Trên hành trình nuôi con khôn lớn, không ít bà mẹ đã phải thốt lên giai đoạn cực khổ nhất là khi cho con ăn dặm. Những nhu cầu của trẻ thay đổi liên tục theo ngày, những giai đoạn biếng ăn đến bất ngờ theo bữa khiến các mẹ mệt nhọc rất nhiều.
Thế nhưng với chị Ngân (35 tuổi, hiện đang sống tại Brussels, Bỉ) thì lại khác. Dù là mẹ của 3 em bé, trong đó có 2 bé sinh đôi mới hơn 20 tháng tuổi nhưng việc cho con ăn của chị lại rất nhàn. Bởi hai bé sinh đôi đã biết tự xúc thìa từ… 15 tháng tuổi và ăn uống rất tốt tất tần tật mọi loại đồ ăn.
'Trọn bộ bí kíp' mà chị Ngân chia sẻ lại từ những ngày đầu tập cho con ăn dặm cho đến khi con biết tự xúc thìa chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều mẹ khác trên hành trình chăm con.
Hai bé Chi Mai và Chi Lan bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Chị Ngân cho con ăn dặm kết hợp linh hoạt giữa phương pháp truyền thống, kiểu Nhật và Baby Led Weaning (BLW) ngay từ đầu.
Hành trình ăn dặm của hai bé sinh đôi được chia làm khá nhiều giai đoạn khác nhau, thường tuân theo các tháng tương ứng với sự phát triển về kỹ năng, sức khỏe của bé. Trong mỗi giai đoạn này, chị Ngân đều kiên trì tuân thủ đúng các nguyên tắc về dinh dưỡng cũng như độ thô, nêm nếm gia vị khi chuẩn bị đồ ăn cho con.
Bốn mẹ con chị Ngân hiện đang sống tại Brussels, Bỉ.
Giai đoạn 6-7 tháng: 2 bé ăn ngày 1 bữa, ăn rau củ quả hấp xay nhuyễn trong vòng 1 tháng. Bắt đầu bằng cà rốt, liên tục 2 ngày, mỗi ngày chỉ ăn 2 - 3 thìa cafe. Tiếp theo là các loại rau củ khác như bí đỏ, đậu Hà Lan, bắp cải, súp lơ trắng, đậu que, măng tây... Chị Ngân lần lượt cho ăn từng loại một, mỗi loại 2 ngày.
Sau đó chị mix tối đa 2 loại rau củ với nhau và thêm một ít khoai lang hoặc khoai tây. Trọn vẹn 1 tháng đầu, các bé chỉ ăn rau củ hấp xay nhuyễn và 1 thìa cafe dầu oliu, không ăn đạm. Lượng ăn tăng dần lên, từ 2-3 muỗng lên 4-5 muỗng cafe rồi 1 chén nước mắm nhỏ. Hai bé ăn nhiều nhất cho giai đoạn này là 60 ml.
Giai đoạn 7-8 tháng, bé ăn ngày 2 bữa gồm 1 bữa chính và 1 bữa phụ. Bữa chính bắt đầu có đạm: thịt gà, thịt heo, cá trắng, lòng đỏ trứng... Chị nấu kết hợp 2 loại rau củ, 1 loại đạm và 1 loại tinh bột (có thể là: khoai tây, khoai lang, nui, hạt quinnoa, yến mạch, gạo).
Tất cả đều cho lên hấp và xay, xay ít nhuyễn hơn giai đoạn 6-7 tháng. 'Nếu hôm nào dùng gạo thì mình nấu cháo hạt thật nhừ, trộn với hỗn hợp rau củ, đạm và xay nhuyễn.
Mình dùng một loại máy nấu thức ăn em bé nên rất tiện và nhanh. Bữa phụ cũng là trái cây hấp và xay nhuyễn như táo, lê. Chuối thì xay không cần hấp. Đến gần cuối tháng thứ 7, mình thỉnh thoảng đưa 1 miếng chuối hay lê chín mềm cho bé tự cầm ăn', chị Ngân chia sẻ.
Hai bé được cho ăn dặm nghiêm túc theo phương pháp truyền thống, kiểu Nhật và BLW từ khi mới 6 tháng.
Giai đoạn 8-10 tháng, về cơ bản vẫn ăn như giai đoạn 7-8 tháng nhưng chị Ngân chế biến độ thô tăng lên từ từ, thức ăn được xay ít kỹ hơn, lượng ăn tối đa mỗi lần là 100ml. Đạm sẽ có thêm thịt bò, cá hồi. Bữa phụ vẫn là trái cây tươi nhưng chị Ngân để con tự bốc ăn, ăn thô nhiều hơn xay.
Giai đoạn 10-11 tháng, hai bé được mẹ tăng mỗi ngày 2 bữa chính, 1 bữa phụ, tăng độ thô. Đồ ăn không xay nữa, thịt cá băm nhỏ, rau củ cắt hạt lựu nấu mềm, cháo hạt. Bữa phụ vẫn là hoa quả tự bốc ăn chủ yếu, riêng táo và lê hơi cứng thì mẹ bé vẫn hấp sơ và xay đút 2 bé.
Giai đoạn 11-12 tháng, hai bé vẫn được duy trì 2 bữa chính, 1 phụ nhưng bữa chính không nấu lẫn lộn như trước. 2 bé chuyển sang ăn cơm nấu mềm, thức ăn và canh ăn riêng.
Từ 1 tuổi trở đi là 3 bữa chính, 1 bữa phụ. 2 bé đã ăn thô tốt thì chuyển sang ăn cơm hạt. Bữa sáng chị Ngân cho con ăn ngọt, đa số là yến mạch nấu với táo, lê, nho khô.. hay bánh mì với chuối hoặc bánh mì với phô mai, trái cây.
Trong tất cả những giai đoạn này, chị Ngân luôn chú trọng giữ hương vị tự nhiên của thực phẩm khi chế biến như rau củ luộc, cá hấp, thịt nướng không gia vị, không nêm muối…
Giai đoạn bước ngoặt tập cho con tự xúc thìa được chị Ngân quyết định thực hiện khi 2 bé được 14 tháng tuổi. Chị chia sẻ: 'Theo phương pháp BLW thì các mẹ sẽ thường tập cho con xúc thìa khi con được 9, 10 tháng tuổi. Nhưng mình rút kinh nghiệm từ bé đầu, tầm tuổi đó tay bé chưa được khéo léo, tập sẽ lâu và mẹ phải kiên nhẫn, chịu khó dọn bãi chiến trường của con.
Mình có 2 bé 1 lúc nên ngại dọn dẹp và vì 2 bé ăn rất ngoan, tập trung và nhanh, 1 bữa chỉ kéo dài 10, 15 phút nên mình chưa có ý định tập 2 bé tự ăn. Đến khoảng 14 tháng thì 2 bé bắt đầu để ý đến cái thìa, khi mẹ đút hay thò tay cầm thìa giựt đòi tự đút đồ ăn vào miệng. Lúc này mình mới bắt đầu tập'.
Chị Ngân cho rằng, chỉ cấn các mẹ nắm vững kiến thức về ăn dặm và thêm một chút hiểu con thì quá trình chăm con sẽ diễn ra nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn.
Cách tập cho con xúc thìa vì vậy cũng trở nên nhanh hơn:'Trong khi đút mình đưa thìa và bát không cho bé chơi, rồi chơi đồ hàng với bé. Giả bộ mẹ đút 1 miếng cho con, con đút 1 miếng cho mẹ...
Mình cầm tay con hướng dẫn thao tác xúc cơm rồi đưa lên miệng. Bước tiếp theo mình xúc cơm sẵn vào thìa, để bé tự đưa lên miệng. Tập liên tục như vậy thì chỉ khoảng 2 tuần là con mình tự xúc được ngon lành. Đến 18,5 tháng thì 2 bé tự ăn hoàn toàn, xúc thìa, dùng nĩa rất khéo, biết bưng bát lên húp canh'.
Hiện tại, việc cho các con ăn đối với chị Ngân vô cùng nhàn nhã, nhẹ nhàng. Bởi chỉ cần đến giờ ăn, mẹ vỗ tay măm măm là 2 bé tự chạy đến bàn ăn, tự chỉ bảo mẹ đeo yếm.
Đặt đồ ăn xuống bàn là tập trung chăm chú ăn. Ăn xong hoặc ăn no là bê bát đưa mẹ, giật yếm ra đòi leo xuống ghế. Đúc kết lại hành trình đã vượt qua, chị Ngân cho rằng nếu mẹ tìm hiểu vững kiến thức, nhất quán phương pháp cho con ăn dặm ngay từ đầu và thêm vào việc hiểu con thì chắc chắn sẽ cùng con tạo ra một nếp ăn uống rất tốt.
Đó cũng là nền tảng để bé khỏe mạnh, phát triển được những mặt khác và mẹ đỡ stress hơn trong quá trình chăm con.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!