Các thuốc nhóm hạ sốt, giảm đau chống viêm
Trong nhóm này, aspirin và ibuprofen tuyệt đối không được dùng do có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm và hội chứng Reye ở trẻ em.
Paracetamol (acetaminophen) là một thuốc được khuyến cáo sử dụng tương đối an toàn để hạ sốt trong sốt xuất huyết nhưng liều lượng cũng phải được tính toán kỹ theo lứa tuổi, không được sử dụng quá liều.
Nếu sử dụng quá liều hoặc trong một số trường hợp nhạy cảm, paracetamol có thể gây tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, trước khi dùng thuốc hạ sốt nên kết hợp các biện pháp khác như chườm mát, nằm nơi thoáng đãng, bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân để tăng hiệu quả hạ sốt của thuốc.
Thuốc kháng sinh
Loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết trừ trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng (như bệnh nhân nặng phải thở máy, bệnh nhân đang kèm viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu…).
Đối với trường hợp bắt buộc phải dùng kháng sinh, hết sức lưu ý các hoạt chất có thể làm giảm số lượng tiểu cầu (như cetriaxone, vancomycin, sulfonamide). Khi sốt xuất huyết có biểu hiện suy gan, suy thận, các kháng sinh gây độc cho gan và thận phải được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng như amikacin, ciprofloxacin…).
Aspirin là thuốc không được dùng khi sốt xuất huyết (Ảnh minh họa: Internet)
Dịch truyền
Dịch truyền cũng cần phải được sử dụng đúng và đủ trong sốt xuất huyết. Như cơ chế bệnh sinh ở trên, lượng dịch thiếu trong sốt xuất huyết chủ yếu do lượng dịch trong lòng mạch đi vào khoảng gian bào, một lượng dịch mất ra ngoài do sốt cao, do hơi thở… Đối với bệnh nhân nhẹ (mức độ I, II) thì việc bù dịch không có gì phức tạp.
Đối với bệnh nhân có sốc, suy tạng, phải hết sức chú ý như: khi bệnh nhân phù nhiều, việc truyền dung dịch đường 5% sẽ làm tăng phù do sau khi vào lòng mạch, lượng đường sẽ nhanh chóng bị tiêu thụ bởi insulin của cơ thể. Kết quả, từ dung dịch đẳng trương, đường 5% sẽ nhanh chóng trở thành… nhược trương và thoát rất nhanh vào khoảng kẽ.
Việc truyền dung dịch đường cũng có nguy cơ làm tăng CO2 máu, tăng lactate máu và làm tăng tổn thương não ở bệnh nhân có tổn thương não. Dung dịch dextrans (cao phân tử) có nguy cơ làm chảy máu do giảm khả năng kết tập tiểu cầu, gây giảm hoạt hóa yếu tố VIII, tăng hoạt hóa sự tiêu fibrin. Do đó, cần thận trọng khi truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết có sốc và tiểu cầu giảm nặng.
Khi bệnh nhân đã có suy thận thì việc hạn chế dịch truyền là cần thiết để tránh nguy cơ phù phổi cấp và thừa dịch. Truyền máu cũng phải được chỉ định nghiêm ngặt do nếu truyền nhiều có thể tăng rối loạn đông máu do lượng can-xi giảm và lượng chất chống đông (để bảo quản máu) trong túi máu truyền.
Corticoid
Loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết do không được chứng minh là có hiệu quả mà thậm chí còn gây hại như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một số thuốc khác cũng có khả năng làm giảm tiểu cầu như thuốc giảm tiết dịch vị (ranitidin, cimetidin), lợi tiểu (chlorothiazide, hydrochlorothiazide) cũng nên tránh dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là một bệnh cảnh phong phú đa dạng với mức độ rất khác nhau từ nhẹ đến nặng, cơ chế bệnh sinh phức tạp cho nên việc sử dụng thuốc và dịch truyền phải hết sức thận trọng. Đối với trường hợp nặng, cần có sự phối hợp của bác sĩ nhiều chuyên khoa như truyền nhiễm, hồi sức tích cực, huyết học… trong việc điều trị bệnh nhân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!