Con suýt chết, mẹ nguy kịch vì silicon trong ngực
Mới đây, một bài mẹ tên Anne Ziegenhorn đã chia sẻ về tai nạn sau khi cô nâng ngực bằng silicon khiến con trai suýt chết khi bú sữa mẹ. Năm 1998, Anne tiến hành phẫu thuật đặt ngực và không hề có một dấu hiệu bất thường nào sau đó. Nhưng một thời gian sau, cô bắt đầu suy nhược. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân vì sao.
Đến năm 2002, cô sinh con trai và cho con bú. Khi bé trai được 19 tháng tuổi, Anne nhận thấy sức khỏe bé kém đi. Cô đưa bé đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là bị nhiễm trùng thận nghiêm trọng. Tình trạng nguy hiểm suýt khiến bé tử vong. Sau đó, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân khiến con trai Anne gặp nguy hiểm và cô bị suy nhược trong thời gian dài là nấm mốc ở miếng độn silicone trong ngực. Anne đã phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ nấm mốc trong ngực và gỡ miếng độn silicon ra khỏi cơ thể.
Miếng độ silicon bị nấm mốc trong ngực mẹ khiến bé trai suýt chết khi bú sữa
Cuối tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngực trái bị áp xe, sưng to gấp 3 lần ngực phải, kèm theo nóng, sốt, đỏ, và đau. Người phụ nữ này cho biết, cách đây 15 năm, trong một lần du lịch Hồng Kông, chị đã bơm mỡ ở một bệnh viện nhân tạo với giá 2.500 USD. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi chị sinh con thứ 2 và cho con bú thì ngực trái có biểu hiện bất thường như vậy.
Cũng có trường hợp, một bà mẹ trẻ mới sinh con nhưng mẹ chồng không cho cháu bú mẹ khi biết con dâu trước kia đi bơm ngực. Hay nhiều người đã nâng ngực khi chuẩn bị sinh con thì lo lắng, hoang mang liệu trẻ có bị bại não vì bú sữa mẹ lẫn… silicon. Nhiều người cũng lo ngại nâng ngực thẩm mỹ sẽ mất khả năng cho con bú.
Mẹ bơm ngực ảnh hưởng đến cho con bú như thế nào?
Bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trên báo Người lao động, ngực của người phụ nữ cho con bú dễ bị nhiễm trùng cao dẫn đến áp xe ngực gấp 2-3 lần nếu có các chất lạ như silicon, chất làm đầy, mỡ nhân tạo… Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong rất cao.
Một bầu ngực bị hỏng vì nâng ngực silicon
PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật – Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết trên báo Khám phá, việc nâng ngực có ảnh hưởng đến chức năng tuyến vú và việc tiết sữa mẹ khi cho con bú hay không phụ thuộc vào kỹ thuật và trình độ của bác sĩ. Nếu nâng ngực bằng cách đặt túi ngực sau cơ thì sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng nếu đặt trước cơ thì vú sẽ không còn khả năng tiết sữa.
Còn việc trẻ có bú nhầm silicon trong ngực mẹ và bị bại não hay không, GS Sơn cũng cho biết không có khả năng này, trừ khi bơm silicon trực tiếp vào máu của đứa trẻ thì mới chạy lên não.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi tiêm trực tiếp silicon vào cơ thể thì đều nguy hiểm. Chất này có thể chạy vào máu, gây xơ mạch máu, có thể chạy lên não gây hôn mê. Trẻ cũng có thể bú nhầm silicon nếu mẹ tiêm silicon nâng ngực, tuy không gây bại não nhưng có thể gây xơ cứng, giảm chức năng tiêu hóa.
Một tâm lý của rất nhiều bà mẹ đã nâng ngực là ngại cho con bú vì sợ ngực sẽ bị chảy xệ, hỏng mất bộ ngực nhân tạo đã mất nhiều công để có. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa kỳ tiến hành nghiên cứu với 160 bà mẹ đã nâng ngực thì có 97 người thất bại trong việc cho con bú, 86% trong số đó nghĩ cho trẻ bú khiến ngực họ xấu hơn. Chỉ có 13% trong số 63 bà mẹ còn lại cho con bú hoàn toàn hơn 2 tuần cho rằng việc làm này không ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của họ.
Ngoài việc lo ngại khả năng cho con bú sau khi phẫu thuật nâng ngực, chị em còn phải đối mặt với nhiều biến chứng, tai biến có thể xảy ra, có thể phải cắt bỏ ngực hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú nếu quá trình phẫu thuật không đảm bảo và trình độ tay nghề bác sĩ thấp. Nhiều người phải nhập viện trong tình trạng đau đớn với bầu ngực biến dạng, sưng tấy. Các bác sĩ phải tiến hành mổ lấy bỏ silicon vón cục, bốc mùi, cắt ngực và mất hoàn toàn khả năng cho con bú.
Nếu lựa chọn phương pháp và địa chỉ nâng ngực an toàn, uy tín, việc cho con bú sẽ không bị ảnh hưởng gì
Nâng ngực an toàn để mẹ đẹp, con khỏe
Trước khi quyết định phẫu thuật nâng ngực, chị em nên xác định và thảo luận rõ với bác sĩ về phương pháp thực hiện. Theo TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Việt Đức, những phụ nữ chưa sinh con mà vẫn muốn thực hiện nâng ngực thì nên chọn phương pháp nội soi, không cắt qua đầu vú và đặt ở dưới cơ sẽ hạn chế sự ảnh hưởng tới việc cho con bú và sự phát triển của trẻ nhỏ.
GS. Gedge David Rosson, Giám đốc trung tâm Johns Hopkins cho biết, cần phải lựa chọn cẩn thận các cơ sở thẩm mỹ, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để đảm bảo an toàn. Nên phẫu thuật ở nách vì khả năng giấu sẹo tốt, ít ảnh hưởng đến việc cho con bú sau này.
Ảnh minh họa: Internet
NT
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!