Lời khuyên cho các bà nội trợ mùa dịch Covid-19

Thời sự - 11/24/2024

Trước tình hình dịch Covid-19 đang gia tăng, ngoài các biện pháp phòng bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người thì việc nâng cao thể trạng được xem là biện pháp quan trong nhất.

Lời khuyên cho các bà nội trợ mùa dịch Covid-19

Ảnh minh họa.

Bổ sung vitamin

Theo GS.TS.TTND Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngoài việc người dân tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng bao gồm 4 nhóm thực phẩm theo sơ đồ Tháp thực phẩm của Viện dinh dưỡng đã khuyến cáo, để đảm bảo tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh, điều rất quan trọng là bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch.

Không chỉ có vitamin C, các vitamin A, D, E, sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như Flavonoid cũng rất cần thiết. Các vitamin và khoáng chất này có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Vitamin A và Beta-caroten: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng/ màu đỏ…

Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…

Vitamin E:Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vitamin E có thể làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, Vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu Vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.

Selen: Nguyên tố khoáng chất vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển…

Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.

Lưu ý khi mua và chế biến

Cũng theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các bà nội trợ cần phải thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ trong vụ dịch này mà còn để tránh nhiều bệnh khác. Hơn nữa, nếu bị ngộ độc thực phẩm sẽ làm cơ thể yếu, sức đề kháng giảm. Các bệnh mắc trùng nhau sẽ tăng gánh nặng cho việc điều trị, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn.

Khi đi mua thực phẩm cần lưu ý: Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; Không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; Tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.

Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

Chế biến thực phẩm tại nhà cần sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).

GS.TS Lê Danh Tuyên khuyến cáo phải luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm; tuyệt đối không ăn tiết canh để tránh bệnh do liên cầu lợn gây ra.

Mọi người không nên sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống; trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa/muỗng/đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình; không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!