Mẹ Nhật Nam: Giúp cho con yêu thích viết văn

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Làm thế nào để cho con có cảm hứng với việc viết văn?

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Nhật Nam có những kinh ghiệm thú vị xung quanh việc chị giúp con thích thú với việc viết văn như thế nào. Được sự cho phép của chị, SongKhoe.vn chia sẻ nội dung bài viết với độc giả. Dưới đây là bài viết có tựa 'Viết văn vui vẻ':

Mẹ Nhật Nam: Giúp cho con yêu thích viết văn

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ bé Nhật Nam. Ảnh: NVCC

Làm cho con thích viết văn? Câu hỏi này có lẽ là nỗi trăn trở của nhiều bà mẹ. Bởi ai cũng hiểu một lẽ đơn giản: Con sẽ viết tốt nếu con thích. Vậy làm thế nào để con thích viết? Câu trả lời là: Hãy bắt đầu cho con viết… những gì con thích.

Thật mà! Nếu con được viết những gì con thích, con sẽ không ngần ngại đâu. Tạm bỏ qua những đề tập làm văn trong sách giáo khoa, các mẹ có thể hướng dẫn con viết những gì con thích từ khi con còn nhỏ. Theo quan sát của mình, những điều mà trẻ con thường thích viết là:

- Viết thư cho mẹ (bố, anh chị em…): Gọi là thư nhưng chỉ cần những dòng nho nhỏ, ngăn ngắn để ở một vị trí nào đó gây bất ngờ. Muốn con có thói quen này, mẹ phải là người chủ động. Mẹ nên viết những lời nhắn cho con để lại ở bàn ăn, để trong hộp bút, để dưới gối… Và khuyến khích con cũng làm như thế. Mình nhớ những ngày Nam mới học lớp 1, buổi sáng khi con đi học, mình thường đợi lúc con không để ý, để một mẩu giấy trong hộp bút hoặc kẹp trong cuốn vở. Những điều mình viết thường là: Con đi học vui nhé. Mẹ biết là hôm nay em học sẽ rất ngoan. Hay: Mẹ đợi em về để kể cho mẹ nghe hôm nay em có gì vui. Hoặc là: Mẹ không biết hôm nay em sẽ ăn món gì ở trường, em nhớ về kể cho mẹ nghe nhé. Cũng có khi là: Mẹ và cây hoa hồng ở nhà đợi buổi chiều em về mở tiệc bánh quy… Nam thích những mẩu con con này lắm, Nam bảo có khi ở trên xe trên đường đến trường Nam đã he hé ra xem. Rồi chẳng cần mình hướng dẫn, Nam cũng biết ghi lại những mẩu con con như thế cho mẹ, mỗi lần mẹ đi công tác hay khi mẹ ốm….Nam đều viết.

Việc viết những tin nhắn như thế, ngoài ý nghĩa nâng cao kĩ năng viết nó còn là phương tiện để biểu lộ tình cảm và lâu dần, khi thành thói quen, sẽ giúp con học cách ghi lại cảm xúc của mình như một nhu cầu giải tỏa. Mình nhớ năm Nam học lớp 3, cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho mình hỏi: Chị ơi, bố Nam ốm à? Mình bảo, ôi sao em biết. Cô kể, mấy hôm thấy Nam không được vui lắm, hôm nay trong lúc lấy bút cho Nam, cô nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ trong hộp bút, có ghi: Bố ơi, bố đừng ốm nữa. Bố nằm viện con buồn lắm. Bố nhanh về nhà nhé.

Cô bảo cô đọc xong rơi nước mắt. Còn mình, mình cũng thế….

Mẹ Nhật Nam: Giúp cho con yêu thích viết văn

Chị luôn khuyến khích con viết những gì mình thích. Ảnh: VTC

- Viết những gì mà con mơ ước: Trẻ con thì ước mơ nhiều lắm lại thay đổi luôn luôn, nên khuyến khích con ghi lại những ước mơ của mình, theo từng ngày, theo từng giai đoạn cũng làm cho trẻ thích thú lắm.

- Viết những gì con tưởng tượng: Ban đầu khi con còn nhỏ, mỗi lần con tưởng tượng gì đó, mẹ nên ghi lại. Ví dụ, nhìn lên bầu trời thấy các đám mây có hình ông Tiên, ông Bụt, hình con hổ, con sóc… có thể ghi lại và đọc lại cho con nghe. Đến khi con lớn, mỗi khi con tưởng tượng gì đó, con có thể tự ghi và hai mẹ con cùng nói chuyện về điều đó. Có một thời gian, Nam tưởng tượng mình thành anh hùng siêu nhiên, luôn có nhiệm vụ giải cứu thế giới. Mình mua mấy cái hình dán siêu nhân, mỗi lần Nam viết được một đoạn lại dán một hình dán vào đó nên Nam thích mê. Cái vụ tưởng tượng này cũng ghi ra dài đến cả nửa quyển vở. Rồi sau đó Nam xem phim về Tiên răng lại tưởng tượng về cuộc chu du của cái răng vừa thay… Nói chung có rất nhiều điều thú vị và khi đã thấy thú vị thì viết ra không ngại chút nào.

- Viết truyện cười: Trẻ con rất thích những câu chuyện ngộ nghĩnh và rất thích sáng tác truyện cười. Mà sáng tác truyện cười không dễ chút nào. Mình đóng cho Nam một cuốn sổ nhỏ chuyên để ghi những câu truyện cười do Nam tự nghĩ ra. Có những truyện đọc xong Nam phải giải thích đến cả nửa tiếng mẹ mới 'à à' rồi mới cười. Nhưng mà có hề gì, con thích mà. Và thực ra đó cũng là cách để con yêu việc viết lách hơn. Đây là 'truyện cười' của Nam khi con 7 tuổi:

Nam xin mẹ ăn bánh.

Mẹ: Nam muốn mẹ cho ăn bánh thì phải ngoan nhé.

Nam: Vâng tất nhiên rồi mẹ. Mà như thế nào là ngoan hả mẹ?

Mẹ: Ngoan là không đòi mẹ cho ăn bánh í.

Nam: Ơ… ơ

Hihi, một câu chuyện rất chi là có tính 'dìm hàng' mẹ

- Viết những gì quan sát được, viết về những chuyện xảy ra hàng ngày, viết về những điều làm mình vui/ buồn, viết cảm nhận về một câu chuyên, một bức tranh, về buổi đi chơi… Nói tóm lại là tất cả những chuyện cỏn con, tí ti đều có thể được ghi lại. Mẹ luôn là người động viên, khuyến khích con nhé.

Kĩ năng về viết sẽ được tăng lên đáng kể nếu con có thói quen viết từ khi còn rất nhỏ chứ không đợi đến khi làm bài tập làm văn. Mình tin là như vậy.

Ngày mai, bạn đọc theo tiếp về 'Xây dựng vốn từ cho con'.

Phan Hồ Điệp

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!