Chúng ta thường nghe nói đùa rằng 'Hãy để trẻ được vấy bẩn'. Nhưng hoá ra, có bằng chứng khoa học hẳn hoi, ủng hộ lời khuyên ấy, rằng trẻ em tiếp xúc với vi trùng và các chất gây dị ứng thực sự khoẻ mạnh hơn những bạn cùng trang lứa siêu sạch sẽ của mình.
Thật là một tin mừng, như thể trút được gánh nặng, với những người như tôi, cứ 3 tháng mới tổng vệ sinh nhà cửa 1 lần.
Trong cuốn sách 'Let them eat dirty: Saving your child from an oversanitized world' (tạm dịch: Hãy để trẻ ăn bẩn: Cứu con bạn khỏi một thế giới quá sạch), tác giả nhấn mạnh rằng, các bậc cha mẹ hãy lưu ý, đơn giản là không cần thiết một chút nào khi cố làm sạch những thứ bẩn thỉu trong cuộc đời trẻ, chỉ để trẻ trở nên khoẻ mạnh hơn. Sự thật, để trẻ khoẻ mạnh, cần làm hoàn toàn ngược lại.
Các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng chuyện con cái họ tiếp xúc với vi khuẩn, vi trùng(ảnh minh họa: Internet)
Các tác giả cuốn sách, là hai nhà vi sinh vật B. Brett Findlay và Marie-Claire Arrieta, đã sử dụng vô số nghiên cứu khoa học của họ để chứng minh quan điểm trên. Họ nhắc tới những yếu tố định hình nên hệ miễn dịch dài hạn ở trẻ, bao gồm việc tiếp xúc với những vi trùng, vi khuẩn và chất gây dị ứng quan trọng từ giai đoạn sớm trong đời. Họ giải thích vai trò mà vi khuẩn, vi trùng nắm giữ trong sự khỏe mạnh, toàn vẹn của một đứa trẻ, đồng thời gợi ý, nhiều điều mà chúng ta tưởng như đều đã biết về vi khuẩn và sự sạch sẽ trong nhiều thập kỷ qua, hóa ra lại không hề đúng.
Ví dụ, các tác giả đã khích lệ một số gia đình nuôi chó, nếu điều kiện cho phép. Theo Findlay và Arrieta, chú chó này sẽ mang vào nhà chất bẩn, đây lại là điều tốt. Họ thậm chí còn cho rằng, nên để chú chó liếm mặt trẻ, để trẻ tiếp xúc với các vi khuẩn. Tất nhiên, một số trẻ bị dị ứng với chó, nhưng nếu không, việc có một cún cưng ở bên hoàn toàn chẳng gây hại gì.
Các phụ huynh luôn được hướng dẫn nghiêm ngặt về cách thức giữ gìn vệ sinh, về những đồ ăn gây dị ứng. Tuy nhiên, lời khuyên của hai nhà vi sinh vật trên là: 'Đừng trì hoãn việc giới thiệu cho trẻ những đồ ăn gây dị ứng. Hãy cho trẻ thưởng thức lạc, đậu nành, sò hến, tôm cua… trong khoảng 4-6 tháng tuổi'. Bởi vì ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học trong những năm qua cho thấy, trì hoãn việc giới thiệu cho trẻ những đồ ăn trên chỉ càng khiến tỷ lệ bị dị ứng đồ ăn tăng lên mà thôi.
Hai tác giả cũng cho rằng việc thiếu tiếp xúc với thế giới vi sinh vật đa dạng có thể là nguyên nhân tình trạng gia tăng dị ứng thức ăn ở Mỹ: "Có rất nhiều giả thuyết về chuyện này, nhưng giả thuyết nổi bật nhất là, trẻ em đang bị thiếu hụt tiếp xúc với môi trường vi sinh vật. Do đó, hệ miễn dịch của trẻ không có cơ hội phát triển bình thường và vì thế, dẫn tới dị ứng'.
Findlay và Arrieta cũng quyết liệt ủng hộ việc tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết và khuyên các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng chuyện con cái họ tiếp xúc với vi khuẩn, vi trùng. Họ thậm chí trích dẫn bằng chứng trong một nghiên cứu ở Thuỵ Điển cho thấy, trẻ sơ sinh có cha mẹ lấy ti giả ra khỏi miệng con và lau sạch ít bị dị ứng hơn trẻ có cha mẹ rửa sạch ti giả dưới vòi nước máy.
Trẻ tiếp xúc với vi trùng, vi khuẩn từ sớm sẽ tăng cường khả năng miễn dịch (ảnh minh họa: Internet)
Về cơ bản, không quá chú trọng đến vi khuẩn, vi trùng sẽ tốt hơn cho con trẻ. Hãy để trẻ tiếp xúc với vi khuẩn, vi trùng từ nhỏ là việc vô cùng thiết yếu cho sự phát triển bình thường, tăng khả năng ngăn ngừa những căn bệnh 'phương Tây' như dị ứng, hen suyễn, béo phì, tiểu đường và viêm ruột.
Là mẹ, tôi thiên về xu hướng nhẹ nhàng hơn trong vấn đề vi khuẩn và sự sạch sẽ. Chắc chắn, tôi muốn đảm bảo con mình tránh xa những thứ kinh khủng như phân động vật hay rác rưởi trên mặt đất. Nhưng còn chuyện dính bẩn thì sao? Tôi chưa bao giờ là bà mẹ phát hoảng rồi vội vã thúc con đi rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và giờ đây, tôi cảm thấy bớt tội lỗi hơn vì sự lười nhác của mình.
Hai tác giả Findlay và Arrieta vẫn thực sự cho rằng, con trẻ nên rửa tay sau khi chúng đi vệ sinh, trước khi ăn hay vừa tiếp xúc với người ốm hoặc vừa từ nơi nào lạ lùng trở về, như văn phòng bác sĩ hay tàu điện ngầm đông đúc. Họ cũng nhấn mạnh, xà phòng diệt khuẩn chỉ cần trong các bệnh viện. Còn đối với hộ gia đình, xà phòng thường và nước là hoàn toàn ổn.
Valerie Williams là một người mẹ có hai con đang độ tuổi đến trường, hiện số ở New York. Cô thích chạy, đọc sách và dành thời gian bên gia đình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!