Nhà bếp sạch sẽ luôn đi kèm với sức khỏe tốt. Nếu một ngày, bạn mở tủ lạnh ra rồi lập tức đóng cánh cửa lại ngay vì ngửi thấy mùi khó chịu, đã đến lúc bạn làm sạch tủ lạnh rồi đấy!
Thời hiện đại, vì không có thời gian đi chợ mỗi ngày, rất nhiều phụ nữ có thói quen trữ thực phẩm trong tủ lạnh và tủ/ngăn đông. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nếu chúng không được vệ sinh thường xuyên, thực phẩm sẽ không được bảo quản đúng cách, dẫn đến bốc mùi và dễ hư hỏng. Do đó, bạn cần nắm vững những nguyên tắc này trước khi vệ sinh tủ lạnh và tủ đông:
Đối với tủ lạnh
– Dọn dẹp khu vực xung quanh tủ lạnh: quét sạch bụi bám trên đầu tủ và dưới gầm. Bạn nhớ rút phích cắm ra để đảm bảo an toàn.
– Lên lịch làm sạch tủ một ngày trước khi bạn đi mua sắm, vì đây là lúc tủ lạnh ít thức ăn nhất. Bạn lấy hết mọi thứ có trong tủ ra để kiểm tra, sau đó vứt bỏ các thực phẩm bị mốc hoặc hết hạn sử dụng. Sản phẩm quá hạn chính là nguyên nhân làm cho tủ lạnh bốc mùi.
– Lau sạch kệ và ngăn kéo bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, sau đó dùng khăn sạch lau khô. Tuyệt đối không dùng nước quá nóng kẻo làm nứt hay vỡ các kệ tủ. Ở những khe nhỏ trong tủ lạnh, nên dùng bàn chải đánh răng để cọ rửa dễ dàng hơn.
– Đặt bã trà, vỏ cam/quýt/chanh, baking soda… ở ngăn giữa tủ để hấp thụ mùi khó chịu.
– Lau chùi bề mặt bên ngoài tủ lạnh bằng chất tẩy rửa chuyên dụng. Đối với loại tủ thép không gỉ, bạn nên dùng giấm ăn.
Cách sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh
– Sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ tủ, lý tưởng nhất là từ 2-4 độ C.
– Gia vị và những đồ ăn khó hư cần được để ở cánh tủ lạnh hoặc kệ trên cùng của ngăn mát, vì đây là những khu vực ít lạnh nhất. Các khu vực mát nhất (ngăn kéo) nên ưu tiên chứa thịt, phô-mai, rau cũng như bất kỳ thứ gì nhanh hỏng.
– Cách sắp xếp thức ăn cũng rất quan trọng: nên để những món lành mạnh bên ngoài còn bánh kẹo, đồ ngọt… để phía bên trong. Bằng cách này, bạn sẽ không tiện tay lấy các loại thực phẩm không tốt cho cân nặng, dẫn đến tăng cân.
– Cách bảo quản thức ăn thừa: để nguội thức ăn rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín. Chỉ nên để thức ăn đã nấu chín trong vòng hai giờ vào tủ, và bảo quản từ 4-5 giờ. Quá thời hạn đó, thức ăn thừa có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.
Đối với tủ đông (hoặc ngăn đông)
– Lấy mọi thứ trong đó ra kiểm tra. Nếu phát hiện thực phẩm bị cháy lạnh (có màu xám hoặc thâm) thì phải bỏ ngay lập tức. Cách để tránh cho thịt bị cháy lạnh là gói chúng lại trước khi bỏ vào tủ/ngăn đông.
– Thịt nấu chín hoặc thức ăn thừa có thể bảo quản trong tủ/ngăn đông hai tháng, trong khi con số này đối với thịt, thịt gia cầm và hải sản là sáu tháng, với điều kiện chúng phải được đậy hoặc gói kỹ để ngăn tiếp xúc trực tiếp với hơi lạnh.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 4 loại thực phẩm KHÔNG nên cất quá nhiều trong tủ lạnh
- Mách bạn cách dạy con làm vệ sinh tủ lạnh chỉ trong 5 phút
- Thực phẩm không thể thiếu trong tủ lạnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!