Với tâm lý “ăn chơi chẳng sợ mưa rơi”, bạn sẽ rất dễ gặp phải những vấn đề tiêu hóa trầm trọng khi ăn uống thả ga vào mùa tiệc tùng đấy!
Tiệc tùng nhiều khiến cơ thể tiếp nhận nhiều chất đạm, chất béo, bia, rượu, nước giải khát có gas… nên bạn thường xuyên bị hành hạ bởi các bệnh về đường tiêu hóa. Những lưu ý sau đây có thể giúp bạn khắc phục vấn đề tiêu hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả.
1. Nhận biết sớm các triệu chứng
Các vấn đề về tiêu hóa có thể bắt nguồn từ bất cứ thực phẩm nào có tính axit như thức ăn hoặc rượu. Nhưng bạn có biết rằng ngay cả căng thẳng cũng có thể dẫn đến sự khó chịu về tiêu hóa? Công việc áp lực cuối năm, tiệc tùng liên miên, ăn uống không điều độ khiến hệ tiêu hóa của bạn thường xuyên bị rối loạn. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có những biểu hiện như tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể.
2. Tìm hiểu các vấn đề gây bệnh
Cố gắng xác định những nguyên nhân gây ra vấn đề của bạn bằng cách tìm hiểu những điều sau: Loại thức ăn, thức uống và các hình thức ăn uống nào khiến tiêu hóa của bạn khó chịu? Ví dụ cà phê, các sản phẩm từ sữa hoặc đồ uống có ga có thể gây ra tiêu chảy. Thuốc cũng là một trong nhiều khả năng gây ra vấn đề về hệ tiêu hóa. Vì thế, bạn nên theo dõi và lưu trữ các đơn thuốc, đồng thời hỏi kỹ bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
3. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể
Nước không những hỗ trợ chức năng ruột bình thường mà còn giúp phân định hình và mềm hơn. Hãy tránh các đồ uống như cà phê hoặc soda nếu bạn nghĩ rằng chúng gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho cơ thể.
4. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý
Ăn uống đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa hoặc giúp bạn làm dịu cơn đau. Hãy chú ý đến kích cỡ khẩu phần ăn cũng như tốc độ ăn của bạn và lưu ý các nguyên tắc sau:
√ Bổ sung dần dần chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn. Các thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định. Việc tăng lượng chất xơ còn giúp bạn tránh bị đầy hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
√ Bạn nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ cho cả ngày để tránh những cơn co thắt ruột bất thường.
5. Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn
Đừng để thức ăn còn nguyên trong dạ dày của bạn sau khi ăn. Bạn nên đứng dậy đi bộ một vòng hoặc vận động với các bài tập nhẹ nhàng. Đi bộ chậm rãi một chút sau bữa ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn chặn sự đầy hơi. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, chỉ đi bộ sau khi ăn 30 phút và thời gian đi là 15 – 20 phút, tránh đi lại ngay sau khi ăn bởi điều đó sẽ gây phản tác dụng.
6. Kiểm soát căng thẳng
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các căng thẳng có thể làm gia tăng vấn đề về tiêu hóa. Bạn có thể giảm căng thẳng với những hoạt động thư giãn như tập thể dục, yoga, thiền hay các hoạt động thể thao ưa thích. Không phải tất cả các căng thẳng đều có thể tránh được. Để giải quyết triệt để tình huống khó khăn và các mối quan hệ rắc rối, hãy cân nhắc tới việc chia sẻ với bạn bè hoặc tìm gặp các nhà tâm lý học.
7. Không xem nhẹ các vấn đề tiêu hóa
Nên cung cấp thông tin chi tiết và đặt câu hỏi cho bác sĩ về hướng điều trị nếu bạn mắc các bệnh tiêu hóa. Trường hợp thuốc bác sĩ kê toa không có hiệu quả hoặc có các phản ứng phụ, hãy báo ngay với bác sĩ điều trị. Trước khi sử dụng các loại thuốc hoặc chất bổ sung không kê toa, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các phản ứng phụ có thể xảy ra.
Việc chủ động tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức về tiêu hóa là cách tốt nhất để bạn có những biện pháp phòng tránh các vấn đề tiêu hóa thường gặp. Đặc biệt, bạn không nên vì những dịp vui quá trớn cuối năm mà ăn uống quá chén dẫn tới nguy cơ mắc bệnh bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 bí quyết ngăn ngừa bệnh tiêu hóa cho người bận rộn
- Mách bạn 3 loại thực phẩm dễ tiêu hóa
- Bệnh về đường tiêu hóa: 9 nguy hại không thể lường trước được (Phần 1)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!