Giảng viên hướng dẫn các học viên về các nghiệm pháp thăm khám Hội chứng vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ. (Nguồn: hnmvn.vn)
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức khai giảng Chương trình đào tạo lớp Y sỹ y học cổ truyền lần đầu tiên dành cho người khiếm thị trên toàn quốc.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ - Phục hồi chức năng cho người mù (Hội Người mù Việt Nam) Phạm Xuân Trường cho biết, trong những năm gần đây nghề massage của người mù ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người mù nói riêng và cộng đồng nói chung.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ cũng như thu nhập từ massage của người mù ở Việt Nam còn một khoảng cách không nhỏ so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thu nhập từ nghề này ở Việt Nam ở mức trung bình từ 3,5-4 triệu đồng, trong khi ở Thái Lan, Malaysia trung bình là 20-30 triệu đồng, ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là 60 triệu đồng, ở Hàn Quốc là 100 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Trường cho biết, với vai trò là đơn vị đào tạo nguồn duy nhất đến thời điểm này của Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm luôn mong mỏi người khiếm thị Việt Nam có cơ hội được đào tạo trong những chương trình dài hạn hơn, từ 2-3 năm và sâu hơn nữa.
Các học viên không chỉ được học xoa bóp mà còn được đào tạo châm cứu, cùng nhiều chuyên đề khác nhau với các kỹ năng chẩn trị bệnh bằng y học dân tộc và y học hiện đại.
Với sự giúp đỡ của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Chương trình đào tạo lớp Y sỹ y học cổ truyền lần đầu tiên được tổ chức trong thời gian 2 năm với mục tiêu nhằm đào tạo những học viên khiếm thị có kiến thức và kỹ năng để trở thành những y sỹ chuyên ngành y học cổ truyền; khám, chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh thường gặp bằng phương pháp y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại.
Bên cạnh đó, các học viên sẽ được học tập, trau dồi các kiến thức chung về chính trị, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất; kiến thức và khoa học cơ bản về giải phẫu-sinh lý, dược lý, cấp cứu; thực hiện thành thạo các kỹ năng kê đơn thuốc, chữa các bệnh thường gặp và các thủ thuật châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt; biết xử trí các cấp cứu thông thường, làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, truyền thống giáo dục sức khỏe...
Thành viên tham gia lớp học gồm 30 nam, nữ khiếm thị thuộc 15 đơn vị trên toàn quốc. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng dạy nghề xoa bóp tại các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân cùng gia đình, đóng góp tích cực, thiết thực vào lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!