Lạc nội mạc tử cung khó phát hiện sớm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

5 năm nay chị Kim thường đau quặn bụng mỗi khi đến chu kỳ kinh, bác sĩ chẩn đoán bị lạc nội mạc tử cung phải phẫu thuật, có nguy cơ cắt bỏ tử cung.

Bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại tử cung để có con, chị Kim được bác sĩ tư vấn điều trị bằng phương pháp đốt tế bào lạc nội mạc bằng công nghệ MR-HIFU. Đây là thủ thuật dùng sóng siêu âm khu trú cường độ cao tạo hiệu ứng nhiệt đốt những tế bào bị bệnh dưới định vị cộng hưởng từ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cho biết ca điều trị cho chị Kim diễn ra gần một tiếng đồng hồ. Sau khi khối lạc nội mạc bị tiêu diệt, các triệu chứng đau và khó chịu đã giảm rõ rệt, điều quan trọng nhất là bảo toàn được tử cung. Bệnh nhân xuất viện ngay trong ngày. Mới đây chị Kim vui mừng thông báo đã mang thai đứa con đầu lòng, kết quả siêu âm cho thấy bào thai phát triển tốt.

Lạc nội mạc tử cung khó phát hiện sớm

Ảnh MRI khối lạc nội mạc tử cung của chị Kim

Bác sĩ Đức giải thích, nội mạc tử cung là lớp lót trong lòng tử cung, nơi phôi sau khi thụ tinh sẽ làm tổ để phát triển thành thai nhi. Khi nội mạc tử cung bị lạc chỗ, tức là xuất hiện ở những nơi khác ngoài lòng tử cung... gọi là lạc nội mạc tử cung. Bệnh này lành tính nhưng gây nhiều biến chứng, thậm chí vô sinh.

Thông thường nội mạc bị lạc tại các cơ quan sinh sản vùng chậu như cơ tử cung, buồng trứng, cùng đồ âm đạo, túi cùng âm đạo - trực tràng, túi cùng âm đạo - bàng quang, xung quanh vòi trứng. Trong một số trường hợp, nó có thể lạc đến các những nơi xa hơn như mũi, mắt, tai, phổi, gan, niệu quản, ngoài da và khớp.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng lạc nội mạc gây vô sinh là vì nó làm dính vùng chậu khiến các cơ quan sinh sản hoạt động không tốt, dẫn đến tắc vòi trứng, tinh trùng không thể chui qua vòi để đến thụ tinh. Vòi trứng bị dính cũng khó bắt lấy trứng rụng. Các chuyên gia khác thì cho rằng khối lạc nội mạc làm cho tử cung không to lên được để mang thai hoặc làm biến đổi môi trường nội tiết gây bất lợi cho phôi thai làm tổ. Tình trạng này cũng có thể gây rối loạn sự phát triển của các nang trứng và rối loạn rụng trứng, giảm chất lượng của trứng, gây suy hoàng thể sớm khiến phôi không phát triển được.

Theo bác sĩ Đức, hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung. Phụ nữ mắc bệnh này thường bị đau bụng nhiều trong thời gian hành kinh và giao hợp. Nếu lạc nội mạc tử cung lâu ngày và nặng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng thường xuyên không liên quan đến chu kỳ kinh hay giao hợp.

Theo cơ chế thông thường, phụ nữ đến chu kỳ kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc, chảy ra ngoài qua ngả âm đạo gây ra hiện tượng hành kinh. Trong trường hợp nội mạc tử cung bị lạc ở các vị trí khác cũng có hiện tượng bong tróc và xuất huyết khiến bệnh nhân đau rất nhiều và có thể chảy máu ra ngoài tại mũi, mắt, tai, ho ra máu, tiểu ra máu, các vết bầm máu tự nhiên ở da, khớp… Tình trạng này luôn xảy ra cùng lúc với thời điểm bệnh nhân hành kinh. Tuy nhiên cũng có khi lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng gì nên khó phát hiện sớm.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Đức từng gặp nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung mà không phát hiện sớm, đến khi bệnh tiến triển nặng, để lại nhiều hệ lụy, thậm chí đối diện nguy cơ vô sinh. Do vậy bác sĩ khuyên chị em nếu có một trong các triệu chứng trên, nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám vùng chậu, làm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp MRI... Cách chẩn đoán chính xác nhất là nội soi ổ bụng, lấy khối lạc nội mạc tử cung và giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, chẩn đoán hình ảnh kết hợp với tính chất đau điển hình nêu trên đã đủ để chẩn đoán lạc bệnh nội mạc tử cung.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!