Mẹ cần biết gì khi bắt đầu cho bé ăn dặm?

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/29/2024

Khi bé bắt đầu ăn khỏe, việc cho bé ăn dặm rất quan trọng. Hello Bacsi đưa ra những chia sẻ khi cho bé ăn dặm để bé luôn đủ năng lượng vui chơi nhé!

Ngoại trừ sáu tháng đầu đời được khuyến khích bú sữa mẹ, khi bé được sáu tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm. Trẻ em được sinh ra với phản xạ đẩy lưỡi, vì vậy trẻ nhỏ sẽ đẩy lưỡi của mình chống lại muỗng hay bất cứ thứ gì khác đưa vào miệng, bao gồm cả thức ăn. Hầu hết phản xạ này sẽ biến mất khi bé được 4-5 tháng tuổi, vì vậy mẹ nên chờ đợi cho đến khi phản xạ này mất đi thì hẵng bắt đầu cho bé ăn dặm. Hãy xin ý kiến của bác sĩ nhi khoa tại kì kiểm tra ở tháng thứ tư để xem khi nào bé nên bắt đầu ăn dặm.

Mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

Một khi đã quyết định, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm vào bất cứ lần ăn nào trong ngày, miễn là lần ấy dễ chấp nhận nhất với mẹ và bé. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi bé lớn hơn, bé sẽ muốn ăn với các thành viên khác trong gia đình.

Để giảm thiểu nguy cơ bị nghẹn thức ăn, hãy chắc chắn rằng bé ngồi tư thế thẳng đứng khi mẹ cho bé bắt đầu ăn dặm. Nếu bé khóc hoặc quay đi khi mẹ cố gắng cho bé ăn, đừng ép buộc bé. Điều quan trọng hơn là cả mẹ và bé đều thưởng thức bữa ăn của bé hơn là bắt bé bắt đầu ăn những thực phẩm này. Mẹ có thể cho bé quay trở lại bú mẹ hoặc bú bình trong một hoặc hai tuần, sau đó thử lại. Một cách để dễ dàng để bé tập ăn dặm là cho bé bú một ít sữa mẹ trước, sau đó chuyển sang nửa muỗng thức ăn rất nhỏ, và cuối cùng kết thúc với sữa mẹ nhiều hơn. Điều này sẽ ngăn ngừa tình trạng bé quá thất vọng khi đang bị đói, đồng thời nó cũng sẽ tạo ra mối liên kết giữa sự hài lòng khi được bú mẹ với trải nghiệm mới của việc ăn bằng muỗng.

Dù mẹ có nỗ lực như thế nào chăng nữa, hầu hết những lần cho bé ăn dặm đầu tiên chắc chắn sẽ kết thúc bằng tình trạng thức ăn nằm cả bên ngoài miệng và yếm của bé. Do đó mẹ nên tăng khẩu phần ăn của bé một cách từ từ. Hãy bắt đầu với chỉ một hoặc hai muỗng cà phê thức ăn cho đến khi bé có nhận thức về cách nuốt thức ăn dặm.

Mẹ chỉ nên cho bé ăn một loại thức ăn mới trong một lần và chờ ít nhất 3-5 ngày trước khi bắt đầu món khác. Sau mỗi lần bé được ăn thực phẩm mới, hãy xem phản ứng của bé, chẳng hạn như tiêu chảy, phát ban hoặc nôn mửa. Nếu bất kỳ điều gì nêu trên xảy ra, hãy loại bỏ thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống của bé cho đến khi mẹ có được ý kiến chuyên môn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Trong vòng 2 hoặc 3 tháng, chế độ ăn uống hàng ngày của bé nên bao gồm sữa mẹ, ngũ cốc, rau, thịt, trứng và các loại trái cây phân bổ trong ba bữa ăn chính. Điều quan trọng cần lưu ý là bởi các loại thực phẩm loại đóng hộp dành cho người lớn thường chứa thêm muối và chất bảo quản, vì thế mẹ không nên cho trẻ sơ sinh ăn các loại thức ăn này.

Mẹ có thể dùng gì để cho bé ăn dặm?

Mẹ nên luôn sử dụng muỗng khi cho bé ăn dặm để giảm thiểu tình trạng trào ngược thực quản. Một số cha mẹ cố gắng cho thức ăn dặm vào chai hoặc bình bú của trẻ , nhưng việc cho bé ăn theo cách này có thể làm tăng đáng kể lượng thức ăn bé nạp vào trong mỗi lần ăn và dẫn đến việc tăng cân quá mức. Bên cạnh đó, mẹ cần biết được điều quan trọng là cho bé làm quen với quá trình ngồi thẳng để ăn, ăn bằng muỗng, nghỉ ngơi giữa những lúc ăn và dừng lại khi bé no. Kinh nghiệm sớm này sẽ giúp đặt nền tảng cho những thói quen ăn uống tốt trong cuộc sống của bé về sau.

Một chiếc muỗng kích thước chuẩn của người lớn cũng có thể quá lớn để bé dùng vào lúc này. Mẹ có thể cho bé ăn bằng một chiếc muỗng cà phê nhỏ hoặc muỗng em bé bọc cao su để tránh các chấn thương trong quá trình cho bé ăn. Hãy bắt đầu cho bé ăn bằng một nửa muỗng thức ăn và mẹ nên nói chuyện với bé trong suốt quá trình cho ăn. Bé có lẽ sẽ không biết phải làm gì trong những lần ăn đầu tiên. Bé có thể bối rối, nhăn mũi, lừa thức ăn ra xung quanh miệng hoặc từ chối hoàn toàn. Đây là một phản ứng rất dễ hiểu bởi bé vẫn chưa thích nghi được với cách ăn và loại thức ăn mới.

Khi mẹ cho con ăn dặm, đừng cho bé ăn trực tiếp từ bình mà hãy cho bé ăn từ một dĩa nhỏ với lượng thức ăn phù hợp. Điều này sẽ ngăn tình trạng bình bị nhiễm bẩn từ vi khuẩn ở miệng bé. Phần thừa còn lại trong dĩa cũng cần phải bỏ đi và không được để lại.

Khi chế độ ăn uống của bé bắt đầu đa dạng hơn và bé bắt đầu tự ăn thường xuyên hơn, hãy thảo luận về nhu cầu dinh dưỡng cá nhân của bé với bác sĩ nhi khoa để tìm ra được chế độ ăn tốt nhất cho bé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!