Mẹ kể chuyện cho bé đi 'nhà trẻ tự lập' ở Nhật

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ở nhà trẻ, bé sẽ học được cách xây dựng các mối quan hệ như kết bạn, chơi với bạn, đó sẽ là nền tảng cho các mối quan hệ sau này.

Con gái mình năm nay 2 tuổi 8 tháng và đã đi mẫu giáo được hơn 4 tháng. Những trải nghiệm của mình về mẫu giáo ở Nhật chưa nhiều nhưng cũng đủ để mình cảm thấy an tâm và yên lòng. Vì yêu thích phương pháp Montessori nên mình chọn một trường Montessori gần nhà cho con học, hai mẹ con đi xe đạp hết hơn 10 phút. Trường không quá rộng nhưng vẫn rất nhiều cây cối, từ hoa đến dưa chuột,  cà chua và có cả lúa nữa. Cô hiệu trưởng đã dày công mang đất về đổ lên tầng 2 làm một mảnh vườn xinh xắn cho các bạn nhỏ có cơ hội quan sát thực vật.

Có một điểm khác biệt so với các trường học ở Việt Nam là giờ vào lớp của bé rất linh hoạt. Mẹ có thể tùy chọn giờ vào học (từ 8h - 9h) và giờ về (lúc 13h, 16h hay 17h, 18h) để phù hợp nhất với thời gian biểu của mẹ cùng bé. Bé Kimura Akino nhà mình đến lớp lúc 9h, tự cất giày dép, đồ dùng rồi mới vào lớp. Cô giáo sẽ không giúp đỡ các bé khâu này mà để bé tự làm đến khi nào xong thì thôi.

Mẹ kể chuyện cho bé đi 'nhà trẻ tự lập' ở Nhật

Bé Kimura Akino hào hứng với những món đồ chơi được cô giáo hướng dẫn làm

Thời khóa biểu một ngày học của bé như sau: Học theo phương pháp Montessori, đi công viên (hôm nào trời nắng quá thì các bé nghịch nước ở bể bơi, trời mưa thì chơi dưới phòng), học hát ở trường với một cây đàn piano, cô giáo vừa đàn vừa hát cho các bạn ấy nghe, ăn cơm trưa lúc 12h30 và thay quần áo đi ngủ trưa. Vì là trường Montessori nên các bé được khuyến khích tự làm mọi việc. Những bé lớn tầm 4 tuổi trở đi là tự đi lấy phần ăn của mình, còn các bé nhỏ sẽ có cô giáo trợ giúp. Các cô trợ giúp ở đây không phải là bón hay ép bé ăn mà là các bé ở độ tuổi này rất ít ăn rau, do đó các cô sẽ dùng những cách riêng của mình để các bé ăn hết cả suất, trong đó cả rau. Con gái mình sau một thời gian đi nhà trẻ, bé giờ đã ăn được hết cả cà rốt, ớt Đà Lạt... những loại mà trước đây bé không bao giờ động đũa. Các bé cũng tự mặc, tự cởi quần áo, cất đồ đạc vào ba lô... nói chung là tự quản lý đồ dùng của mình. Tuy thất lạc đồ đạc cũng có nhưng không đáng kể. 

Về phần các cô giáo, cũng tuỳ tính từng cô nhưng đa phần đều vui vẻ. cởi mở. Các cô sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên nếu có bậc phụ huỳnh nào cần được giúp đỡ. Mình cũng đã nói chuyện, xin lời khuyên của các cô nhiều lần trong việc dạy đỗ con cái. Mình nhớ có lần, con ốm xong không muốn đi học, mình cứ bắt đi thành ra con quay ra nói với bố: 'Bố ơi, con ghét mẹ'. Thực sự khi nghe những lời ấy, mình đã buồn và hơi shock. Mình tâm sự với cô giáo hiệu trưởng, cô không chỉ an ủi mà còn động viên mình, giúp mình vững vàng hơn với phương pháp mình lựa chọn để dạy con trong giai đoạn 2 - 3 tuổi này.

Sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường được viết hàng ngày. Các cô giáo luôn ghi lại hoạt động của con trong ngày bằng cách nhìn lạc quan, tích cực. Mình thấy nhiều mẹ ở Việt Nam nói cô giáo ghi con em hơi nhát, cần tự tin hơn... nhưng bên này, các cô giáo không bao giờ nhận xét những chuyện như vậy, không bao giờ ghi bé này cần hoà đồng hơn, bé kia cần sôi nổi hơn... Với các cô, mỗi trẻ là một cá tính và các cô không bao giờ được nhận xét phiến diện. Nếu có tính cách nào của con, bố mẹ muốn sửa có thể thông báo cho cô, các cô sẽ giúp. Còn từ phía mình, không bao giờ các cô đưa ra những nhận xét cá nhân.

Mẹ kể chuyện cho bé đi 'nhà trẻ tự lập' ở Nhật

Bố mẹ ở Nhật quan tâm tới các mối quan hệ bạn bè của con vì đây là yếu tố ảnh hưởng lớn tới tính cách bé

Các bé trong trường đều vui vẻ, ngoan ngoãn, chơi với nhau vẫn có khi giành đồ chơi nhưng không bao giờ đánh nhau. Có điều đặc biệt là khi thời gian Montessori đã bắt đầu thì theo quy tắc, các bé sẽ đi nhẹ, nói khẽ, không gây ảnh hưởng đến các bạn khác. Đây là điều mình thấy rất phục các cô bởi trẻ trong giai đọan này rất hiếu động. Có nhiều bé ở trường làm mình ấn tượng, nhưng nhớ nhất là một cô bé bị down bẩm sinh. Ngoài việc phát âm không rõ thì bé phát triển trí tuệ bình thường như bao bé khác. Không những thế, bé còn rất ân cần, tử tế. Bé mở cửa cầu thang cho mình đi xuống khi mình vào lớp họp. Bé mở cửa chào mình khi về và vẫy tay. Có lần thấy mình và con đang ăn kem gần trường, bé chạy ra  muốn ăn cùng. Hay bé lớp trưởng, mới 6 tuổi nhưng đã nói chuyện rất lịch sự như: 'Akino, xin lỗi nhưng bạn đi vào nhanh hơn được không?', 'Uchimuki, cảm ơn vì mở của cho anh nhé'... Các bé tuy còn nhỏ nhưng mình cảm nhận là đã được dạy dỗ chu đáo, ra dáng người lớn.

Về hoạt động ngoại khoá, ngoài các hoạt động cho bé thì còn có cả hoạt động cho phụ huynh như họp phụ huynh 2 lần/lần vào đầu năm và cuối năm. Ngoài ra còn họp nhóm phụ huynh, ví dụ nhóm phụ huynh có con từ 0 - 2 tuổi, nhóm phụ huynh có con học năm thứ nhất... Trong những buổi họp nhỏ này, các bà mẹ trao đổi với nhau khó khăn về nuôi con trong giai đoạn này, trò chơi nào bổ ích cho bé... Những buổi họp nhóm như thế này không chỉ đem lại kiến thức bổ ích mà còn tạo cơ hội cho phụ huynh làm quen, để giao lưu với nhau, trao đổi số điện thoại... Đây cũng là một nét đặc trưng trong văn hoá của người Nhật nói chung và phụ nữ Nhật nói riêng.

Mình nhớ có một cuốn sách với tựa đề là 'Tất cả những gì con người cần học đều học ở nhà trẻ'. Ở nhà trẻ, bé sẽ học được cách xây dựng các mối quan hệ ngoài xã hội như kết bạn, chơi với bạn - đó sẽ là nền tảng cho các mối quan hệ sau này. Ở nhà trẻ, các bé sẽ học từ nhau, bắt chước nhau nhiều nên có thể nói, mẫu giáo ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của các bé. Do đó, chọn nhà trẻ cho bé là một việc quan trọng. Mặc dù con mới đi học được 4 tháng nhưng mình đã thấy con có một nhóm bạn thân nhất định, có một người chị mà con yêu quý, đi học về con kể chuyện về bạn này, bạn nọ... làm mình thấy rất vui. Mình biết con đang sống tốt trong thế giới riêng của mình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!