Kính áp tròng hay kính tiếp xúc là loại kính có đường kính nhỏ, bằng với mắt của con người, được đeo trong mắt. Kính áp tròng không chỉ sử dụng cho người bị cận thị mà còn cả viễn thị và loạn thị.
Có rất nhiều loại kính áp tròng: loại mềm, loại cứng tuỳ thuộc theo mục đích sử dụng để khắc phục các tật khúc xạ của mắt.
Lợi ích của kính là khắc phục được hiện tượng vướng khi đeo, tăng tính thẩm mỹ, đặc biệt với người có công việc đặc thù như thể thao, văn nghệ. Kính áp tròng được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như: để điều trị các tật khúc xạ của mắt (cận, viễn, loạn thị) thay thế cho kính gọng thông thường, điều trị một số bệnh của giác mạc (giác mạc hình chóp, trợt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK,…).
Ảnh minh họa
Tuy vậy, đối với mỗi loại kính áp tròng đều cần tuân thủ đúng các quy trình cũng như bảo quản thì mới có thể đảm bảo cho mắt một cách tốt nhất. Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, người bệnh chỉ nên đeo tối đa 8-12 tiếng/ngày, nên tháo kính ra khi đi ngủ, không nên đeo qua đêm.
Vệ sinh kính thật sạch sau mỗi lần sử dụng, kiểm tra kính trước khi đeo (trầy xước, bụi bẩn,…), chỉ sử dụng sản phẩm chuyên dụng để vệ sinh cho kính, bảo quản kính bằng dung dịch dưỡng tra hàng ngày. Nên thay kính định kỳ 3 tháng/lần.
Việc đeo kính áp tròng cho thẩm mỹ không được khuyến khích, đặc biệt trường hợp sử dụng không đúng chỉ định, lạm dụng hoặc sử dụng sai kỹ thuật có thể gây các biến chứng như: khô mắt, đau mắt, xước trợt giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, viêm nhiễm hoặc loét giác mạc. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng còn khiến cho mắt bị thiếu oxy qua trao đổi ở vùng giác mạc.
Với trường hợp đeo kính để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và chỉ đeo trong 1 ngày, người sử dụng cần cân nhắc thật kỹ tới yếu tố nguy cơ về sức khoẻ, cũng như yếu tố kinh tế, nhưng việc làm cần thiết nhất là phải đi khám kiểm tra mắt và nhận tư vấn trực tiếp từ bác sỹ chuyên khoa mắt.
Việc mua kính cần đảm bảo kính đạt tiêu chuẩn ở các cơ sở kính mắt uy tín, không nên mua những loại kính trôi nổi ngoài thị trường, đặc biệt là các loại kính áp tròng mang màu sắc vì có thể nhiễm các hóa chất tạo màu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!