Phi công người Anh (BN 91) chạy ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. ECMO là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và chỉ mới được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM thì Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam và là đơn vị thứ 2 trong cả nước được trang bị hệ thống ECMO và đem lại 'niềm hy vọng mới' cho các bệnh nhân nặng.
Cũng theo PGS.TS.BS Pham Thị Ngọc Thảo, mặc dù kỹ thuật ECMO ra đời từ năm 1953 tuy nhiên thời điểm đó các loại màng lọc, bơm... dùng trong kỹ thuật ECMO chưa tiên tiến nên tỷ lệ thành công hạn chế và bị quên lãng một thời gian. Đến năm 1971, kỹ thuật ECMO với các loại máy bơm, màng lọc… hiện đại được triển khai lại.
Trên thế giới, ngày càng nhiều trung tâm ECMO được hình thành. Bắt kịp tiến bộ y học, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cử nhân lực đi đào tạo ở Đức ngay từ năm 2009. Đến nay, đội ngũ ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đại, đủ sức chuyển giao kỹ thuật cho nhiều cơ sở y tế khác trong cả nước.
Tại Việt Nam hiện có nhiều trung tâm làm kỹ thuật ECMO, tuy nhiên giữa các trung tâm có sự chênh lệch. Một số trung tâm thu nhận bệnh nhân nhiều, trong đó nhiều nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy (80-100 ca/năm), Bạch Mai (60 ca/năm), Bệnh viện Nhi TW (30 ca/năm), Đà Nẵng (25 ca/năm), các trung tâm khác 5 ca/năm…
Ca ECMO đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện là vào năm 2009 dưới sự hỗ trợ từ Bệnh viện Trung ương Huế. Đó là bệnh nhân suy hô hấp cấp (ARDS) từ viêm phổi do tụ cầu.
Sau 10 năm triển khai kỹ thuật này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện chạy ECMO cho 349 bệnh nhân với tỷ lệ cai ECMO thành công là 71% và xuất viện 57%, cao hơn trung bình của thế giới 2%. Năm 2016, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức trở thành một trung tâm ECMO của Châu Á.
Một trường hợp điển hình được điều trị bằng ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy đó là phi công Anh (bệnh nhân 91) trong đợt dịch COVID-19 năm 2020 vừa qua. Được biết, phi công người Anh này đã rất nhiều lần chạm đến cửa tử. Trong 58 ngày chạy ECMO, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thay 7 màng ECMO cho bệnh nhân 91. Đây được coi là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới. Và để giành lại sự sống cho bệnh nhân đặc biệt này, các bác sĩ đã phải có những đêm thức trắng xem nên dùng thuốc nào và tiến hành thay màng ECMO để bệnh nhân không ngưng tim.
Bệnh nhân 91 hồi phục sau ECMO.
'Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải cân nhắc, chi li kỹ lưỡng để bệnh nhân không tử vong. Có nhiều ngày căng thẳng suốt từ sáng đến đêm' - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ trước đó.
Bác sĩ Thảo thông tin, sau khi về quê nhà Vương quốc Anh (từ ngày 11/7/2020) nằm viện và tập vật lý trị liệu, đến nay phi công người Anh đã có thể sinh hoạt, đi lại được một đoạn đường, tương lai sớm quay trở lại với công việc.
Bên cạnh điển hình bệnh nhân 91, 2/5 bệnh nhân nặng có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy thời gian dài tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (bệnh nhân 472 và 582) sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy can thiệp ECMO đã hồi phục và xuất viện.
Các bác sĩ thực hiện ECMO cho bệnh nhân 582.
Cụ thể, bệnh nhân 582 có nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ), khi mắc COVID-19, bệnh nhân tổn thương phổi nặng nề, phải thở máy, chạy ECMO.
Khi vừa thoát 'cửa tử', bệnh nhân 582 mượn giấy bút để ghi lời cảm ơn đội ngũ y tế.
Trung tâm ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy có tỉ lệ cứu sống bệnh nhân và người lớn khá cao. Nhờ ECMO, 2/3 bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch được cứu sống, khả năng thành công cấp cứu nội viện cũng lên đến 90% so với khoảng 70% trước đây. Đây là nỗ lực 10 năm thực hành ECMO để ra thành quả như vậy.
Thực tế cho thấy, hệ thống ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy không phải là 'sản phẩm' của chính sách xã hội hoá, liên doanh liên kết, nhưng là điển hình cho việc đầu tư, trang bị trang thiết bị hiện đại sẽ giúp thúc đẩy kỹ thuật, tạo ra đà tiến cho ngành Y tế, giúp cho năng lực, sức mạnh của ngành nâng lên, đáp ứng các nhiệm vụ trong các tình huống bất ngờ xảy ra.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi hơn nữa kỹ thuật ECMO vào quá trình điều trị bệnh nhân không đơn giản. Đây là kỹ thuật cao, khó khăn và phức tạp nên đòi hỏi phải có đội ngũ có hiểu biết sâu sắc về bệnh học, am hiểu và nhạy bén trong xử lý các tình huống mới có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời.
Chưa kể, kỹ thuật này phải tiến hành ở nơi có điều kiện đồng bộ, máy, trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ, con người luôn sẵn sàng 24/24h. Thêm nữa, ECMO là một kỹ thuật cao và khá mới mẻ, chi phí điều trị ECMO hiện đang rất cao trong khi quỹ bảo hiểm y tế chi trả hạn chế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!