Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV lúc cứu người gặp tai nạn?

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Khả năng bị phơi nhiễm HIV có thể xảy ra khi chúng ta cấp cứu người gặp nạn mang trong mình virus HIV. Tuy nhiên, việc lây nhiễm HIV không dễ dàng đến thế.

Khả năng bị phơi nhiễm HIV có thể xảy ra khi chúng ta cấp cứu người gặp nạn mang trong mình virus HIV. Tuy nhiên, việc lây nhiễm HIV không dễ dàng đến thế.

Sự việc 24 người, bao gồm 17 nhân viên y tế và 7 người dân phải điều trị phơi nhiễm HIV sau khi cứu một người tai nạn giao thông có H trong vụ tai nạn nghiêm trọng ở xã Đắk Hrinh, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp cần cứu người.

Khả năng lây HIV của 24 người rất thấp

Ông Nguyễn Văn Đôn, Trưởng phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, cho biết hiện trung tâm đã cấp phát miễn phí thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV cho 24 người tiếp xúc trực tiếp với máu người bị HIV.

Theo ông Đôn, tỷ lệ lây nhiễm của bệnh nhân này cho người khác là rất thấp. Bởi bệnh nhân này đang trong quá trình điều trị bằng thuốc chống phơi nhiễm ARV rất đều đặn.

Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV lúc cứu người gặp tai nạn?

Ảnh minh họa.

Phơi nhiễm HIV là gì?

Trả lời Zing, bác sĩ Hoàng Hải Hà - Khoa Nội - Bệnh viện 09, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra tương đối phổ biến khi bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sĩ...), cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm...

Trong đó, nguy cơ nhiễm HIV chỉ cao trong trường hợp tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều hoặc máu và các dịch của người có H bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Với các tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít, máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, nguy cơ mắc bệnh rất thấp.

Trường hợp bị máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương, chúng ta sẽ không bị lây nhiễm.

Bác sĩ Hà cho biết trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV lúc cứu người gặp tai nạn?

Cách điều trị khi bị phơi nhiễm HIV

Vẫn theo bác sĩ Hà, để biết kết quả chính xác nhất một người có bị HIV hay không ngay sau hành vi có nguy cơ lây nhiễm cần phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, cách này lại phải chờ lâu mới có kết quả.

Do đó, để tránh khả năng dương tính với căn bệnh, người bị phơi nhiễm tốt nhất nên điều trị sớm và đúng cách. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần phải dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị sớm từ 2-6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm và không điều trị muộn quá 72 tiếng (3 ngày) kể từ khi có hành vi nguy cơ.

"Tất cả người phơi nhiễm HIV đều phải điều trị bằng thuốc kháng phơi nhiễm ARV. Đây là phác đồ điều trị bậc một áp dụng chung cho mọi trường hợp trong vòng một tháng. Giá ngoài thị trường của loại thuốc này là từ 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng. Sau đó, người phơi nhiễm dừng thuốc và xét nghiệm lại sau 3, 6, 9 tháng. Khi xác định nhiễm HIV, họ sẽ được điều trị theo phác đồ cụ thể", bác sĩ Hà cho hay.

Theo bác sĩ Hà, chỉ trong một số trường hợp, người phơi nhiễm không phù hợp với ARV, họ phải chuyển sang dùng loại thuốc khác với phác đồ phức tạp hơn, chi phí lên tới hàng chục triệu đồng.

Chuyên gia lưu ý thêm điều trị bằng thuốc chống phơi nhiễm HIV không phải là lựa chọn cho những người thường xuyên phơi nhiễm.

Y bác sĩ phơi nhiễm HIV có được hưởng chế độ?

Theo quy định của Chính phủ, những y, bác sĩ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, phơi nhiễm HIV trong quá trình khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân sẽ được xét nghiệm, uống thuốc dự phòng miễn phí, được nghỉ việc 20 ngày và hưởng nguyên lương để điều trị.

Những người bị nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ được hưởng trợ cấp một lần ít nhất bằng 30 tháng lương, được hưởng chế độ nghỉ hưu khi làm việc 20 năm. Nếu tử vong, gia đình được hưởng tử tuất, theo quy định.

Những người không thuộc lực lượng chức năng không được hưởng miễn phí khi điều trị phơi nhiễm HIV.

Theo Zing

Xem thêm:

  • Hiv/aids có lây qua đường nước bọt không?
  • Xét nghiệm HIV bao lâu thì biết kết quả?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!