‘Tích lũy vốn từ’ từ những lần trò chuyện với con
Quá trình tích lũy vốn từ của trẻ thường diễn ra một cách tự nhiên. Càng lớn, vốn từ của trẻ càng tăng. Nhưng cũng có thể 'thúc đẩy' quá trình tích lũy này. Mình đã thực hành với Nam như sau:
- Nói chuyện với con một cách 'bình đẳng': Điều này thì mình làm từ khi Nam còn nhỏ xíu. Thông thường khi nói chuyện với trẻ con, người lớn hay nghĩ để nói 'theo cách của trẻ con'. Nhưng mình không thế. Mình nói chuyện với Nam thoải mái, như cách mà mình vẫn thường trò chuyện với mọi người. Ví dụ: ‘Hôm nay em làm đổ đống đồ chơi mà em không nhặt lên. Em làm mẹ buồn đó. Mẹ phê bình em nhé’. Hay khi Nam cầm giúp mẹ một cái áo vào nhà: ‘Em ngoan quá, biết giúp mẹ rồi đó. Em đúng là một người con hiếu thảo’. Những câu này sẽ rất bình thường khi con lớn nhưng đây là mình đang nói khi Nam mới… 11 tháng tuổi. Khi đó, mình biết vốn từ của con còn rất ít ỏi, mới chỉ là một số danh từ nhưng mình không ngại ngần để nói chuyện với con dù con chưa hiểu lắm. Nhưng không sao, học tiếng mẹ đẻ khác hẳn với học ngoại ngữ vì môi trường con đang sống chính là một lớp học lớn rồi. Tuy nhiên, cần tránh việc trẻ nói 'từ rỗng', nghĩa là nói mà không hiểu nghĩa. Mẹ có thể hỏi lại và nếu cần thì giải thích cho con.
Chị Phan Hồ Điệp bên con Đỗ Nhật Nam. (Ảnh: news.zing.vn)
- Nói với con theo kiểu văn viết: Khi nói chuyện với con, chúng ta thường dùng khẩu ngữ, tất nhiên rồi. Tuy nhiên, có một số lúc, mình cố gắng nói theo kiểu văn viết, có nghĩa là nói có hình ảnh, có dùng so sánh, nhân hóa. Ví dụ, hai mẹ con ngắm mưa, mình có thể nói: Mưa nhảy nhót trông đẹp Nam nhỉ. Và mình khuyến khích Nam tìm những từ khác để miêu tả lại hình ảnh đó. Mình cũng hay dùng các từ láy, các tính từ miêu tả để Nam nghe và có ý thức học tập.
Hai mẹ con cũng hay chơi trò chơi: Tìm từ thay thế. Ví dụ mẹ nói: Con chó sủa to. Nam sẽ sửa là: Con chó sủa ầm ĩ. Mẹ nói: Con mèo nhỏ. Nam nói: Con mèo bé xíu xiu. Mẹ nói: Đôi mắt đen. Nam nói: Đôi mắt đen lay láy… Khi nào Nam tìm được những từ hay, mình đều ghi lại và đánh một dấu sao vào đó để biểu thị sự khen ngợi.
Làm giàu trí tưởng tượng bằng cách khuyến khích con viết
Những mẩu chuyện hằng ngày chính là 'phụ kiện' giúp việc viết văn được dễ dàng hơn.
Bắt đầu bằng văn miêu tả: Trong những năm học tiểu học, thể loại văn miêu tả chiếm ưu thế, bao gồm: tả đồ vật, loài vật, cây cối, tả người, tả cảnh. Mình ý thức được việc này nên cho Nam làm quen với văn miêu tả từ rất sớm. Mình lấy ví dụ một bài mình hướng dẫn Nam làm văn miêu tả về đồ vật như sau:
Con sẽ yêu viết hơn từ những mẩu chuyện hằng ngày. (Ảnh minh họa: Internet)
Bước 1: Cho Nam chọn một đồ vật mình thích để tả. (Nam chọn cái hộp bút).
Bước 2: Cho Nam quan sát: Hướng dẫn Nam thứ tự quan sát, từ ngoài vào trong.
Bước 3: Cho Nam ghi lại những gì quan sát được:
+ Hộp bút màu gì? Làm bằng chất liệu gì?
+ Hình vẽ trang trí thế nào?
+ Khóa như thế nào? Hộp bút có mấy ngăn? Các ngăn đựng gì?
Ghi lại những gì quan sát được cũng là cách giúp Nhật Nam tích lũy vốn từ. Ảnh: eva.vn
Bước 4: Phần 'thêm da thịt' để chứng tỏ em viết rất hay:
+ Ai mua cho em hộp bút này? Em nghĩ thế nào về việc đó?
+ Em thích bộ phận nào, chi tiết nào của hộp bút nhất? Vì sao? Em hình dung các bộ phận, chi tiết đó giống với đồ gì khác?
+ Hộp bút theo em khi đến trường nên chắc hẳn rất thân thiết với em, em hãy nói về tình bạn đó đi.
Bước 5: Trước khi viết bài, em hãy nhớ những nguyên tắc khi viết văn miêu tả:
+ Tả giống với thực tế.
+ Tả chi tiết.
+ Dùng nhiều giác quan để tả.
+ Tả phải có tình. Nghĩa là với mỗi chi tiết đều có thể nêu lên cảm xúc về chi tiết đó.
Trên đây là bài học ý nghĩa của mẹ Đỗ Nhật Nam dạy con. Những mẩu hội thoại hàng ngày chính là gia vị giúp tâm hồn con phong phú hơn, khơi nguồn cảm hứng để con viết ra những cảm xúc của riêng mình.
Phan Hồ Điệp
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!