Làm sao để mẹ bầu có thể tránh được những tai biến sản khoa?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Để sinh con ra khỏe mạnh, bình an các bà mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như giữ gìn thận trọng trong suốt 9 tháng thai kỳ.

Thời gian mang thai, chị em bầu bí sẽ phải đối mặt với không ít các rủi ro, nguy hiểm, bởi thế người xưa mới có câu 'Chửa cửa mả' là vậy. Dưới đây là những yếu tố có thể gây nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ mang thai và cách phòng tránh, chị em cần lưu ý:

1. Sinh con quá tuổi

Thời kỳ 'hoàng kim' để chị em phụ nữ mang thai là từ 25-35 tuổi. Qúa độ tuổi này, chất lượng trứng và sức khỏe sinh sản của nữ giới bắt đầu giảm sút. Sinh con khi tuổi đời quá trẻ, người mẹ khó khăn về kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, bộ máy sinh dục chưa phát triển ổn định hoặc sinh đẻ khi quá cao tuổi, khả năng thụ thai giảm sút, nguy cơ sinh con dị tật cũng cao hơn.

Lời khuyên:Mỗi phụ nữ cần có ý thức tìm hiểu các vấn đề sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe sinh sản nói riêng. Quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt là phụ nữ trẻ chưa có ý định kết hôn. Việc mang thai ngoài ý muốn khi bạn chưa sẵn sàng có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn.

Ngược lại, cũng không nên trì hoãn thiên chức làm mẹ, đợi khi sự nghiệp rạng rỡ, ổn định mới sinh con đẻ cái thì bạn đã quá lớn tuổi. Hãy chọn thời điểm thích hợp nhất và bắt đầu cuộc hành trình đầy niềm vui với thiên thần bé nhỏ của mình thay vì sự hối tiếc.

Làm sao để mẹ bầu có thể tránh được những tai biến sản khoa?

Bà bầu nên chịu khó tìm hiểu các thông tin chia sẻ về thai kỳ

2. Tiểu đường khi mang thai

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường được chia thành 2 trường hợp. Thứ nhất là những người bị tiểu đường trước khi bầu bí. Thứ hai là thai phụ mắc bệnh tiểu đường do mang thai. Trường hợp này, người ta gọi là tiểu đường thai kỳ.

Khi có thai, các hoóc-môn từ nhau thai làm rối loạn quá trình sản xuất insulin ở tụy tạng. Tụy tạng phải sản xuất insulin nhiều hơn và nếu không đảm bảo thì lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Đây chính là nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ.

Lời khuyên: Các yếu tố nguy cơ gây tiểu đường ở bà bầu thường gặp là quá cân, mang thai khi lớn tuổi, gia đình có tiền sử tiểu đường. Có đến 3-6% phụ nữ mang bầu bị tiểu đường thai nghén. Vì vậy, chị em cần theo dõi sức khỏe thận trọng trước và trong thời gian mang thai.

3. HIV/AIDS

Nhiều chị em nhiễm HIV/AIDS trước khi mang thai vẫn quyết tâm làm mẹ và sinh con. Cũng có những trường hợp, sau khi mang bầu hoặc chuẩn bị chuyển dạ, đi xét nghiệm mới hốt hoảng biết rằng mình đã bị nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai có H thường có sức đề kháng kém hơn thai phụ khỏe mạnh, nguy cơ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con cũng rất cao nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng từ sớm.

Làm sao để mẹ bầu có thể tránh được những tai biến sản khoa?

Để em bé sinh ra khỏe mạnh, mẹ bầu cần phải chăm sóc thai kỳ tốt

Lời khuyên:Sống chung thuỷ một vợ, một chồng, quan hệ tình dục an toàn. Khám tiền sản trước khi có kế hoạch mang thai. Với phụ nữ có HIV mang thai, thời kỳ thai nghén cần được theo dõi thai kỳ sát sao với sự giám sát của nhân viên y tế có kinh nghiệm.

4. Sinh non

Phụ nữ có cổ tử cung ngắn có xu hướng sinh con sớm hơn ngày dự sinh. Ngoài ra, chị em đã từng sinh non lần đầu thì sẽ có nguy cơ sinh non ở các lần mang thai sau. Có đến 50% ca sinh non không tìm được nguyên nhân nhưng có thể thấy một số yếu tố nhất định như thể trạng của người mẹ kém, có tiền sử mắc bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch… Thai suy dinh dưỡng, bong nhau non, nhau tiền đạo… cũng là những lý do khiến thai nhi chào đời sớm.

Lời khuyên:Với chị em có nguy cơ hoặc dấu hiệu sinh non, cần thận trọng giữ gìn trong suốt thai kỳ. Có chế độ dinh dưỡng cân bằng và lưu ý khi quan hệ vợ chồng trong những tháng đầu và cuối thai mang thai.

5. Nhau tiền đạo

Có khoảng 1/200 trường hợp thai phụ bị nhau tiền đạo (hay còn gọi là rau tiền đạo) khi mang thai. Đây là hiện tượng khi nhau thai chèn vào cổ tử cung, gây chảy máu hoặc co thắt dạ con. Mẹ bầu bị nhau tiền đạo do sinh nở nhiều, đã từng nạo phá thai hoặc mang thai khi tử cung chưa hồi phục sau một ca phẫu thuật nào đó.

Lời khuyên: Khi bị nhau tiền đạo, bà bầu nên nhập viện để được theo dõi, tránh các vận động ở vùng bụng có thể gây kích thích tử cung chảy máu. Giữ tinh thần lạc quan, ổn định.

Làm sao để mẹ bầu có thể tránh được những tai biến sản khoa?

Mẹ tròn con vuông là mong muốn của tất cả các sản phụ

6. Đa thai

Mẹ bầu có đa thai, tức là mang thai đôi, thai ba, thai tư sẽ gặp các biến chứng sản khoa cao hơn bình thường. Đa số trường hợp mang bầu đa thai đều có tỷ lệ sinh non, sản phụ cũng thường bị cao huyết áp, tiểu đường nhiều hơn.

Lời khuyên: Đừng chủ quan trong thời gian bầu bí, chị em cần khám thai định kỳ và dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để đảm bảo mẹ khoẻ, bé an toàn.

7. Trầm cảm thai kỳ

Các vấn đề tâm lý có ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Nhiều chị em mang thai có thể thay đổi cảm xúc đột ngột nhưng không được gia đình, đặc biệt là người chồng chia sẻ, phải đối mặt với hoàn cảnh tiêu cực gây sang chấn tâm lý có thể khiến sảy thai, bong nhau thai, sinh non.

Lời khuyên:Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái trao đổi, tâm sự những khó khăn với người nhà. Các mẹ cần nghĩ tới thiên thần nhỏ của mình và giải toả những căng thẳng tâm lý trong thời gian bầu bí để đảm bảo sức khoẻ cho bé yêu.

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!