Luyện 10 thói quen ăn để trẻ khỏe mạnh

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hãy cho phép bé bỏ thừa chút thức ăn và kéo dài bữa cơm thêm 4 phút rưỡi.

Làm thế nào để trẻ ăn ngon miệng và khỏe mạnh là câu hỏi của tất cả cha mẹ. Trang Times liệt kê dưới đây 10 thói quen ăn uống của các gia đình phương Tây mà các phụ huynh nên học tập trong năm 2017 để con phát triển tốt, tràn đầy năng lượng.

Ăn cùng nhau

Một nghiên cứu chỉ ra 80% trẻ có cân nặng bình thường dùng bữa bên bàn ăn cùng gia đình. Đối với trẻ béo phì, con số này chỉ 55% bởi các thành viên thường ăn trong phòng khách, phòng học/làm việc hoặc phòng ngủ.

Để trẻ chủ động lấy thức ăn

Bạn nghĩ rằng kiểm soát khẩu phần ăn của con ngay từ khi còn nhỏ là tốt. Trên thực tế, điều này cướp đi một bài học vô cùng quan trọng đối với trẻ. Theo bài đăng trên tạp chí Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics, các bé tự lấy đồ ăn cho mình sẽ biết nhận ra dấu hiệu đói của cơ thể. Trẻ em được nhường quyền chủ động trên bàn ăn cũng sẵn sàng thử món mới.

Kéo dài bữa ăn hơn 4 phút rưỡi

Những đứa trẻ cân đối, khỏe mạnh dành trung bình 18 phút cho mỗi bữa cơm còn trẻ béo phì chỉ ngồi bên bàn 13,5 phút. Khoảng chênh lệch 4 phút rưỡi chứng tỏ dùng bữa chậm rãi, từ tốn giúp các con ăn uống cẩn thận, tập trung hơn.

Luyện 10 thói quen ăn để trẻ khỏe mạnh

Bữa ăn cùng người thân sẽ giúp trẻ khỏe mạnh (Ảnh: Times)

Bỏ thừa một chút đồ ăn

Ép trẻ ăn có thể đem đến tác dụng ngược. Trong công trình thực hiện trên 63 trẻ, các nhà khoa học thuộc Đại học Cornell (Mỹ) nhận thấy cha mẹ yêu cầu con ăn hết thức ăn trên đĩa sẽ khiến trẻ ăn vặt nhiều hơn và dễ tăng cân. Tốt nhất, phụ huynh nên cho phép trẻ bỏ thừa một chút thực phẩm và không cấm hoàn toàn bất cứ món nào.

Tránh xa thiết bị điện tử

Cha mẹ để con sử dụng thiết bị điện tử hoặc xem tivi trong giờ ăn sẽ dẫn đến bữa ăn vừa ít dinh dưỡng vừa nghèo nàn giao tiếp. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Minnesota (Mỹ) còn chỉ ra những gia đình như vậy ăn ít rau củ quả, uống nhiều nước ngọt. Trên thực tế, phân tâm lúc ăn nguy hiểm gần giống với phân tâm lúc lái xe và khiến con người ăn không kiểm soát.

Dùng đĩa bát nhỏ

Do hiện tượng 'no bụng đói con mắt', bát đĩa lớn sẽ khiến trẻ ăn nhiều hơn. Cha mẹ nên lưu ý đến kích cỡ đồ vật và cho phép trẻ chia sẻ thức ăn mỗi khi ăn tiệm bởi bát đĩa của nhà hàng thường khá to.

Hỏi trẻ có đói không

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois gợi ý rằng thay vì hỏi 'con ăn xong chưa', bố mẹ nên dùng các câu hỏi như 'con ăn đủ chưa', 'con còn đói nữa không' và để ý bát đĩa của trẻ. Như vậy, đứa bé sẽ học cách lắng nghe cơ thể mình.

Thử tất cả loại thực phẩm mới

Cho bé thử loại rau mới đều đặn mỗi ngày suốt 2 tuần sẽ giúp trẻ vui vẻ và ăn nhiều loại thực phẩm này hơn. Nhường trẻ quyền quyết định cũng là một điều hữu ích. Bạn hãy biến chuyến đi tới siêu thị thành một cuộc săn kho báu và để trẻ tìm những món chưa từng ăn bao giờ. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sẽ ăn rau củ nhiều hơn 80% nếu được chủ động lựa chọn.

Các ông bố tránh xa đồ ăn nhanh

Nghiên cứu của Đại học Texas A&M kết luận các ông bố ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen ăn uống của con cái bởi thường xuyên dắt trẻ đến những cửa hàng đồ ăn nhanh. Điều này khuyến khích các em bé nghĩ rằng mình nên ăn các món không lành mạnh.

Chú ý cách cư xử trên bàn ăn

Để ý đến cử chỉ ăn uống như đặt tay lên bàn, hạ đũa thìa xuống trong lúc nhai sẽ giúp gia đình bạn ăn uống tập trung hơn, giao tiếp nhiều hơn và kéo dài bữa ăn thêm 4 phút rưỡi như đề cập bên trên.

Uống đủ nước

Các nghiên cứu chỉ ra người bị khát thường lầm tưởng là mình đói. Tốt nhất, mỗi thành viên gia đình nên uống một cốc nước trước, trong và sau bữa ăn để hạn chế việc uống đồ ngọt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!