Nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi chán ăn không chỉ là do thực phẩm kém hấp dẫn mà còn vì thói quen sống chưa lành mạnh. Nếu bạn soi gương thấy người gầy rộc đi và nước da xanh xao, đã đến lúc bạn cần tìm cách để ăn ngon miệng hơn rồi đấy!
Bạn có thấy mình hay bỏ bữa sáng, ăn trưa qua loa hay đã sắp đến giờ đi ngủ mà lại chẳng thiết tha gì với đĩa thức ăn từ giờ cơm chiều? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải tình trạng mệt mỏi chán ăn.
Nhịp sống hối hả có thể khiến bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi chán ăn thường xuyên. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà nhiều khi bạn lại chủ quan bỏ qua. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về chứng mệt mỏi chán ăn để xem có cách nào giúp bạn lấy lại cảm giác ngon miệng không nhé.
Mệt mỏi chán ăn là gì?
Mệt mỏi là trạng thái cả cơ thể như không còn sức lực, ngay cả khi bạn đã ngủ đủ giấc. Triệu chứng này phát triển lên theo thời gian và sẽ làm giảm mức năng lượng thể chất cũng như tâm lý của bạn. Bạn cũng thấy mình không có động lực và năng lượng để tham gia vào những hoạt động mà mình rất yêu thích trước đây.
Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang ở vào tình trạng mệt mỏi bao gồm:
- Thấy sức chịu đựng giảm sút
- Tinh thần luôn thấy ủ rũ, mỏi mệt
- Cảm thấy thể chất yếu hơn bình thường
- Luôn mệt mỏi dù đã ngủ đủ và nghỉ ngơi nhiều
Cảm giác ăn không ngon miệng hay mệt mỏi chán ăn thường xuất hiện khi bạn thấy mình không còn hứng thú với việc ăn uống. Kể cả những bữa ăn cơ bản trong ngày hay thậm chí những món ăn mà mình yêu thích của mình thì bạn cũng chẳng hề thiết tha muốn ăn.
Tình trạng ăn không ngon miệng và buồn nôn là dấu hiệu giảm sự thèm ăn: không muốn ăn, không cảm thấy đói và sụt cân. Bạn có thể thấy buồn nôn ngay sau khi ăn hoặc chỉ ý nghĩ về thức ăn thôi cũng đã khiến bạn thấy khó chịu trong người và buồn nôn.
Cơ thể mệt mỏi và chán ănthường kết hợp cùng nhau, là dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể cho thấy có thể bạn đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây mệt mỏi chán ăn
Mệt mỏi chán ăn có thể là kết quả của nhiều yếu tố, từ tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc đến các bệnh lý hay nguyên nhân tâm lý.
Mệt mỏi chán ăn do sử dụng thuốc
Bạn có thể sẽ thấy mệt mỏi chán ăn khi cơ thể đang phải chiến đấu chống lại nhiễm trùng. Một số loại thuốc điều trị sẽ gây tác dụng phụ như buồn nôn và buồn ngủ. Những tác dụng phụ này có thể làm giảm sự thèm ăn của bạn và gây ra mệt mỏi.
Các loại thuốc được biết là gây ra các triệu chứng triệu chứng mệt mỏi chán ăn có thể kể đến bao gồm:
- Codein
- Morphin
- Thuốc ngủ
- Kháng sinh
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc huyết áp
Mệt mỏi chán ăn do bệnh lý
Mệt mỏi và chán ăn có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe từ cảm cúm thông thường đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng như ung thư. Tình trạng mất cảm giác ngon miệng có thể gây ra mệt mỏi, đặc biệt là khi cơ thể bạn không nhận đủ calo hoặc chất dinh dưỡng. Tình trạng đau mãn tính cũng có thể cản trở sự thèm ăn của bạn và gây trạng thái mệt mỏi.
Một số tình trạng bệnh lý có thể gây đau liên tục bao gồm:
- Đau cơ xơ hóa
- Đau sau phẫu thuật
- Chứng đau nửa đầu
- Tổn thương thần kinh
- Hội chứng tim đập nhanh tư thế (POTS)
Các nguyên nhân khác gây mệt mỏi và chán ăn bao gồm:
- Trầm cảm sau sinh
- Hội chứng cai rượu
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Hội chứng tiền kinh nguyệt
- Cúm và cảm lạnh thông thường
Mệt mỏi chán ăn do tâm lý
Những rối loạn tâm lý có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của cơ thể và sự thèm ăn của bạn:
- Lo âu
- Đau buồn
- Trầm cảm
- Căng thẳng
- Rối loạn lưỡng cực
Nhiều tình trạng tâm lý, bệnh lý hay tác dụng phụ của thuốc đều có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi chán ăn.
Đối tượng dễ mệt mỏi chán ăn
Tình trạng mệt mỏi chán ăn có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng có một số nhóm đối tượng cần lưu ý đặc biệt khi gặp tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
1. Mệt mỏi chán ăn ở trẻ em
Bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ nếu bé gặp phải tình trạng mệt mỏi chán ăn thường xuyên. Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng này ở trẻ em bao gồm:
- Ung thư
- Lupus
- Táo bón
- Thiếu máu
- Viêm ruột thừa cấp
- Lo âu hoặc trầm cảm
- Nhiễm giun đường ruột
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Trẻ chậm tăng trưởng
- Dùng thuốc kháng sinh
- Không nghỉ ngơi đầy đủ
- Chế độ ăn uống không cân bằng
2. Mệt mỏi chán ăn ở người lớn tuổi
Mệt mỏi chán ăn ở người lớn cũng là tình trạng khá phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy tuổi tác cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây mệt mỏi. Nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:
- Ung thư
- Bệnh tim
- Suy giáp
- Trầm cảm
- Thay đổi nội tiết tố
- Các rối loạn giấc ngủ
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Các rối loạn thần kinh (bệnh đa xơ cứng, Parkinson,…)
3. Mệt mỏi chán ăn ở phụ nữ mang thai
Chứng chán ăn khi mang thai bắt nguồn từ việc thay đổi lượng hormone HCG trong cơ thể phụ nữ có thai. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mới có chứng chán ăn hay ốm nghén. Tuy nhiên, điều này vẫn xảy ra với phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ do cơ thể đang chuẩn bị đón em bé chào đời, lượng hormone đột ngột tăng cao.
Bà bầu chán ăn vào tháng thứ 8 khi mang thai cũng có thể do cơ thể quá sức mệt mỏi, ốm nghén, không muốn ăn uống gì.
Cách chữa mệt mỏi chán ăn ở nhà
Bạn có thể bắt đầu thay đổi trong lối sống hàng ngày và chế độ ăn uống để giảm dần tình trạng mệt mỏi chán ăn.
Điều chỉnh lại sinh hoạt để giảm mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi thường xuất hiện do sự phân bố các công việc hàng ngày chưa hợp lý. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy thực hiện một số thay đổi nhỏ trong đời sống hàng ngày.
• Sắp xếp lại công việc: Tình trạng quá tải công việc bao giờ cũng mang lại mệt mỏi, ôm đồm nhiều công việc cũng sẽ khiến bạn chán ăn. Do đó, bạn hãy lên lại lịch những việc cần ưu tiên làm trước và tạm gác lại những công việc không quan trọng lại để tránh căng thẳng.
• Thư giãn: Tắm dưới vòi phun hay ngâm mình trong làn nước mát, vài động tác thở bằng bụng, mát xa… đều là những phương pháp giảm căng thẳng và chống mệt mỏi hữu hiệu.
• Lên lịch giải trí hợp lý: Bạn cần phân bố lại lịch giải trí cuối tuần để đừng diễn ra quá dồn dập, khiến bạn không còn năng lượng cho những ngày đầu tuần. Thay vào đó, bạn hãy lên kế hoạch giải trí có chừng mực để cơ thể được nghỉ ngơi và hệ tiêu hóa cũng có thời gian thư giãn.
Cân đối lại bữa ăn để tìm lại cảm giác ngon miệng
Cảm giác chán ăn có thể được cải thiện khi bạn chú ý đến một số điều chỉnh đơn giản trong bữa ăn hàng ngày của mình.
• Chia ra từng bữa nhỏ:Thói quen ăn hết một khẩu phần lớn trong một lần có thể khiến bạn cảm thấy ngán và khó tiêu hóa, dễ bị buồn nôn. Nếu chia ra từng khẩu phần nhỏ, bạn sẽ không thấy lượng thức ăn quá nhiều và vẫn có thể cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
• Dùng đĩa lớn hơn: Bí quyết này có thể khiến bạn có cảm giác thức ăn trở nên ít đi và bạn sẽ thấy không phải quá sức để xử lý hết cả đống thức ăn trên đĩa nữa.
• Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ:Các thực phẩm chiên rán với nhiều dầu sẽ khiến bạn cảm thấy ngấy và cảm giác chán ăn sang cả những món khác.
• Thêm gia vị cho món ăn: Bạn có thể thêm một ít quế vào thức uống hoặc trong bất kỳ đĩa thức ăn nào yêu thích. Quế và các loại gia vị khác sẽ làm tăng sự thèm ăn của bạn và giúp ích cho quá trình tiêu hóa, khiến bạn ăn nhiều hơn.
• Ăn uống cùng mọi người: Bạn hãy tranh thủ đi ăn uống cùng gia đình, bạn bè. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bạn có thể sẽ ăn nhiều hơn khi trò chuyện và thưởng thức một bữa ăn vui vẻ cùng mọi người.
Nếu bạn xem nhẹ và bỏ qua, cảm giác mệt mỏi chán ăn có thể dẫn đến cơ thể bị mất năng lượng, kiệt sức. Hãy đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời vì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của những vấn đề bệnh lý nguy hiểm.
Cách phòng ngừa mệt mỏi chán ăn
Mệt mỏi chán ăn sẽ gây những tác hại không mong muốn cho cơ thể, do đó, bạn vẫn nên chủ động phòng tránh tình trạng này ngay từ sớm.
• Tập thể dục:Khi tập thể dục, bạn sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, đốt cháy rất nhiều calo. Khi đó, bạn sẽ muốn ăn nhiều hơn để có sức khỏe và duy trì bài tập tiếp tục. Tập thể dục không chỉ làm tăng sự thèm ăn của bạn mà còn giúp bạn khỏe mạnh và năng động hơn.
• Chú ý đến giấc ngủ: Một giấc ngủ ngon không chỉ tốt cho cơ thể mà còn giúp duy trì tốc độ trao đổi chất của cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Một giấc ngủ ngon vào ban đêm sẽ giúp bạn thức dậy cảm thấy đói và thèm ăn hơn.
• Giữ vệ sinh răng miệng: Các vấn đề về răng miệng có thể sẽ khiến bạn thấy lo lắng khi ăn uống. Thế nên, hãy giữ vệ sinh răng miệng, chữa dứt điểm các cơn đau răng miệng khiến bạn thấy khó chịu khi ăn.
• Thử những món ăn mới: Nếu cảm thấy đã quá chán ngán với thực đơn quen thuộc mỗi ngày, bạn có thể thử tìm kiếm một vài công thức nấu ăn mới trên mạng vừa tạo cảm hứng nấu ăn, vừa tạo động lực thưởng thức những món ăn do chính mình đã chuẩn bị.
• Linh hoạt các loại thức ăn: Khi cơ thể đang bị ốm, bạn chắc chắn sẽ ăn uống ít hơn bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng các thức ăn mềm và dễ tiêu hóa.
Dân gian vẫn thường có câu “Ăn được ngủ được là tiên” nên nếu chẳng may bạn lại rơi vào trạng thái mệt mỏi chán ăn thì cuộc sống sẽ chẳng còn gì thú vị nữa. Hãy thử điều chỉnh thói quen sống lành mạnh hơn, bạn sẽ tìm lại cảm giác ngon miệng và cải thiện sức khỏe tốt hơn!
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tại sao bạn lại có cảm giác chán ăn?
- Chán ăn thần kinh là (biếng ăn tâm lý)
- 7 thực phẩm bạn nên bổ sung khi cơ thể mệt mỏi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!