Kiến thức cần thiết để phòng bệnh Whitmore

Cần biết - 11/24/2024

Vi khuẩn Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước.

Gần đây, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một số trường hợp với chẩn đoán là bệnh Whitmore. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ hết sức trầm trọng, làm cơ thể vừa nhiễm khuẩn huyết vừa nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Bệnh Whitmore là gì?

Vào năm 1913, một bác sĩ người Anh có tên là Alfred Whitmore mô tả lần đầu tiên về căn bệnh gây chết người này ở Rangoon, Myanmar, vì vậy, tên bệnh đó được đặt là Whitmore và vi khuẩn Burkhoderia pseudomalei gây bệnh này còn được gọi là vi khuẩn Whitmore.

Đặc điểm của vi khuẩn Whitmore

Là một loại vi khuẩn gram âm, có khả năng sống mọi nơi ở môi trường tự nhiên, nhất là nơi ẩm ướt, đất, nước, các vùng đồng lúa nước ở Đông Nam châu Á vì sức đề kháng của chúng rất tốt. Nổi bật nhất của vi khuẩn Whitmore là kháng lại nhiều thuốc kháng sinh, vì vậy, khi mắc bệnh Whitmore, việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là các tuyến y tế cơ sở.

Kiến thức cần thiết để phòng bệnh Whitmore

Bệnh nhân Whitmore được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai.

Gây bệnh cho người như thế nào?

Vi khuẩn Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao...) và có thể xây xước quá nhẹ nên người bệnh không để ý và không để lại dấu vết gì. Hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn.

Ở những người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ hết sức trầm trọng do vừa nhiễm khuẩn huyết vừa nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Tuy vậy, bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau: bệnh tối cấp, trung bình hoặc mạn tính. Với bệnh tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (sau khoảng 48 giờ),  tuy nhiên thể bệnh tối cấp gặp không nhiều, chủ yếu là thể bệnh trung bình, trong đó có loại cấp tính, bán cấp tính và một số trường hợp diễn biến mạn tính, thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh

Tùy theo thể bệnh, có biểu hiện lâm sàng khác nhau (cấp tính, mạn tính...). Cấp tính sẽ có sốt cao hoặc rất cao (nhiễm khuẩn huyết, áp-xe ở phủ tạng...), rét run, mệt mỏi... Tuy vậy, hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp-xe cơ, áp-xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương...) và biểu hiện không rõ ràng.

Vì vậy, Whitmore được coi là 'kẻ mạo danh'. Bởi vì, bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng, do đó có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh khác. Đặc biệt của bệnh mạn tính là bệnh rất dễ tái phát cho nên sức khỏe của người bệnh rất dễ suy kiệt (do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ). Ngoài ra, việc điều trị bệnh mạn tính phải mất nhiều thời gian và tốn kém cho nên gây không ít khó khăn cho người bệnh để điều trị đến cùng.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh Whitmore?

Cần dựa vào lâm sàng, nhất là thể bệnh cấp tính, bên cạnh cần hỏi kỹ tiền sử của bệnh (có xây xước da, chấn thương hay không...).

Phân lập vi khuẩn từ bệnh phẩm là máu, mủ (chọc hút áp-xe) để xác định vi khuẩn Whitmore là chắc chắn hơn cả, trên cơ sở đó nên làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn Whitmore áp dụng cho điều trị. Khi nghi có áp-xe gan, phổi, cần siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ.

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh

Cần cảnh giác với bệnh Whitmore. Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám ở các cơ sở y tế đủ điều kiện để điều trị kịp thời và đúng phác đồ, nhất là vi khuẩn Whitmore đa đề kháng kháng sinh. Những trường hợp mạn tính cần kiên trì điều trị.

Đây là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, vì vậy, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi bị xây xước da, cần được sát khuẩn kịp thời, nếu xuất hiện mụn mủ, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Cần vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, ăn chín, uống chín.

>>Xem thêm: Bệnh nguy hiểm Whitmore khác quai bị như thế nào?

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!