Liệu bệnh vô sinh ở nam giới có thể điều trị không?

Sức khỏe nam giới - 04/26/2024

Nhằm hạn chế tình trạng vô sinh ở nam giới, việc khám sức khỏe là điều rất cần thiết cho mọi người để phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời.

Vô sinh ở nam giới là nỗi ám ảnh lớn nhất của nhiều gia đình và bệnh cũng đang có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây. Nhằm hạn chế tình trạng này, việc kiểm tra sức khỏe trước và trong hôn nhân là điều rất cần thiết để phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời.

Nam giới cần cung cấp cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bản thân như gia đình có ai mắc bệnh vô sinh, hiếm muộn không, thói quen sinh hoạt ăn uống hằng ngày, có tiếp xúc với các hóa chất độc hại, có mắc bệnh lây qua đường tình dục… hay không để tìm ra những phương pháp tối cao cải thiện bệnh tình.

Phương pháp nội khoa

  • Phương pháp này dành để điều trị cho các trường hợp có tinh trùng yếu. Chi phí điều trị thấp, hầu như vô hại nhưng hiệu quả không cao và không thuyết phục;
  • Có thể chia làm 2 nhóm: dùng thuốc và không dùng thuốc.

1. Không dùng thuốc

Áp dụng cho những bệnh nhân không có bệnh lý rõ ràng, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân mặc quần lót rộng, tắm rửa thường xuyên để hạ nhiệt ở bìu giúp chất lượng tinh trùng được cải thiện. Bỏ thuốc lá cũng là một biện pháp tốt giúp nâng cao chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, hai vợ chồng cần giao hợp thường xuyên, khoảng 2–4 lần mỗi tuần, để giúp kích thích tinh hoàn sản xuất tinh binh.

2. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc chống oxy hóa như vitamin E và C hay clomiphene thường được sử dụng khi điều trị vô sinh. Nhìn chung, chưa có loại thuốc nào chứng minh được tính hiệu quả rõ ràng trong quá trình điều trị bệnh.

Nếu tinh dịch của bệnh nhân bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên dùng kháng sinh để giúp tinh dịch cải thiện nhanh hơn. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng do não không tiết ra các nội tiết tố hướng sinh dục để kích thích sinh tinh (FSH và LH), thì việc tiêm bổ sung các chất này mang lại hiệu quả khá cao (90%) nhưng cũng rất tốn kém vì phải tiêm liên tục 3 mũi/tuần trong vòng 6 tháng.

Phương pháp phẫu thuật

  • Dành cho các bệnh nhân mắc phải các bệnh lý sinh dục. Đối với bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, vi phẫu thuật cho cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn và bìu giúp tỷ lệ tinh trùng cải thiện trong 60–70% trường hợp và tăng tỷ lệ có con 40% trong 1 năm;
  • Đối với trường hợp tắc ống dẫn tinh, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh có kết quả từ 70–90% trường hợp thành công và tỷ lệ có thai tự nhiên là 30–55% mỗi trường hợp;
  • Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn, độ thành công rất thấp (10–15%) nên bệnh nhân điều trị quá trễ thì không còn hy vọng;
  • Phẫu thuật nội soi cắt ống phóng tinh để điều trị vô sinh có khoảng 60% trường hợp thành công với tỉ lệ có thai tự nhiên là 30–40% mỗi trường hợp;
  • Thành công của ca phẫu thuật còn phụ thuộc vào phương pháp mổ và tay nghề của bác sĩ phẫu thuật;
  • Thời gian cải thiện tinh trùng tùy thuộc vào từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh hoàn từ 6 tháng đến 1 năm; tắc ống tinh cần 3–6 tháng. Không ít trường hợp sau phẫu thuật 1–2 năm người vợ mới có thể có thai như bình thường;
  • Thời gian mổ trung bình là 60 phút. Bệnh nhân chỉ cần nằm viện một đêm và hôm sau có thể về. Chỉ của vết mổ được cắt sau 7 ngày. Bệnh nhân sinh hoạt trở lại bình thường sau khi mổ từ 3–7 ngày. Sinh hoạt tình dục sau mổ được khuyến khích để giúp chất lượng tinh dịch được cải thiện và tăng tỷ lệ có thai tự nhiên.

Phương pháp thụ tinh nhân tạo

1. Bơm tinh trùng đã được chọn lọc vào tử cung

Kỹ thuật này dành cho các trường hợp người vợ lâu quá không có thai hoặc tinh trùng người chồng yếu nhẹ hay vừa. Tỷ lệ thành công của phương pháp trên khoảng 12–20%. Chi phí khoảng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

2. Thụ tinh trong ống nghiệm

Phương pháp dành cho các trường hợp tinh dịch kém chất lượng hay tắc ống dẫn tinh mà không thể mổ nối được. Người vợ phải dùng thuốc kích trứng để tiến hành thụ thai và đây cũng chính là khâu gây ra các biến chứng khá nguy hiểm như xuất huyết trong ổ bụng, trầm cảm…

Bên cạnh đó, chi phí cũng rất cao cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 15%.

3. Thụ tinh trong ống nghiệm với sự hỗ trợ của vi thao tác tiêm tinh trùng vào trứng

Để thụ tinh trong ống nghiệm tăng tỷ lệ thành công, tinh trùng không cần phải bơi đến chỗ trứng mà sẽ được “bắt” và tiêm thẳng vào trứng. Vì thế, nếu các tinh trùng có “lười” di chuyển thì chỉ cần tinh trùng còn sống vẫn có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo.

Chính vì tinh trùng bị “ép” phải thụ tinh với trứng, các chuyên gia lo rằng thụ tinh nhân tạo sẽ dẫn đến dị dạng bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Song với phương pháp này, tỷ lệ có thai lên đến 30–40% và chỉ có khoảng 5–10% trường hợp không thành công. Ngoài ra, trẻ sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có khả năng mắc các chứng bệnh bẩm sinh cao hơn các bé sinh tự nhiên, giống như những đứa bé sinh non. Nhưng y học đang ngày càng tiến bộ và sẽ sớm khắc phục tình trạng này nên bạn đừng lo.

Vô sinh ở nam giới không phải là một loại bệnh hiếm nữa nên bạn đừng lo lắng nhé. Hãy áp dụng các biện pháp trên và đừng nản chí bạn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Khắc phục tình trạng rụng tóc dễ dàng như trở bàn tay
  • Liệu bệnh vô sinh ở nam giới có thể điều trị không?
  • Mẹo giúp bé thích ăn rau củ nhiều hơn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!