Làm sao để không bị cước tay, chân vào mùa đông?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nên hạn chế các chất liệu dễ gây kích ứng da như len, dạ, không mặc quá chật vì sẽ gây kích thích tại chỗ.

Hiện tượng cước tay, chân

Về mùa lạnh, một số người hay bị sưng đỏ, ngứa các ngón chân gây đau và khó chịu. Hiện tượng này theo y học hiện đại là bị dị ứng thời tiết tại chỗ, dân gian gọi 'cước'.

Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh, bệnh thường phát nặng hơn do thấp hợp hàn. Bệnh gây sưng đau các ngón tay, chân, gót chân; bắp chân đến đầu gối, khớp đau buốt. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở người lao động trong môi trường tiếp xúc với nước lạnh như đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng.

Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội, đưa ra một số lời khuyên để phòng và chữa bệnh cước chân tay:

Phòng tránh bệnh cước chân tay

Làm sao để không bị cước tay, chân vào mùa đông?

Hãy giữ ấm cơ thể khi trời lạnh đề phòng bị cước tay, chân (Ảnh minh họa: Internet)

- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh (mặc đủ ấm, đi găng tay, tất chân...). Hạn chế các chất liệu dễ gây kích ứng da như len, dạ... và không mặc quá chật vì sẽ gây cọ xát, kích thích tại chỗ. Đi bảo hộ (găng tay, ủng chân) để giữ ấm chân, tay khi làm việc ngoài trời.

- Không nên tiếp xúc trực tiếp nhiều với các chất tẩy rửa như nước rửa bát, bột giặt, nước lau nhà… Khi làm việc nhà thì nên đeo găng tay để bảo vệ.

- Không nên tiếp xúc với nước quá lạnh. Khi tắm cần sử dụng các loại sữa tắm có tác dụng làm mềm da, giữ ẩm cho da để làm giảm cơn ngứa.

- Thường xuyên tập thể dục để giúp cho việc lưu thông máu dễ dàng hơn.

- Trước khi đi ngủ nên ngâm chân tay vào nước ấm pha gừng, khoảng 15 đến 30 phút.

- Hạn chế uống nhiều rượu bia, thuốc lá.

Cách chữa cước chân tay

Làm sao để không bị cước tay, chân vào mùa đông?

Có thể ngâm chân, tay vào nước lá lốt để giảm cước tay, chân (Ảnh minh họa: Internet)

- Lá lốt thái nhỏ, đun sôi với nước rồi cho thêm một chút muối. Ngâm chân, tay vào nước lá lốt này khoảng 30 phút trước.

- Thoa một chút dung dịch rượu anh đào (loại nhẹ) lên vùng chân, tay bị cước để làm dịu cơn ngứa, rát.

- Gừng tươi thái lát mỏng xát lên vùng bị cước, mỗi ngày làm một đến 2 lần liên tục trong vòng một tuần.

Chú ý, khi bị cước, bạn không nên dùng các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, rượu, bia… vì chúng làm chỗ phát cước sưng ngứa nhiều hơn.

Khi bị cước chỉ được xoa nhẹ nhàng, không gãi mạnh để tránh lở loét trên bề mặt da dẫn đến nhiễm trùng. Bị cước nặng cần đến cơ sở y tế thăm khám, không tự ý sử dụng thuốc, tránh các biến chứng xấu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!