Nhiều người cho rằng, thuốc viên dễ sử dụng, uống thế nào cũng được miễn là đủ số viên số lần, trước ăn, sau ăn, theo đơn là được. Đó là quan niệm sai lầm vì nhiều loại thuốc viên có cách dùng đặc biệt phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ kê đơn.
1. Uống nuốt cả viên với nước
Các dạng thuốc viên nén, nhộng, nang mềm… đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, nhai nhỏ, bỏ vỏ nhộng, bẻ vụn chia thành nhiều liều. Vì các vỏ này có tác dụng bảo vệ thuốc khỏi bị phân hủy bởi dịch axit của dạ dày (ví dụ Penixilin G); bao tan trong ruột thuốc xuống ruột mới tan để bảo vệ dạ dày (ví dụ ph8), tránh mùi vị khó chịu để dễ uống (ví dụ viên dầu cá), có tác dụng làm giải phóng chậm thuốc (ví dụ Adalate LP)... Chính vì thế, phải xem kỹ cách sử dụng, hỏi ý kiến dược sĩ – bác sĩ để hiểu rõ cách uống: bắt buộc phải uống cả viên hay có thể nhai nghiền nhỏ, bẻ viên thuốc ra để uống hay có thể chia nhỏ liều (theo rãnh xẻ đôi).
Một số thuốc nếu nhai nhỏ rồi mới uống sẽ có tai biến nguy hiểm, một số ví dụ như sau:
- Viên ph8: Thuốc giảm đau mạnh, có tính axit, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc gây chảy máu dạ dày nên được bào chế dưới dạng bao tan trong ruột. Thuốc được bao phim, xuống ruột mới tan rã giải phóng thuốc. Vì vậy, nếu nhai nhỏ viên thuốc sẽ gây một số tác dụng xấu đến dạ dày, có thể gây chảy máu dạ dày.
- Viên bao phim Trafedin (Nifedipin 10 mg): Thuốc có tác dụng hạ huyết áp, viên được bao phim, thuốc xuống ruột mới tan, giải phóng thuốc từ từ và hạ huyết áp từ từ. Theo ý muốn của thầy thuốc mà có cách uống vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Thuốc có thể kê đơn uống 2 viên 1 lần nhưng phải nuốt cả, không được nhai nhỏ. Nếu nhai nhỏ 2 viên ngậm lâu trong miệng, thuốc hấp thu nhanh vào máu gây tụt huyết áp đột ngột.
- Viên thuốc Polaramine repetab (Repetab có nghĩa là lặp lại)
Đây là viên nén kép cho tác dụng lặp lại. 1 viên chứa 6 mg dexclorpheniramin (chống dị ứng) với cấu tạo 2 lớp. Nhân bên trong chứa 3 mg dược chất, lớp bao bên ngoài chứa 3 mg. Sau khi Polaramine repetab vào dạ dày, lớp vỏ bên ngoài sẽ tan, phóng thích 3 mg dược chất, sau đó một thời gian nhân bên trong bắt đầu tan rã để phóng thích 3 mg dược chất còn lại. Cho nên nếu dùng loại bình thường, người bệnh phải uống 4 lần trong ngày, 1 viên/lần, còn nếu dùng loại sau thì chỉ cần uống ngày 2 lần, 1 viên/lần. Như vậy nếu bệnh nhân nhai nhỏ, thuốc sẽ mất tác dụng lặp lại và gây tình trạng quá liều, rất nguy hiểm.
- Viên Adalate LP (Chữ LP có nghĩa là giải phóng chậm): Là thuốc được bào chế đặc biệt, được đóng trong màng bán thấm không tan nhưng được đục một lỗ rất nhỏ bằng lade. Thuốc trôi dần trong đường tiêu hóa và được giải phóng ra từ từ qua lỗ rất rất nhỏ này. Thuốc ra khỏi đường tiêu hóa vẫn còn vỏ không tan bên ngoài. Thuốc đóng với hàm lượng cao hơn loại nhanh 3 lần để còn chỉ phải uống ngày 1 lần, không phải uống ngày 3 lần nữa. Vì vậy khi uống viên này, nếu thầy thuốc không dặn kỹ, bệnh nhân nhai nhỏ viên thuốc ra rồi mới uống sẽ gây nên tình trạng tụt huyết áp đột ngột, đã có trường hợp tử vong do nguyên nhân này.
2. Hòa tan hoàn toàn trong nước và uống: (viên nén sủi bọt).
Thuốc được hòa tan với nhiều nước, đợi cho tan hết bọt rồi mới uống, ví dụ viên C sủi, giảm đau sủi Efferangan.
3. Nhai nát trước khi uống:Có dạng viên khá lớn, thường là thuốc kháng acid, dùng trị chứng dư acid, viêm loét dạ dày như: Maalox...
4. Thuốc chỉ dùng để ngậm, không được uống hoặc thuốc ngậm có tác dụng tại chỗ:
Những thuốc này sẽ được tan rất nhanh nhờ dịch niêm mạc miệng và được hấp thu nhanh chóng vào hệ tuần hoàn máu. Mục đích của dạng thuốc này là giúp cơ thể đáp ứng nhanh với thuốc khi cần sự can thiệp nhanh chóng.
Ví dụ: viên Nitroglycerin (dùng cho bệnh nhân đau thắt ngực): Thuốc có 2 dạng bào chế khác nhau và cách sử dụng cũng khác nhau:
- Loại thứ nhất: Loại tan nhanh trong miệng (đặt viên thuốc dưới lưỡi); vì muốn giúp mạch máu giãn nhanh chóng làm giảm áp lực cho tim. Được sử dụng cho những cơn đau thắt ngực cấp tính. Thuốc được hấp thu rất nhanh trong miệng (môi trường kiềm), và bị giảm tác dụng bởi các dịch vị (môi trường axit) có trong hệ tiêu hóa. Như vậy, thuốc này nếu uống sẽ có tác dụng chậm hơn và có thể bị dịch vị phá hủy làm mất tác dụng. Đồng thời, thuốc chỉ sử dụng bằng cách dùng đặt dưới lưỡi cho những cơn đau tim cấp tính.
- Loại thứ 2: Loại giải phóng chậm; là viên bao phim tan chậm trong ruột, dùng điều trị suy mạch vành mãn tính. Liều uống chia làm 2 lần trong ngày, thời gian uống không cân xứng (khoảng cách 2 lần uống không cách đều nhau 12 giờ) nhằm điều tiết nồng độ thuốc trong máu theo yêu cầu điều trị. Vì vậy loại này phải nuốt cả viên không được nhai nhỏ.
Khi sử dụng thuốc này, phải phân định rõ loại tan nhanh trong miệng hay loại giải phóng chậm tan trong ruột. Loại nhanh khi đặt dưới lưỡi, người sử dụng thuốc không được ăn, uống, nhai, nuốt cho đến khi thuốc tan hoàn toàn. Ngược lại, loại giải phóng chậm chỉ được nuốt cả viên không được nhai.
Lưu ý đối với trẻ em:
Không nên lấy thuốc viên nén dành cho người lớn bẻ nhỏ ra để phân liều và sau đó nghiền thành bột cho trẻ uống. Đối với trẻ, thích hợp nhất là dạng thuốc lỏng như sirô, hỗn dịch (suspension), thuốc uống nhỏ giọt. Không nên bế trẻ nằm ngửa hoàn toàn khi cho uống thuốc, nên nằm hơi dốc tạo góc 45o so với mặt phẳng nằm ngang (tránh bị sặc). Nếu trẻ bị ói mửa ngay sau khi uống thuốc, có thể cho uống liều khác thay thế liều mất đi do nôn. Nhưng nếu trẻ ói mửa sau 10 phút hoặc lâu hơn sau khi uống thuốc, không nên cho uống liều bù thay thế vì thuốc có thể đã được hấp thu.
Ảnh minh họa: Internet
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!