Mâu thuẫn vợ chồng vì con tăng động

Nuôi dạy con - 10/02/2024

Nếu con quá nghịch ngợm, có thể bé đã mắc Hội chứng rối loạn tăng động.

Hội chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) có thể được phát hiện ngay từ khi trẻ mới tập đi và rõ rệt nhất ở tuổi đi học.

Đa số các trẻ mắc ADHD đều bị quy chụp là ngang bướng, lì lợm khiến việc điều trị chậm trễ và gia đình nảy sinh mâu thuẫn.

Sinh con đầu lòng là một bé trai kháu khỉnh, vợ chồng chị Vân (quận Bình Thạnh, TP HCM) hết lòng thương yêu con. Thế nhưng, cậu con trai 5 tuổi càng lớn càng tỏ ra ương ngạnh, nghịch phá. Muốn con ngồi yên để khuyên răn hay dạy bảo cũng khó khăn. Chồng hay công tác xa nhà, nên việc con hư khiến chị mang tiếng tại mẹ nuông chiều. Hai vợ chồng vì vậy mà thường xuyên cãi vã nhau. Thậm chí, chị Vân còn đề nghị ly thân vì không chịu nổi áp lực từ nhà chồng. Sau này đưa con đi khám tâm lý theo lời khuyên của bạn bè, vợ chồng chị mới vỡ lẽ, bé không nghe lời là do chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).

Mâu thuẫn vợ chồng vì con tăng động

Trẻ mắc AHDH thường không điều khiển được hành vi. (Ảnh minh họa: Internet)

 Gia đình chị Quỳnh (quận 4, TP HCM) cũng có khoảng thời gian mệt mỏi trước khi phát hiện ra con trai mắc chứng ADHD. Cậu con trai vào học lớp 1, nói chưa rõ từ nhưng không biết sợ là gì. Chỗ nào bé cũng có thể lao vào nghịch phá, đi học thì nói leo và thường xuyên gây chuyện với bạn bè. Anh chồng nóng tính, thấy con làm sai là đánh mắng trong khi chị Quỳnh lúc nào cũng bênh con. Đến khi bé được bác sĩ chẩn đoán ADHD, anh chị mới biết rằng cách dạy con của hai vợ chồng đều sai.

  Theo Tiến sĩ Ruth Hughes - Giám đốc điều hành Tổ chức Hỗ trợ Trẻ em và Người lớn mắc ADHD (Chadd), ADHD là một chứng rối loạn tâm lý bẩm sinh với những khiếm khuyết được ghi nhận trong trung ương thần kinh, làm mất khả năng tập trung của người bệnh.

 ADHD có thể được phát hiện ngay từ khi trẻ mới tập đi, qua các dấu hiệu như trẻ hoạt động không ngừng nghỉ, thích thay đổi trò chơi, lơ đãng, không nghe lời hoặc tỏ ra chống đối… Tuy nhiên, đa số các trường hợp mắc ADHD được phát hiện ở tuổi đi học vì lúc này, dấu hiệu bệnh biểu hiện rõ ràng hơn. Cụ thể như bé không chú ý nghe giảng, hay nói ngang, không chịu xếp hàng và tuân theo các kỷ luật ở trường, dễ nổi xung và cự cãi với bạn, thường xuyên làm mất đồ dùng…

 Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Chủ tịch Hội Tâm thần TP HCM tư vấn, bất cứ khi nào thấy trẻ có các hành vi lạ ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống, ba mẹ cần chủ động đưa trẻ đi thăm khám nguy cơ ADHD. Không ít cha mẹ vì ngại mang tiếng con bị bệnh tâm lý, mà không đưa đi thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám tâm thần kinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ ADHD không được điều trị kịp thời.

 Bác sĩ Thắng cũng cho biết, cách điều trị ADHD phổ biến nhất hiện nay là kết hợp sử dụng liệu pháp thuốc và liệu pháp điều chỉnh hành vi. Việc sử dụng thuốc cần nghiêm ngặt tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ đề ra. Còn với trị liệu điều chỉnh hành vi, ba mẹ nhất thiết phải kiên trì và linh hoạt trong cách nuôi dưỡng để phù hợp với tính cách, độ tuổi, diễn biến bệnh ADHD của trẻ.

 'Sai một ly đi một dặm, đôi khi chỉ một ngộ nhận của ba mẹ trong việc chẩn đoán và điều trị ADHD cũng vô tình khiến tình trạng bệnh của con trẻ trở nên trầm trọng. Vì vậy, cha mẹ trước tiên cần hiểu biết đúng đắn về chứng ADHD để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau cho trẻ', bác sĩ Thắng lưu ý.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!