Vậy những thuốc nào hay bị lạm dụng, và thực chất chúng có tác dụng ra sao?...
Thuốc kháng histamin H1
Cyproheptadin là thuốc hay bị lạm dụng với mục đích trị chứng chán ăn ở trẻ. Thực chất đây là thuốc kháng histamin H1, là chất chống dị ứng nên tác dụng chính của thuốc được dùng trong điều trị dị ứng cấp và mạn như: Viêm da, chàm, vết đốt côn trùng, viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thuốc, ngứa do thuỷ đậu; phòng và trị chứng đau nửa đầu, và đau đầu do co mạch…
Ngoài ra, do có tính chất kháng serotonin nên thuốc còn có tác dụng tạo cảm giác thèm ăn (serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cảm giác no, đói. Nếu chất sinh học này bị cyproheptadin đối kháng, người dùng thuốc sẽ có cảm giác đói, muốn ăn). Lợi dụng tác dụng này mà nhiều người đã sử dụng thuốc trong điều trị chứng chán ăn nhiều hơn là trị dị ứng. Hơn nữa, tác dụng phụ nổi bật nhất của các thuốc kháng histamin H1 nói chung và của cyproheptadin là buồn ngủ.
Một số người kém ăn lại thêm khó ngủ thường chuộng sử dụng cyproheptadin. Thuốc khi uống vào ban đêm làm cho dễ ngủ và uống vào ban ngày để cảm thấy thèm ăn, ăn uống được nhiều hơn. Tuy nhiên, tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện trong thời gian dùng thuốc. Khi ngừng uống có thể bị tác dụng ngược lại là ăn mất ngon như trước và bị sụt cân trở lại.
Khi lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng mục đích, trẻ có thể gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc như chóng mặt, buồn nôn, khô miệng; mệt mỏi, kích động, rối loạn phối hợp, nôn, ban dị ứng, rét run hoặc nhức đầu…
Hơn nữa, thuốc còn chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi vì có tác dụng kháng tiết cholin gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện, lại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây tình trạng ngầy ngật trong thời gian dài. Nếu dùng quá liều thuốc có thể thay đổi từ trầm cảm hệ thần kinh trung ương hay kích thích đến co giật, ngừng hô hấp, ngừng tim và tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Hiện ở một số nước, cyproheptadin không còn được khuyến khích dùng như thuốc kích thích sự thèm ăn, có nước còn cấm dùng. Ở nước ta, cyproheptadin cũng đã bị cấm sử dụng trong điều trị biếng ăn cho trẻ nhỏ.
Không nên lạm dụng thuốc chữa biếng ăn.
Sản phẩm chứa thuốc kháng viêm nhóm corticoid
Các thuốc chống viêm corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch và được sử dụng điều trị nhiều bệnh có liên quan tới ba tác dụng trên. Trong nhóm này các thuốc như dexamethason, prednisolon… hay bị lạm dụng nhất, đặc biệt là dexamethason. Do thuốc có tác dụng tăng cường chuyển hóa, làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon, giữ nước, làm béo giả (nhầm tưởng là lên cân), nhưng thuốc lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại. Với trẻ em có thể gây ra các tổn thương không hồi phục.
Có thời gian một số nhà trẻ tư đã sử dụng chế phẩm này trong thức ăn của trẻ, tạo cảm giác yên tâm cho phụ huynh về khả năng giúp trẻ tăng cân, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ.
Nên nhớ, ngay với liều điều trị, dexamethason dùng toàn thân cũng gây ức chế tuyến yên giải phóng Adrenocorticotropic hormon (ACTH), làm cho vỏ tuyến thượng thận ngừng tiết hormon corticosteroid nội sinh (gây suy vỏ tuyến thượng thận thứ phát)… Khi dùng liều cao, kéo dài trẻ có thể sẽ phải gánh chịu những tác dụng phụ, tai biến của thuốc đặc biệt là sự chậm lớn và rối loạn chuyển hóa ở trẻ. (Vì ở mức sinh lý thuốc kích thích sự tiết hormon tăng trưởng nhưng lại ức chế khi dùng liều cao.
Tác dụng gây chậm lớn ở trẻ em là hậu quả của sự giảm mức hormon tăng trưởng kết hợp với ức chế sự tạo xương và giảm hoạt động của hormon tuyến giáp. Ở tuổi dậy thì, sự ức chế hoạt động của tuyến sinh dục cũng là nguyên nhân gây chậm lớn và rối loạn sinh dục). Vì vậy, hiện nay đã có khuyến cáo bắt buộc các hãng sản xuất ghi trên nhãn các loại thuốc này dòng chữ “gây chậm lớn ở trẻ em” để người kê đơn và người dùng thuốc lưu ý.
Men tiêu hoá
Có rất nhiều bà mẹ khi thấy con lười ăn đã tự ý mua các loại men tiêu hóa cho con uống chỉ qua kinh nghiệm truyền miệng mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này đã gây nên những tác hại cho sự hấp thụ dinh dưỡng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Men tiêu hóa là hỗn hợp các enzym khác nhau do chính cơ thể tiết ra có tác dụng chuyển hóa các chất trong thức ăn, chủ yếu là chất bột, đường, đạm và chất béo. Men tiêu hoá được tiết từ các cơ quan khác nhau trong hệ thống đường tiêu hóa. Ví dụ, tại miệng có men amylase (trong nước bọt) có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường mantose, hay trong dịch dạ dày có men pepsin (phân giải protein), lipase (tiêu hoá lipid)... Dịch ruột cũng có đầy đủ các nhóm men tiêu hóa protein, lipid và glucid phân giải chất dinh dưỡng (chất bột, chất đạm, chất béo) ở giai đoạn cuối cùng thành những phân tử đơn giản để hấp thu qua thành ruột vào máu.
Chỉ sử dụng men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa này bị tổn thương hay khi bị giảm bài tiết gây thiếu men tiêu hóa trong cơ thể như trong một số trường hợp: Viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày, sau một đợt dùng kháng sinh kéo dài.
Nếu thực sự là do hệ tiêu hóa giảm bài tiết men thì phải xem trẻ thiếu men gì để bổ sung cho phù hợp và chỉ dùng trong 10-15 ngày. Sau đó, khi trẻ ăn tốt hơn, hệ thống tiêu hóa của cơ thể lại tự tiết ra các men tiêu hóa thì nên dừng uống. Trong thực tế, nhiều bà mẹ thường sử dụng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn là sai lầm bởi vì việc sử dụng không hợp lý và lâu dài men tiêu hóa sẽ làm các tuyến tiêu hóa trong cơ thể bị ức chế, giảm chức năg bài tiết, giảm hoạt động sẽ dẫn đến teo, làm cho đứa trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa. Khi không có men tiêu hoá trẻ sẽ không ăn.
Để hệ tiêu hóa hoạt động tốt cần có chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng cân đối các thành phần dinh dưỡng, chế biến phù hợp với từng lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Khi trẻ có đủ răng cần tập cho trẻ ăn nhai để kích thích hệ tiêu hóa bài tiết men. Có thể bổ sung thường xuyên men tiêu hóa dưới dạng thức ăn tự nhiên với lượng thích hợp như ăn sữa chua...
Lạm dụng “thuốc bổ”
Thuốc bổ ở đây được hiểu là các vitamin, thường là các vitamin tổng hợp (polyvitamin). Trong thành phần có chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, C, D, E, PP, B1, B2, B6, lysin… được quảng cáo cung cấp vi chất thiết yếu, tăng cường chuyển hoá, ăn ngon miệng, dùng trong các trường hợp chán ăn, suy dinh dưỡng... Tuy nhiên, phải uống đúng liều thì lúc đầu có hiêu lực chống chán ăn tạm thời song khi dùng quá liều và /hoặc kéo dài sẽ gây thừa vitamin trong đó có vitamin A, vitamin D… lại có tác dụng ngược gây chán ăn.
Đối với lysin (tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá), nên có tác dụng kích thích sự thèm ăn. Việc chuyển hóa của lysin lại đòi hỏi có các yếu tố chuyển hóa khác như vitamin B1,B6,B2, PP acid glutamic và sắt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lysin còn là một loại chống nhiễm kiềm nên việc dùng vượt quá liều và kéo dài có thể gây nhiễm acid huyết.
Vì vậy, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc bổ, cũng phải tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì thừa hay thiếu một loại dưỡng chất nào cũng đều gây hại cho sức khoẻ, nhất là trẻ nhỏ.
DS. Hoàng Thu Thủy
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!