũng không quá nguy hiểm. Chính những sai lầm hoặc xử lý chậm đã khiến cho độc tố lan rộng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Cách xử trí đúng khi phát hiện ra kiến khoang là người dân không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi, tuyệt đối không chà xát để tránh làm chất tiết của kiến lan rộng. Không tự ý điều trị, không đắp bài thuốc dân gian khiến thời gian hồi phục lâu hơn.

Nếu bị dính độc tố, cần nhanh chóng rửa sạch bằng xà bông, nếu có cồn có thể rửa sạch và sát trùng bằng cồn. Rửa càng sạch sẽ càng hạn chế được tác hại của độc tố kiến khoang. Sau khi sơ cứu người dân nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách, thông thường vết thương do kiến khoang sẽ ổn định từ 5-7 ngày.

Theo các bác sĩ, về cơ bản, nếu xử lý đúng cách, vết thương do kiến khoang rất nhanh hồi phục. Để hạn chế tổn thương da do côn trùng này gây nên thì có thể xử lý ngay tại chỗ, dùng nước muối sinh lý rửa vết thương hoặc để vị trí da có tiếp xúc với côn trùng dưới vòi nước để loại bỏ bớt độc chất tiếp xúc với da đi. Thời gian để tổn thương da dưới vòi nước khoảng 5-10 phút.

Cách phòng tránh kiến khoang

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

- Ngủ trong màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến khoang ra ngoài nhà và diệt.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

- Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!