Chấn thương dây chằng khớp bao gồm đứt, rách các dây chằng quanh khớp gối như dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên… Nguyên nhân của tổn thương này thường do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và thường gặp ở người trẻ với các hoạt động mạnh.
2 tháng không thể đi lại bình thường sau khi đá bóng
Nguyễn Trần Ng. (20 tuổi, quê TP.HCM) là sinh viên đại học và rất đam mê đá bóng. Trong một lần chơi bóng cùng bạn, Ng. đuổi theo bóng nên bị chấn thương gối khi va chạm. Sau 1 tuần triệu chứng đau có giảm nhưng chàng trai lại thường bị đau nhói khi đi hoặc chạy kèm theo sưng gối.
Được người thân khuyên bảo, Ng. đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) trong tình trạng đau, sưng, kẹt gối khi đi lại, thường xuyên nghe tiếng lụp cụp trong gối. BS quyết định cho bệnh nhân chụp MRI và kết quả là bị rách sụn chêm trong gối.
Nam bệnh nhân bị chấn thương khớp gối sau khi chơi thể thao.
'Trường hợp của Ng. là dạng rách sụn chêm có thể khâu lại được. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi, hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại phòng tập và tại nhà. Sau 2 tháng, bệnh nhân không còn đau, kẹt gối khi đi. 6 tháng, em đã có thể chơi thể thao như trước' - ThS.BS. Mai Thanh Việt - Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV cho biết.
Nghiêm trọng hơn Ng., anh Nguyễn Thành T. (27 tuổi, TPHCM) đến khoa Chấn thương thể thao khi bị đứt dây chằng chéo trước và dây chằng bên trong gối trái.
Theo lời kể của người bệnh, cách nhập viện 1 tháng, anh bị tai nạn giao thông và xe máy đè lên gối. Sau khi về nhà anh đau nhiều ở khớp gối, không đi lại được. Nghĩ mình còn trẻ, anh quyết định không đến BV kiểm tra mà chỉ ở nhà nghỉ ngơi, giảm đau.
Một trường hợp đau khớp gối.
Sau hơn một tuần, gối của anh đã giảm sưng nhưng còn đau nhiều khi đi lại. Thấy tình hình không thuyên giảm, anh đi chụp MRI. Các BS xác định tình trạng bệnh nhân nặng, phải phẫu thuật tái tạo lại hai dây chằng. Sau 3 tháng phẫu thuật, người bệnh đã có thể vận động, không bị sưng, đau khớp gối khi đi. Sau nửa năm, anh đã có thể chơi các môn thể thao không va chạm như chạy, bơi lội, đạp xe…
Chấn thương khớp gối, không quá phức tạp nhưng không thể coi thường
BS Việt cho biết, khớp gối là loại khớp phức tạp, hoạt động nhờ sự phối hợp của nhiều cấu trúc như gân, cơ, dây chằng, bao khớp… Trong đó, các dây chằng trong và quanh khớp gối giữ vai trò quan trọng trong sự vận động và giữ vững khớp gối.
Tổn thương dây chằng gây ra tình trạng lỏng lẻo khớp gối, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm khớp gối sớm bị thoái hóa.
Sự tổn thương của các cấu trúc trong khớp như sụn chêm, sụn khớp, xương dưới sụn… gây đau đớn, vận động khó khăn. Đứt dây chằng khớp gối thường xảy ra sau chấn thương, khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu, sau đó tự giảm dần.
Một bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối điều trị tại khoa Y học thể thao, BV Nhân dân 115.
Một số trường hợp bị tổn thương dây chằng vẫn có thể đi lại bình thường sau chấn thương, nhưng khi vận động mạnh thì khớp gối lại sưng đau. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến teo cơ đùi, khó khăn trong đi lại.
Nguy hiểm hơn, khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể phẫu thuật tái tạo dây chằng và phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Khớp gối sau khi phẫu thuật.
Theo nghiên cứu, trong các dây chằng khớp gối thì dây chằng chéo trước thường bị tổn thương nhiều nhất.
Số lượng người bị đứt dây chằng chéo trước ở Mỹ từ 100.000 – 200.000, tại Australia, tỷ lệ này chiếm khoảng 1,5% số người bị chấn thương gối.
Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính xác tỷ lệ tổn thương dây chằng khớp gối, nhưng với tình hình tai nạn giao thông, tai nạn lao động như hiện nay cho thấy tỷ lệ này khá cao. Riêng tại khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐHYD đã điều trị hơn 200 trường hợp này trong mỗi năm.
'Phẫu thuật mổ tái tạo dây chằng chéo khớp gối không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tuân thủ điều trị của người bệnh trước, trong vả sau phẫu thuật. Nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ thành công cao hơn, vì khi đó, các cấu trúc trong khớp ít bị tổn thương, tình trạng cơ đùi ít bị teo hơn, sự phục hồi tốt hơn' - BS phân tích.
Một số phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo khớp gối mới nhất của thế giới hiện nay là kỹ thuật All – inside, tight-rope, dây chằng chéo trước hai bó... Với sự kết hợp của vật lý trị liệu sớm cho người bệnh, tỷ lệ hồi phục sau mổ khá cao, từ 82 – 95%.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tổn thương dây chằng đều cần can thiệp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng khớp gối, loại dây chằng bị tổn thương, độ tuổi, nhu cầu vận động… mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn.
Nếu chỉ định không chính xác có thể làm chức năng khớp gối xấu hơn, thoái hóa khớp gối nặng hơn, đau hoặc mất vững gối kéo dài.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi bị chấn thương khớp gối, nếu xảy ra tình trạng sưng, đau kéo dài hoặc sưng, đau gối khi vận động mạnh thì phải đến BV để được đánh giá chính xác các tổn thương và có phương pháp điều trị thích hợp.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!