Ngày 16-3, theo lịch hẹn của bác sĩ thì bà Vi Thị Thiết (63 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) sẽ đến bệnh viện (BV) để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, lo dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bà Thiết quyết định ở nhà theo dõi tình hình dịch thêm một tuần nữa.
Ngại đi khám vì sợ COVID
'Tôi bị huyết áp cao, chớm bị gan nhiễm mỡ, đái tháo đường nên mấy năm nay định kỳ ba tháng/lần phải đi xét nghiệm, kiểm tra lại. Nhưng giờ dịch phức tạp quá, đến BV gặp gỡ nhiều người sợ dịch lây lan nên thôi đợi ít hôm nữa rồi đi khám lại cũng chưa muộn. Dù gì bệnh của tôi cũng không cần thiết phải đến BV ngay lập tức' - bà Thiết chia sẻ.
BS Hoàng Trần Thanh, Trưởng khoa Điều trị mắt và khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Mắt Trung ương, cho biết hiện lượng bệnh nhân đến khám đã giảm đến 70% so với thời gian chưa có dịch.
Phòng nội trú Khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện E vắng tanh trong những ngày dịch COVID-19. Ảnh: NGHĨA NHÂN
Theo BS Thanh, nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhân ở các tỉnh ngại lên Hà Nội khám vì lo ngại đây là vùng có dịch. Đồng thời, người bệnh cũng có tâm lý chủ quan cho rằng bệnh tình của mình chưa đến mức nặng phải nhập viện khám và điều trị ngay.
Tại BV Lão khoa Trung ương, tình trạng cũng tương tự. TS-BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ của BV này, cho biết: 'Lượng bệnh nhân đến viện giảm từ 50%-70% so với những ngày chưa có dịch COVID-19. Những ca đến viện phần lớn rơi vào các bệnh lý cấp cứu'.
Tại BV đa khoa Hà Đông, số lượng bệnh nhân cũng giảm 1/3 so với các năm trước. Riêng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, mỗi ngày BV vẫn tiếp nhận 50-60 trường hợp, cao điểm có ngày hơn 100 bệnh nhân. Hiện BV đang có 65 bệnh nhân F1 và F2 có triệu chứng đang cách ly. Các bệnh nhân sức khỏe vẫn ổn định.
Một số nơi như Viện Bỏng quốc gia, BV Phổi Trung ương... hầu như lượt khám không giảm. Vì đây là BV chuyên khoa, đồng thời các trường hợp đến viện đều là những trường hợp mà bệnh tình không thể trì hoãn.
COVID-19 và biến chứng, nỗi lo nào hơn?
TS-BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương, cho biết việc người dân lo ngại dịch COVID-19 không đi khám, điều trị sẽ rất nguy hiểm, nhất là bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý mãn tính. Nếu không đi khám, bệnh sẽ không được kiểm soát tốt và có thể gây biến chứng.
Đơn cử như bệnh đái tháo đường, nếu người bệnh không đi khám thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết. Bệnh huyết áp cao mà không đi khám thì không kiểm soát được huyết áp cũng như gây các biến chứng tai biến mạch máu não, đột quỵ...
'Tôi đã khuyên nhiều nhưng bệnh nhân vẫn lo dịch không đi. Người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi cần phải đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên hoang mang, lo sợ bị nhiễm bệnh COVID-19 vì ở BV đã được thực hiện đầy đủ quy trình phòng bệnh. Ai có dấu hiệu nghi ngờ thì được chuyển đi ngay vì BV Lão khoa Trung ương không phải là nơi thu dung nên hoàn toàn yên tâm' - BS Thắng chia sẻ.
BS Hoàng Trần Thanh, BV Mắt Trung ương, cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. Nếu người dân không đến khám và điều trị kịp thời mà để bệnh diễn biến nặng thì càng khó điều trị, thời gian điều trị lâu và tốn kém chi phí, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
'Nếu người dân thực hiện đeo khẩu trang và rửa tay, sát khuẩn tay thường xuyên thì không có vấn đề gì đáng ngại. Việc đi khám những ngày này còn có cái lợi là những ai không may nhiễm bệnh thì được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh tình trạng diễn biến xấu ảnh hưởng đến sức khỏe' - BS Thanh nói.
Hiện các BV đều thực hiện quy trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất nghiêm ngặt. Ví dụ như tại BV Mắt Trung ương, trước khi vào BV, khi qua cổng mọi người sẽ được đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang. Trường hợp nào có thân nhiệt cao sẽ phải trả lời sàng lọc qua bộ câu hỏi, ví dụ như có đi về từ vùng dịch không, có tiếp xúc với trường hợp nguy cơ hay không... Sau khi loại trừ thì người dân mới được hướng dẫn đưa đi khám bệnh.
Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tháng 2-2020, cả nước có khoảng 12,171 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. So với tháng 11-2019 cả nước có 16,268 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì giảm khoảng hơn 4.000 lượt người khám chữa bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!