'Trẻ con bây giờ được nuôi như gà công nghiệp', 'Trẻ con bây giờ bé tí đã biết tiêu tiền, không tiết kiệm', 'Trẻ con bây giờ sướng quá, thích mua gì cũng được'... Nhiều bậc phụ huynh vẫn hay than phiền như vậy và luôn băn khoăn không biết phải dạy con chi tiêu thế nào hợp lý, hiểu được giá trị của đồng tiền. Từ kinh nghiệm thực tế của một giáo viên và một người mẹ, TS Vũ Thu Hương, Giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: 'Đưa tiền cho con thì bao nhiêu cũng hết, không đưa lại sợ khi con cần thì lấy đâu ra. Đưa nhiều thì sợ hư. Việc dạy con tiêu tiền còn có giá trị rất lớn trong việc dạy con về giá trị đồng tiền - Đó là điều mà nhiều khi cha mẹ hoàn toàn không để ý. Vậy dạy con tiêu vặt thế nào?
Dạy con tiêu tiền cũng quan trọng như dạy con về giá trị đồng tiền. (Ảnh minh họa: Internet)
Việc đầu tiên, các cha mẹ nên tiến hành dạy con tiêu tiền sớm hơn so với lứa tuổi mà các cha mẹ nghĩ là cần tiền (cấp 3). Ngay từ khi con hết cấp 1, con đã bắt đầu có những nhu cầu cá nhân, con cũng có đủ kiến thức toán học để lập kế hoạch chi tiêu rồi. Cha mẹ nên dạy con bắt đầu từ thời điểm này'.
Theo cô giáo Vũ Thu Hương, 'cha mẹ đừng đưa tiền cho con theo ngày, như vậy con sẽ không có ý thức tiết kiệm hay tính toán chi tiêu hợp lý. Cha mẹ nên lập cho con một thẻ tiết kiệm (bố mẹ giữ cũng được) và trong đó có một khoản tiền kha khá. Sau đó, cha mẹ yêu cầu con lập kế hoạch chi tiêu khoản tiền đó và trình cho bố mẹ với các yêu cầu chi tiêu rõ ràng. Cha mẹ lưu ý yêu cầu con đưa ra số tiền trong kế hoạch nhiều hơn so với số tiền thực tế có một chút.
TS Vũ Thu Hương, Giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội(Ảnh: 24h.com.vn)
Ví dụ, tôi đưa cho con gái 500 nghìn đồng và đề nghị con tự lo mua sắm sách vở, đồ dùng học tập trước khi vào năm học mới, kèm theo lời dặn dò 'Mẹ sẽ không đưa thêm tiền'. Và thế là 'nàng' lo lắng 'mất ăn mất ngủ' để tính toán sử dụng số tiền như thế nào. 'Nàng' đã tự đi bộ đến các cửa hàng đồ dùng học tập để khảo giá, ghi chép rất cẩn thận. Khi về, 'nàng' so sánh giá cả các gian hàng, tính toán và lên kế hoạch mua gì, ở đâu.
Khi con gái đưa lại bản kế hoạch, tôi thấy 'ok' rồi thì giao tiền để 'nàng' thực hiện. Từ đó, tôi đưa tiền tiêu vặt cho con là một khoản 'to to' nhưng thời hạn tiêu cũng rất dài. Với điều kiện như vậy, con đã tiết kiệm hơn cả mức tôi tưởng tượng. Thậm chí, 'nàng' còn mua gạo nếp, đỗ xanh về nhà tự nấu xôi ăn sáng cho đỡ tốn tiền (con gái của cô giáo Vũ Thu Hương học lớp 9). 'Nàng' cũng rất chịu khó khâu vá quần áo, khâu túi xách... để đỡ tốn tiền mua. 'Nàng' chăm dọn dẹp để lấy đồ bán đồng nát gây quỹ cho chính mình. Rồi 'nàng' hớn hở với các công việc mà nàng có thể làm ra tiền bằng cách đó. Tôi nhận thấy, từ khi giao phó việc tiêu vặt cho 'nàng', 'nàng' tuyệt đối không hoang phí và rất biết quý trọng sức lao động'.
Trẻ biết cách chi tiêu nghĩa là trẻ đã biết quý trọng sức lao động (Ảnh minh họa: Internet)
Đó là một trong số vô vàn phương pháp khác nhau mà cha mẹ có thể tham khảo để dạy cho con làm quen với tiền cũng như cách tiêu tiền. Cha mẹ thay đổi linh hoạt để phù hợp với điều kiện của mình và tính cách của con nhưng nếu gắn các bài học vào hành động cụ thể, thực tế sẽ giúp con học nhanh, nhớ lâu hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!