Đối với các bà mẹ đang cho con bú, việc nằm chung giường với trẻ sơ sinh sẽ rất thuận tiện. Tuy nhiên, do trẻ còn quá nhỏ nên việc nằm chung có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh dễ lây nhiễm. Việc cho trẻ ngủ riêng trên giường, nôi hoặc cũi sẽ mang lại cho bé khả năng độc lập và thuận tiện hơn.
Việc cho trẻ ngủ riêng từ khi mới sinh ra giúp cho trẻ rèn được sự độc lập và thuận tiện cho cả cha mẹ (Ảnh minh họa)
Trước khi quyết định cho con ngủ riêng trong cũi, các bậc phụ huynh thường đặt ra các câu hỏi như: Việccho trẻ ngủ một mình trong cũi có an toàn hay không? Khi nào thì trẻ có thể ngủ một mình trong cũi? Và làm thế nào để có thể dạy trẻ sơ sinh ngủ trong cũi một mình?...
Các chuyên gia nhi khoa trên thế giới, bao gồm cả Học Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đều tuyên bố rằng việc ngủ cùng với trẻ sơ sinh là không cần thiết, không thực sự tốt và để trẻ ngủ trong cũi thì hoàn toàn an toàn. Trẻ sơ sinh có thể ngủ một mình ngay từ khi mới sinh ra, nếu như bạn muốn được ở gần trẻ hãy đặt ngay một cái nôi trong phòng ngủ của mình.
Các chuyên gia về nhi khoa cũng khuyên rằng bạn nên cho trẻ ngủ một mình trong cũi ngay cả với những giấc ngủ ngắn hay dài vào ban đêm. Dạy bé ngủ một mình trong cũi là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và cần áp dụng các biện pháp nhất định.
Dưới đây là cách để bạn có thể tập cho trẻ ngủ trong cũi một mình:
1. Cho bé làm quen với nôi, cũi
Bạn có thể cho trẻ vào bên trong cũi để làm quen vào một khung giờ cố định trong ngày (Ảnh minh họa)
- Khi bạn đã có một chiếc cũi, hãy cho bé làm quen với cũi bằng cách đặt trẻ vào bên trong đó.
- Trong ngày bạn có thể đặt trẻ vào bên trong cũi để bé chơi và làm quen vào một khung giờ cụ thể.
- Ngoài ra, bạn cũng cần phải hạn chế thời gian để trẻ chơi trong cũi vì đó sẽ là nơi mà trẻ ngủ nếu như quen với việc chơi trong đó sẽ khiến trẻ khó ngủ hơn.
- Nếu như trẻ đủ lớn và hiểu được những gì bạn nói, hãy nói với trẻ về sự thú vị và cần thiết khi trẻ ngủ trong cũi, trẻ sẽ dễ dàng hiểu ra và chấp nhận.
2. Bắt đầu với những giấc ngủ ngắn vào buổi chiều
Bạn có thể cho trẻ làm quen với việc ngủ trong cũi bằng cách cho trẻ ngủ trong cũi với những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hoặc chiều (Ảnh minh họa)
- Bạn có thể cho bé bắt đầu ngủ trong cũi với những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hoặc chiều. Cũi phải được trang bị nệm nhưng không nên có quá nhiều đồ chơi hoặc chăn gối.
- Ngay khi bé bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, hãy đặt chúng vào cũi. Nếu bạn thực hiện chính xác, hầu như trẻ sẽ không nhận ra rằng mình đang ngủ trong cũi.
- Những giấc ngủ ngắn buổi chiều phải vào cùng một giờ mỗi ngày.
- Tạo thói quen để trẻ không gặp khó khăn khi ngủ.
- Một khi bé thích nghi với việc ngủ trưa trong cũi, hãy tiếp tục thực hành và tránh để bé ngủ bất cứ nơi nào khác.
- Dành khoảng một tuần đến mười ngày để làm cho trẻ quen với thói quen này.
3. Dần dần cho trẻ ngủ trong cũi vào ban đêm
Khi trẻ đã quen với việc ngủ trong cũi vào ban ngày, bạn có thể thực hành việc này vào ban đêm (Ảnh minh họa)
- Ban đầu, bạn hãy tạo cho bé một thói quen trước khi đi ngủ vào ban đêm như tắm nước ấm, đọc sách hay cho bú. Đây sẽ là những dấu hiệu cho trẻ biết được rằng đã đến giờ đi ngủ và sau đó bạn hãy đặt trẻ vào trong cũi để ngủ.
- Sẽ mất một khoảng thời gian để một em bé có thể làm quen và ngủ trong cũi, vì vậy ban đầu bạn hãy ngủ chung phòng để có thể trông chừng trẻ.
- Một khi trẻ đã quen với việc ngủ trong cũi, bạn có thể để cho trẻ ngủ một mình.
4. Đặt cũi của em bé trong phòng ngủ của cha mẹ
Việc đặt cũi của trẻ trong phòng ngủ của bạn có thể giúp bạn dễ dàng theo dõi và quan sát trẻ hơn (Ảnh minh họa)
- Các bác sĩ nói rằng bạn không được ngủ chung giường với em bé, nhưng bạn hoàn toàn có thể ngủ chung phòng. Vì vậy, hãy đặt cũi của bé trong phòng ngủ của bạn, tốt nhất là cạnh giường để bé có thể nhìn thấy bạn và ngược lại.
- Để bé ngủ trong cùng một phòng có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Những em bé hay bị lo lắng khi không ở cùng với mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi có thể thấy được bạn từ cũi bên cạnh giường.
- Ngủ trong cũi cạnh giường bố mẹ cũng mang lại cho bé cảm giác an toàn. Nó cũng thuận tiện cho bạn khi dễ dàng chăm sóc nếu trẻ thức dậy vào giữa đêm.
5. Luôn sử dụng cũi khi trẻ ngủ
Một khi bắt đầu tập cho trẻ ngủ cũi một mình, hãy thực hiện nó với tất cả những giấc ngủ của trẻ (Ảnh minh họa)
- Khi bạn đã tập cho trẻ ngủ trong cũi, hãy áp dụng điều đó trong mọi giấc ngủ hay nghỉ ngơi của trẻ trong ngày.
- Sử dụng cũi an toàn hơn rất nhiều so với sử dụng giường, nó có thể giúp trẻ tránh được một vài vấn đề trong khi đang ngủ.
- Không có thời gian cụ thể cho việc mất bao lâu để trẻ có thể ngủ một mình trong cũi, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tính thích nghi của trẻ và sự nỗ lực của bạn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu em bé của bạn vẫn không chịu ngủ trong nôi hoặc cũi?
- Lặp lại quá trình: Thực hiện lại tất cả những bước trên và xem xét lại có thể bạn làm sai ở một bước nào đó. Ví dụ như bạn đã cho bé ngủ trong lòng mình vào một giấc ngủ ngắn, đó có thể là nguyên nhân phá vỡ thói quen ngủ trong cũi của trẻ.
- Kiểm tra vấn đề: Có thể có những lý do cụ thể tại sao em bé có thể khó thích nghi với cũi. Ví dụ, bé có thể cảm thấy thoải mái hơn trong vòng tay của bạn hoặc chúng có thể thấy cũi lạnh và khó chịu. Vì vậy hãy biến cũi thành một nơi thoải mái để ngủ, giữ nhiệt độ phòng ấm và nếu trời khô hãy sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát. Làm cho cũi thoải mái như vòng tay của bạn có thể giúp trẻ sơ sinh cảm thấy tốt hơn.
- Hãy thử lại lần khác nếu em bé không khỏe: Việc tập cho trẻ ngủ một mình trong cũi sẽ không có tác dụng nếu như trẻ không khỏe hoặc vừa khỏi bệnh. Nó cũng có thể không có tác dụng nếu như trẻ đang trong giai đoạn căng thẳng khi mới chuyển đến một nơi ở mới. Do đó, hãy chọn thời điểm thích hợp để tập cho bé ngủ trong cũi.
Việc tập cho bé ngủ một mình trong cũi cần một sự nỗ lực nhất quán từ phía cha mẹ. Việc hình thành một thói quen ngủ ban đầu có thể sẽ hơi khó khăn nhưng khi mọi thứ đã được vào nề nếp thì chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ.
Nguồn: Mom
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!