Mách chị em cách 'né' huyết trắng bệnh lý

Sống khỏe mạnh - 05/06/2024

Chị em không lạm dụng dung dịch vệ sinh, không thụt rửa âm đạo nhiều lần, vệ sinh vùng kín đúng cách, thay quần lót thường xuyên.

Dù là bệnh phụ khoa thường gặp nhưng ít ai biết huyết trắng bệnh lý có thể 'tấn công' phụ nữ ở mọi độ tuổi và ngành nghề.

Ai dễ mắc bệnh?

Nhiều thống kê cho thấy, bệnh huyết trắng (khí hư) có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa ở nước ta trong những năm gần đây. Bệnh không chỉ là nỗi ám ảnh của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh mà nhiều chị em ở các độ tuổi và ngành nghề khác nhau cũng phải đối mặt với bệnh này.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, mọi phụ nữ đều có thể trở thành 'nạn nhân' của bệnh huyết trắng. Đó là người già, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thiếu nữ và ngay cả các bé gái. Ngoài ra, bệnh còn len lỏi từ thành thị đến nông nông, từ đồng bằng đến miền núi, bất kể là chị em làm việc ở văn phòng, công chức, viên chức hay công nhân, nông dân đều có thể bị bệnh lý này 'ghé thăm'.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, song khởi nguồn là việc chăm sóc vùng kín không đúng cách làm vi trùng (tạp trùng, trùng roi) hay nấm tấn công, dẫn đến viêm nhiễm. Bên cạnh đó, những thói quen xấu như: thức khuya, ngủ muộn, lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày, mặc quần bó sát, stress… cũng là tác nhân khiến huyết trắng được đà lây lan, phát triển.

Mách chị em cách 'né' huyết trắng bệnh lý

Huyết trắng bệnh lý khiến nhiều chị em khổ sở (Ảnh minh họa: Internet)

Những ảnh hưởng không nhỏ

Ở mỗi người, tình trạng huyết trắng bệnh lý sẽ có biểu hiện khác nhau nhưng dấu hiệu chung nhất là ngứa rát ở 'vùng tam giác mật', số lượng chất dịch tiết ra nhiều, có mùi hôi hoặc tanh, màu vàng xanh hoặc trắng đục như váng sữa.

Do bệnh cư trú ở vị trí 'hiểm' nên phần lớn chị em ngại ngùng, không dám chia sẻ cùng ai và âm thầm chịu đựng. Số còn lại thì tự mua thuốc về đặt hoặc học cách trị bệnh từ các diễn đàn. Chính sự chủ quan, lơ là của chị em đã vô tình 'tiếp tay' cho huyết trắng bệnh lý ngày càng trầm trọng và gây ra những hệ quả khôn lường:

- Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản:Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để kéo dài, tái phát nhiều lần, huyết trắng bệnh lý sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm như khó thụ thai, có thai ngoài tử cung, sảy thai, sinh non, ung thư cổ tử cung, vô sinh.

- Tác động đến tâm lý:Bệnh huyết trắng đeo bám dai dẳng khiến chị em khổ sở, mệt mỏi, muộn phiền, lo lắng, bất an, từ đó gây mất tự tin trong sinh hoạt và giao tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc.

- Đe dọa hạnh phúc vợ chồng:Huyết trắng bệnh lý còn là rào cản ngăn cách tình cảm vợ chồng. Bởi việc luôn cảm thấy ngứa ngáy, đau rát khiến chị em sợ gần gũi chồng. Hạnh phúc gia đình vì thế mà lung lay, rạn nứt.

Mách chị em cách 'né' bệnh

Dẫu là bệnh phụ khoa thường gặp nhưng huyết trắng hoàn toàn có thể loại trừ nếu chị em có 'bí kíp'. Theo các chuyên gia y tế, khi có dấu hiệu mắc bệnh, chị em cần đến thăm khám lại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.

Song song với đó, chị em cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt và tích cực tập luyện thể dục thể thao. Chị em cần lưu ý: không lạm dụng dung dịch vệ sinh, không thụt rửa âm đạo nhiều lần, vệ sinh vùng kín đúng cách, thay quần lót thường xuyên. Đặc biệt, nên giữ tinh thần thoải mái, ưu tiên các thực phẩm bổ sung nội tiết tố nữ estrogen và đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!