'Mẹ hiền' quân hàm xanh nơi biên cương

Thời sự - 11/24/2024

Thực hiện chương trình 'Quân Dân y kết hợp', những năm qua, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Quân y Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng biên giới khó khăn. Những việc làm ý nghĩa thiết thực của những thầy thuốc mang quân hàm xanh đã góp phần làm sáng lên tình cảm quân dân keo sơn, gắn bó.

'Mẹ hiền' quân hàm xanh

Đầu tháng 9/2020, anh Và Bá Va (20 tuổi, ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) có công việc phải đi xe máy xuống bản Liên Hợp - trung tâm xã. Đường dốc, mưa trơn trượt, Và Bá Va không may bị té ngã, người xây xát và chấn thương nhiều chỗ. Anh Va đã được người dân xã đưa vào Phòng khám Quân Dân y (PKQDY) Tri Lễ và đã được cứu chữa kịp thời.

Nhiều năm qua, PKQDY Tri Lễ đã trở thành một địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy cho đồng bào các dân tộc ở xã vùng biên này. Khi đến đây, người dân đều được thăm khám, kê đơn, cấp thuốc miễn phí. Đại úy, bác sĩ quân y Lê Anh Đức cho biết: Trạm quân dân y Tri Lễ đã được thành lập từ lâu. Đến năm 2006 thì được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nâng cấp triển khai PKQDY. Tính từ năm 2000 đến nay, PKQDY đã khám, chữa bệnh cho gần 22.000 lượt bệnh nhân, xử trí cấp cứu cho trên 1.000 bệnh nhân. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, phòng khám thực hiện khám chữa bệnh cho hơn 200 lượt bệnh nhân.

Day dứt, ám ảnh trước tình trạng rất nhiều người ngộ độc lá ngón dẫn đến những cái chết đau đớn, thương tâm, y bác sĩ PKQDY Tri Lễ đã tìm tòi nghiên cứu ra bài thuốc dân gian cấp cứu nạn nhân ăn lá ngón từ thân cây chuối, rau má kết hợp tiêm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, trợ sức. Với bài thuốc dân gian này, từ năm 2016 đến nay, phòng khám đã thực hiện cứu trị kịp thời cho trên 20 người bị ngộ độc lá ngón thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Từ sự hoạt động hiệu quả của PKQDY Tri Lễ nói riêng, hệ thống trạm quân dân y và chương trình Quân Dân y kết hợp nói chung, tháng 7/2019, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tiếp tục khởi công xây dựng thêm công trình PKQDY mới tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ. Công trình có đầy đủ phòng khám, điều trị bệnh và phòng ở cho người nhà, phòng chức năng và công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư là hơn 4,5 tỉ đồng. Ngày 20/8/2020, PKQDY Mường Lống được khánh thành, đi vào hoạt động. Đây là Phòng khám quân dân y thứ 3 ở huyện Quế Phong và thứ 8 ở Nghệ An.

'Mẹ hiền' quân hàm xanh nơi biên cươngLãnh đạo tỉnh Nghệ An tặng quà Trạm quân dân y Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ bày tỏ niềm vui: PKQDY mới đã đảm bảo nhu cầu khám, điều trị tại chỗ cho nhân dân các bản Mường Lống (127 hộ/750 nhân khẩu), bản Huồi Xái 1 (65 hộ/400 nhân khẩu), Huồi Xái 2 (33 hộ/200 nhân khẩu) và Nậm Tột (45 hộ/287 nhân khẩu). Từ đây, người dân 4 bản khi muốn khám chữa bệnh đỡ phải đi xa, vất vả, tốn kém.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thời gian qua, bên cạnh công tác xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh đã tích cực phối hợp với các lực lượng có liên quan củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động kêu gọi các tổ chức xã hội, các cơ quan cùng chung tay thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, nổi bật là chương trình Quân Dân y kết hợp. Thực hiện chương trình, BĐBP tỉnh đã xây dựng và quản lý 8 PKQDY, bao gồm: Phòng khám Bản Búng, Bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông); phòng khám Huồi Sơn, Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương); phòng khám Huồi Bắc (xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn); phòng khám Thông Thụ, phòng khám Tri Lễ, phòng khám Mường Lống (huyện Quế phong).

Ở 8 phòng khám, BĐBP tỉnh đã bố trí cán bộ, nhân viên quân y có chuyên môn tốt, đầy đủ chứng chỉ hành nghề, thực hiện chức năng nhiệm vụ phạm vi khám, chữa bệnh theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của phòng khám, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ký kết hiệp đồng trách nhiệm với Sở Y tế tỉnh Nghệ An; phối hợp các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện thực hiện các chương trình y tế, phòng, chống dịch bệnh, khám, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng

Không chỉ riêng PKQDY Tri Lễ mà tất cả các phòng khám đều đã và đang làm tốt công tác chuyên môn. Thượng tá Hoàng Văn Huy - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ chia sẻ: 'Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, PKQDY Thông Thụ đã khám và điều trị cho 5.537 lượt người, trong đó khám và chữa bệnh cho nhân dân nước bạn Lào là 241 lượt người; xử trí cấp cứu 78 bệnh nhân, chuyển tuyến cho trên 18 lượt người'.

Trong các giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, các PKQDY cũng đã làm tốt công tác tổ chức tuyên truyền, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho nhân dân, phối hợp với y tế địa phương phun hóa chất cloramin B tại các bản, điểm trường. Trong 2 tháng 7-8/2020 vừa qua, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đến thăm, kiểm tra, tặng quà cho các phòng khám.

Để hoạt động PKQDY ngày càng tốt hơn, BĐBP tỉnh Nghệ An đang có những đề xuất gửi các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện giúp đỡ để các phòng khám ngày càng chuẩn hóa. Đại tá Hồ Hữu Thắng - Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An cho hay: BĐBP tỉnh đang đề nghị Sở Y tế nghiên cứu cho phép các PKQDY được ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân như cánh tay nối dài trong hệ thống y tế cộng đồng để đảm bảo nguồn thuốc, vật tư y tế phục vụ nhân dân ổn định và bền vững... Đồng thời, BĐBP tỉnh tiếp tục kêu gọi, phối hợp các đơn vị tuyến tỉnh, các nhà tài trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho người dân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!