Cháu Hoàng Viết L, 8 tuổi ở Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang nhập viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng bí tiểu cấp. Qua khai thác bệnh sử cho thấy bé có các dấu hiệu rối loạn dòng tiểu từ lâu, tiều buốt, tiểu dắt. Gia đình cho biết đã đưa cháu đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần nhưng điều trị không hiệu quả.
Qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang bụng, các bác sĩ khoa Ngoại Thận – Tiến Niệu – Nam Học BVĐK Tỉnh Bắc Giang phát hiện nhiều viên sỏi ở cả hai thận kích thước nhỏ 3mm và có 01 viên sỏi bàng quang kích thước 10mm nằm sát cổ bang quang cản trở đường ra của nước tiểu đặc biệt ở tư thế đứng tiểu. Gia đình cháu L cho biết, rất ngạc nhiên vì nghĩ cháu bé như vậy thì không thể có sỏi thận được.
Tương tự trường hợp bé Nguyễn Trường Giang 5 tuổi trú tại Văn Khê, Hà Đông, chị Bùi Thuý Hà mẹ cháu Giang cho biết, vài tháng nay bé thường kêu đau bụng. Chị nghĩ con đau bụng do tiêu hóa hoặc giun nên đã cho con tẩy giun, tuy nhiên tình trạng vẫn không cải thiện. Lại nghĩ con bị dạ dày chị lại cho đi khám và siêu âm dạ dày cũng không đỡ nhưng khi siêu âm bác sĩ phát hiện trong đường tiết niệu có sỏi.
Hình ảnh sỏi tiết niệu của bé Hoàng Viết L 8 tuổitrên phim chụp
BSCK II Nguyễn Quang Cừ - Nguyên Trưởng phòng khám Tiết niệu sinh dục Bệnh viện Việt Đức cho biết, ông từng gặp cả bệnh nhi 2 tuổi đã bị sỏi thận, sỏi bàng quang. Với trẻ 5 đến 10 tuổi có sỏi thận không phải là quá hiếm gặp.
Cũng theo BS. Cừ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận ở trẻ, thường gặp nhất là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: rối loạn enzyme, hội chứng ống thận (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria),...
Mặt khác, BS Cử cũng cho biết thêm, dù chưa được chứng minh nhưng cũng cần chú ý thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất như canxi, vitamin C… là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, những trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Theo các chuyên gia y tế, khác với người lớn, sỏi bàng quang nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh khá hiếm gặp, tỷ lệ này chỉ khoảng 7,2 đến 14,2 trường hợp trong 100.000 trẻ (dưới 18 tuổi), và chiếm khoảng 0,15% trên tổng số các bệnh nhân mắc sỏi đường niệu.
Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo ngoài các căn nguyên nội sinh tạo sỏi do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa thì hoàn toàn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng việc tác động vào các căn nguyên bên ngoài như việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt của trẻ một cách hợp lý.
TRIỆU CHỨNG SỎI TIẾT NIỆU Ở TRẺ
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, nôn ói, tiểu khó, tiểu nhiều lần thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Nhiễm trùng tiểu thường biểu hiện ở trẻ dưới 4 tuổi với đau vùng hông, sốt, đôi khi tiểu đục Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.
Sỏi đường tiết niệu trẻ em gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng lại có các triệu chứng rất đặc hiệu như tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi cản trở đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần do cổ bàng quang bị kích thích.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!