1. Trổ tài làm bánh Trung thu 3D đẹp 'quên sầu' cho mùa Trung thu năm nay – 3100 lượt yêu thích, 51 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Bùi Thanh Hà
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Bánh Trung thu 3D là loại bánh biến tấu từ bánh Trung truyền thống, thay vì dùng họa tiết chìm thì bánh 3D có tạo hình là họa tiết nổi lên trên mặt bánh. Mỗi chiếc bánh 3D giống như một bức tranh thu nhỏ. Để tạo ra những chiếc bánh 3D đẹp mắt cần sự sáng tạo, tỉ mỉ của người làm cũng như khả năng tạo ra những thiết kế cân đối và hài hòa.
Phần cầu kỳ nhất khi làm bánh 3D là khâu tạo họa tiết nổi trên những chiếc bánh. Cách đơn giản nhất là dùng khuôn cutter tạo hình hoa, lá rồi sau đó sắp xếp lên bề mặt bánh để cho thành phẩm cuối cùng. Mỗi người làm bánh 3D tự do thiết kế hoa, lá, cành tùy theo ý thích, nên mỗi chiếc bánh 3D có kiểu dáng và hoa văn hoàn toàn khác nhau, không sợ bị 'đụng hàng' đâu nhé!
2. Không làm sủi cảo theo cách này thì chỉ có tiếc – 578 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Lê Thị Ngọc Trân
Group: Chuyện của bếp
Cắn một miếng sủi cảo là gặp ngay con tôm tươi ngọt quyện với chút béo bùi của giò sống quết cùng thịt xay, chấm với nc tương pha giấm tiều thêm xíu tương ớt. Ngon bá cháy!
Cách làm sủi cảo 'chuẩn không cần chỉnh' như sau:
Nước dùng:
- Xương ống rửa sạch, trụng nước sôi, rửa lại lần nữa. Hầm nồi áp suất hay hầm bình thường trong 2 tiếng.
- Khô mực nướng sơ, đập dập bỏ vào nồi nước dùng.
- Tôm khô rửa nước sôi, bỏ vào nồi nước dùng.
- Củ cải trắng cắt khúc to rửa sạch bỏ vào nồi nước dùng.
- Củ cải muối rửa nước sôi với xíu muối, rửa lại nhiều lần cho bớt mặn.
- Đường phèn, muối hột (không nêm hạt nêm).
Cho tất cả nguyên liệu hầm trong khoảng 2 tiếng, không đậy nắp và hớt bọt thường xuyên, dùng rây lược hết nguyên liệu, để nồi riêng, nêm vừa ăn.
Nhân sủi cảo:
- Giò sống và thịt xay, tỉ lệ 2 giò: 1 thịt, hành tỏi xay, tiêu, hạt nêm, quết nhuyễn.
- Tôm tươi bóc vỏ, thêm xíu nước và rượu trắng vào tôm, khuấy 1 chiều khoảng 20 giây, xong để trong ngăn mát tủ lạnh 20 phút. Vớt tôm ra rửa sơ lại, bỏ ngăn đá khoảng 1 tiếng, khi nào ăn rã đông (con tôm sẽ giòn). Còn cách thứ 2 nhanh nhất là vào siêu thị mua tôm tươi đông lạnh nhé!
- Vỏ sủi cảo (mình mua nhé không phải tự làm) bóc từng cái, cho hỗn hợp thịt xay giò sống và tôm vào gói lại. Lưu ý ăn tới đâu gói tới đó, luộc nước sôi khoảng 2 – 3 phút vớt ra rổ, cho xíu dầu ăn vào trộn để sủi cảo không bị dính.
Đồ ăn kèm với sủi cảo bao gồm: mực ngâm (khu chợ người Hoa có bán), cá viên, bóng bì, thịt xá xíu, tim luộc (tùy thích), cải ngọt luộc.
Trình bày: gắp sủi cảo vào bát, cho đồ ăn kèm vào, chan nước dùng, thêm xíu nước tương, xíu giấm tiều (giấm đỏ), cho tóp mỡ hành phi, hạt tiêu, hành là, rau mùi. Sủi cảo chấm cùng nước tương, giấm tiều, ương ớt hay ớt sa tế là ngon hết xảy.
3. Xôi lá dứa và sườn non rim nước cốt dừa – 'cặp đôi bài trùng' ai cũng mê mẩn – 611 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Tran Le Suong
Group: Chuyện của bếp
Xôi lá dứa dẻo thơm đặc trưng hương lá dứa kết hợp với sườn non rim nước cốt dừa đậm đà, mềm ngọt xứng đáng là 'cặp đôi bài trùng' khiến ai cũng 'ăn 1 lại muốn ăn 2'.
Công thức cho khẩu phần ăn 4 người như sau:
Xôi lá dứa:
0,5kg nếp Thái (nếp Thái sẽ dẻo và thơm hơn nếp thường)
1 bụi lá dứa (khoảng 13 – 14 lá)
1 muỗng canh dầu ăn
1 muỗng cà phê muối
150ml nước cốt dừa
Nếp vo sạch, lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn, lược qua rây, bỏ bã.
Ngâm nếp với nước lá dứa xâm xấp mặt nếp trong khoảng 3 tiếng để nếp ngấm màu xanh lá dứa và hơi nở mềm.
Đổ nếp ra rổ cho ráo sau đó cho vào nếp 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh dầu ăn, thêm ít nước cốt dừa hơi ngập măt nếp (khoảng 100ml), trộn đều (không nên cho nhiều nước cả nước cốt dừa và nước ép lá dứa vì xôi sẽ bị nhão).
Nấu xôi bằng nồi cơm điện, bật nút 'Cook' nấu khoảng 8 phút, mở nắp xới nếp lên, rưới thêm 1 muỗng canh nước lá dứa, 1 muỗng canh nước cốt dừa, đậy nắp nấu thêm khoảng 5 phút. Khi nồi cơm chuyển sang nút 'Warm', mở nắp kiểm tra xem nếu xôi khô thì cho thêm 1 ít nước cốt dừa vào đậy nắp lại là xong phần xôi.
Sườn non rim nước cốt dừa:
Sườn non 400gr
1 củ tỏi
5 củ hành tím
Nước cốt dừa 200ml
1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê bột nêm, 3 muỗng canh đường, nửa muỗng cà phê bột ngọt, dầu ăn
Sườn rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, cho vào nồi có nêm muối, bột ngọt, bột nêm, 1 củ hành tím đập dập, nấu sôi trong khoảng 10 phút, vớt ra để ráo.
Ướp vào sườn nửa phần tỏi, hành tím băm nhuyễn, muối, bột nêm, bột ngọt, đường vừa ăn. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn nóng, cho phần tỏi và hành băm còn lại vào, cho 1 muỗng canh đường vào đảo đều cho tỏi, hành thơm, đường chuyển màu cánh gián cho sườn đã ướp vào đảo đều cho sườn có màu vàng đẹp. Tiếp theo, cho nước cốt dừa vào, đậy nắp rim sườn với lửa vừa trong 20 phút, nước cốt dừa sệt lại, nêm nếm cho vừa khẩu vị ngọt ngọt, mặn mặn, béo béo.
Dọn xôi và sườn ra đĩa, trang trí thêm ít lá quế, hành cọng tỉa hoa, múc thêm chén nước sườn rim để rưới vào xôi và thưởng thức.
4. Mách bạn cách làm lương khô cực ngon và đầy đủ dinh dưỡng – 563 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Vinh Thile Møller
Group: Bếp Việt xa xứ
Lương khô là món ăn cực kỳ tiện lợi và đầy đủ dinh dưỡng. Món ăn phù hợp để ăn sáng, ăn chơi hay ăn khi đói bụng.
Công thức làm món lương khô thì cực kỳ đơn giản. Chỉ cần rang chín những hạt mình thích rồi cho vào máy xay xay sơ, trộn đều.
Bơ cho lên bếp đun chảy thì thêm đường vào đun chảy ra, cho tiếp mật ong vào đun sôi nhẹ thì đổ chỗ hạt vào trộn cho thật đều. Cho lương khô vào khay nướng ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 30 phút thì lấy ra, để hơi nguội cắt miếng là xong.
5. Thèm thuồng món phở gà trộn thơm ngon ngất ngây – 513 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Nguyễn Tâm
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Trời nóng bạn ăn gì cũng chẳng thấy ngon miệng, mà nhất là mấy món nước nóng hổi vừa ăn vừa đổ mồ hôi. Sao bạn không thử làm món phở gà trộn đi làm ăn trưa nhỉ, thật dễ làm, mà chẳng cần đi ra ngoài vừa tốn thời gian, vừa không đảm bảo vệ sinh.
Món phở gà trộn này chế biến không khó như món phở truyền thống nhưng ăn lại rất ngon, với vị ngọt mát của giá đỗ trộn đều với bánh phở hoà quyện cùng nước xốt không tạo cho bạn cảm giác nóng nực trong tiết trời oi bức.
Cách làm phở gà trộn như sau:
Gà luộc theo cách của mọi nhà, để nguội lọc xương, thái nhỏ.
Bánh phở trước khi ăn trụng qua nước sôi, xóc cho thật ráo nước.
Cho bánh phở vào bát, rồi xếp gà, lạc rang, rau giá... (rau tùy thích) lên trên.
Cách làm nước trộn như sau:
2 thìa canh nước tương (xì dầu), 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê nước mắm và 1/2 quả chanh, thêm ớt nếu thích.
1 củ tỏi phi thơm với 1/2 thìa cà phê dầu điều rồi cho vào khuấy cùng hỗn hợp nước trên, khi ăn thêm rau tuỳ thích. Ăn cùng ớt xay cay sẽ ngon hơn nha!
Bạn có thể gia giảm độ cay, mặn, ngọt cho phù hợp khảu vị gia đình nhé!
6. Cuối tuần đãi cả nhà món mochi nhân kem tươi mứt việt quất chuẩn vị Nhật – 543 lượt yêu thích, 38 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Thuy AN
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Từng miếng bánh mochi dẻo dẻo bên ngoài ngọt mát bên trong sẽ khiến bất kì ai thưởng thức đều phải khen tấm tắc. Món bánh mocha nhân việt quất này chắc chắn sẽ khiến cả nhà thích mê.
Phần nhân mochi:
Nguyên liệu :
- Whipping: 200gr
- Creamcheese: 100gr
- Topping: 50gr
- Gelatin: 8gr
- Mứt (tuỳ ý: việt quất, kiwi, dâu...): 60gr
- Sữa đặc: 10gr
Cách làm:
- Creamcheese để mềm nhiệt độ phòng đánh nhuyễn, sau đó cho từng ít topping vào đánh cho hòa quyện.
- Tiếp đến cho trước 5gr sữa đặc vào hỗn hợp và cho một lần 200gr whipping vào đánh cho tới khi kem bông cứng (lưu ý: không đánh quá tay kem sẽ bị tách nước).
Làm kem mứt:
- Lấy 500gr kem vừa làm ở trên fold với 60gr mứt.
- Quay lò vi sóng 8gr gelatin đã ngâm cho mềm rồi để nguội.
- Múc 1 thìa kem mứt + 5gr sữa đặc vào âu gelatin đã làm chảy và để nguội, khuấy đều, múc bỏ lại hỗn hợp kem mứt phía trên.
Bóp kem mứt vào khuôn silicon tròn, rồi dùng mứt trái cây tuỳ ý bóp vào giữa phần kem mứt (khi ăn kem mứt ở ngoài lạnh và mứt sẽ tan chảy từ bên trong ra). Để đông ít nhất 8 tiếng rồi lấy ra sẽ hoàn thiện phần nhân.
Phần vỏ:
Công thức tương đương với 1 cái:
Dùng bột nếp Thái: 10gr bột nếp thái + 2gr đường + 12gr nước
Trộn hết phần nguyên liệu trên lại rồi bọc kín bỏ vào lò vi sóng quay (1 phút tương đương 100gr)
Trong lúc quay nhớ lấy ra để khuấy bột từ ngoài vào trong cho bột chín đều. Khi bột chuyển trong và không còn vị bột sống nữa là bột đã chin.
Lấy bột phủ bên ngoài, cán bột mỏng tầm 5mm rồi cắt thành miếng vuông. Dùng bột nặn bao quanh nhân kem mứt đã đông lạnh.
Bánh bảo quản trong ngăn đá, bỏ ra ngoài tầm 5 phút trước khi ăn là ngon nhất.
7. Tập hợp các món ngon từ sầu riêng mà bạn không thể bỏ lỡ - 870 người yêu thích, 342 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Huỳnh Phương Trang
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Nếu bạn là tín đồ sầu riêng thì chắc chắn bạn không thể bỏ lỡ danh sách các món ngon từ sầu riêng sau đây đâu nhé!
- BÁNH FLAN SẦU RIÊNG: Cốt flan cực kỳ mịn, vị sầu riêng nồng nàn vừa phải, đảm bảo ăn là mê luôn.
- SỮA CHUA SẦU RIÊNG: Sữa chua cực kỳ mịn, chua chua ngọt ngọt vừa phải kết hợp với vị sầu riêng vô cùng tự nhiên chứ không phải mùi 'công nghiệp' như sữa chua sầu riêng bán trong siêu thị.
- CHÈ THẠCH SẦU RIÊNG SỮA DỪA: Món chè này ngon ở nước sốt sầu riêng, nó là sự kết hợp giữa vị béo ngậy của sữa dừa và hương thơm nồng nàn quyến rũ của sầu riêng. Mình ăn thấy ngon hơn chè Thái nữa nhưng lại dễ làm hơn chè Thái rất nhiều.
- XÔI SẦU RIÊNG: Nấu theo cách đơn giản của nhà mình, không ăn kèm sốt nên không bị ngán, hạt xôi dẻo tơi chứ không nát, kết hợp với vị sầu riêng tươi đậm đà thật sự rất hấp dẫn.
- BÔNG LAN CUỘN KEM BƠ SẦU RIÊNG: Cốt bánh bông lan cực kỳ bông mềm, dễ cuộn và nhân kem bơ sầu riêng béo thơm nức mũi. Ăn nguội hay lạnh gì cũng rất ngon.
- BÁNH SU VỎ MỀM NHÂN KEM SỮA SẦU RIÊNG: Vỏ bánh làm theo công thức đặc biệt nên vô cùng mềm và xốp, bỏ tủ lạnh mấy ngày cũng không bị cứng, nhân kem sữa sầu riêng thì ngon khỏi quảng cáo luôn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!