Legg-Calve-Perthes (Dẹt chỏm xương đùi)

Bệnh A-Z - 05/20/2024

Tìm hiểu về Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi) trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Định nghĩa

Định nghĩa

Bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi) là bệnh gì?

Bệnh Legg-Calve-Perthes, hay còn gọi là bệnh dẹt chỏm xương đùi hoặc chỏm xương đùi dẹt, là tình trạng thiếu hụt cung cấp máu cho phần chỏm xương đùi của khớp hông. Phần chỏm là phần trên (phần đầu) của xương đùi. Sự thiếu hụt cung cấp máu đến phần đầu xương đùi dẫn đến sụp khớp háng và sẽ bị viêm cứng khớp đó. Thường thì chỉ một phần hông bị ảnh hưởng, nhưng đôi khi các triệu chứng có thể xảy ra ở cả hai bên hông.

Những ai thường mắc phải bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi)?

Bệnh dẹt chỏm xương đùi là bệnh không phổ biến. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 4 đến 12 tuổi, các bé trai thường có tỷ lệ mắc bệnh hơn bé gái. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi) là gì?

Bệnh dẹt chỏm xương đùi thường bắt đầu với đau hông, nhưng thỉnh thoảng trẻ em cũng có biểu hiện đau ở đùi hay háng hay gần đầu gối. Thông thường, cơn đau sẽ xuất hiện mà không có bất kỳ chấn thương nào tại khu vực đó. Trẻ có thể đi khập khiễng hay ngày càng khó đi lại vì đau.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp con bạn đang điều trị và được bó bột, bạn nên gọi bác sĩ nếu:

  • Con bạn liên tục cảm thấy đau ở một điểm bên dưới nẹp hoặc bột.  Chỗ đau này có thể là loét do tỳ đè;
  • Xuất hiện vết đỏ, đau, hoặc có mùi hôi bốc ra từ khu vực bó bột.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi) là gì?

Nguyên nhân khiến trẻ bị dẹt chỏm xương đùi là do thiếu máu cục bộ (tắc mạch) vùng khớp. Nếu vùng xương này không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, cấu trúc của xương sẽ bị phá vỡ dễ dàng và khả năng phục hồi kém. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tắc mạch hiện nay vẫn đang được nghiên cứu.

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi)?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh dẹt chỏm xương đùi bao gồm:

  • Tuổi tác: mặc dù bệnh được chẩn đoán ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng nó thường xảy ra nhất ở độ tuổi từ 4 đến 8;
  • Giới tính: bệnh phổ biến ở các bé trai hơn so với các bé gái;
  • Chủng tộc: trẻ em da trắng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn là trẻ em da đen;
  • Tiền sử gia đình: trong một số ít trường hợp, bệnh có tính di truyền.

Điều trị

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi)?

Mục tiêu điều trị là ngăn chặn viêm khớp trầm trọng, duy trì sự vận động bình thường của khớp, tránh đặt áp lực lên các khớp tổn thương và giữ cho chỏm xương đùi nằm đúng bên trong ổ cối.

Sau khi bác sĩ phẫu thuật chẩn đoán bệnh, bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét độ tuổi của trẻ và quan sát khớp trên phim X-quang để quyết định nên bó bột, nẹp hoặc phẫu thuật.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi)?

Bác sĩ chẩn đoán từ bệnh sử, độ tuổi của trẻ và khám thực thể cho thấy đau khi xoay hông. Trẻ cũng có thể sẽ đi khập khiễng. Chụp X-quang là cần thiết để chẩn đoán xác định. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng sẽ cho biết mức độ tổn thương nhiều ít của chỏm xương đùi.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Legg-Calve-Perthes (dẹt chỏm xương đùi)?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
  • Cẩn thận với bột bó toàn thân và nẹp dài toàn chân;
  • Để làm giảm sự ngứa ngáy, sử dụng máy sấy tóc ở chế độ lạnh để thổi không khí vào trong lớp bột, hay chạm trực tiếp lên chỗ bó bột trên chỗ ngứa;
  • Không đặt bất cứ vật gì lên chỗ bó bột.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!