Mô phỏng quá trình lây nhiễm của HIV

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Các nhà khoa học đã đưa ra một bức tranh mô tả chi tiết, toàn cảnh nhất sự truyền nhiễm HIV trong ruột.

Mới đây, Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) đã lần đầu tiên quan sát thành công quá trình truyền nhiễm vi-rút HIV trong tế bào mô nhiễm bệnh bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử với độ phân giải cao. Thành tựu này sẽ đưa ra một bức tranh mô tả toàn cảnh và chi tiết nhất về sự truyền nhiễm HIV trong ruột.

Chúng ta biết rằng, đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với cả quá trình tiêu hóa và hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân HIV, ruột là phần nội tạng đầu tiên của cơ thể bị tấn công trong giai đoạn đầu ủ bệnh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu cách thức lây nhiễm và ủ bệnh trong các tế bào là yếu tố quyết định hỗ trợ quá trình đưa ra phác đồ điều trị mới cho hơn 33 triệu bệnh nhân hiện nay đang sống chung với HIV trên toàn thế giới.

Mark Ladinsky - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã sử dụng ruột của chuột được cấy ghép mô và hệ thống miễn dịch con người để tìm hiểu hoạt động loại vi-rút này trên cơ thể người.

Các nhà khoa học đã sử dụng kĩ thuật chụp cắt lớp điện tử để tái tạo hình ảnh 3 chiều phần nội tạng nhiễm bệnh. Cụ thể, phần mẫu vật được nhúng vào chất dẻo, đặt dưới kính hiển vi với độ phân giải cao và xoay tròn từ từ một góc 120 độ. Hình ảnh của mẫu vật sẽ được ghi lại mỗi khi quay được 1 độ và tất cả các hình ảnh chụp được sẽ qua chọn lọc cẩn thận để tái tạo mô hình 3D.

Mô phỏng quá trình lây nhiễm của HIV

Đường ruột đóng vai trò quan trọng với cả quá trình tiêu hóa và hệ thống miễn dịch (ảnh: internet)

Tất cả các công trình nghiên cứu trước đây đều chỉ tập trung vào việc quan sát vi-rút HIV hoặc sự lây nhiễm ở các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Đây là mô hình đầu tiên tìm hiểu về sự tương tác của HIV với các tế bào khác trong mô ruột thật.

Qua đó, nhóm nghiên cứu có thể kiểm định sự chính xác của một số công trình trong ống nghiệm trước đó, ví dụ như vi-rút HIV chui ra khỏi tế bào bị nhiễm bệnh và đi vào các mô xung quanh để lây bệnh như thế nào. 

Bên cạnh đó, các phát hiện mới cũng ghi nhận sự tồn tại của các 'hố HIV' giữa các tế bào, cho thấy vi-rút HIV có thể lây nhiễm qua tự do trong cùng vùng mô. Các 'hố HIV' này được tìm thấy sâu trong ruột của mẫu vật nghiên cứu.

Một phát hiện thú vị về hoạt động của vi-rút HIV chính là, chúng phát triển theo mô hình bán đồng bộ, tức là một nhóm vi-rút sẽ thoát ra khỏi tế bào bị bệnh trước, rồi lần lượt tới từng nhóm khác, tương tự như một 'phong trào'. 

Điều này đã được kiểm chứng qua phát hiện các phân tử HIV - ở khoảng cách càng xa so với tế bào nhiễm bệnh thì càng trưởng thành hơn. Điều này có nghĩa là chúng phát triển một cách lần lượt, nối tiếp nhau, chứ không riêng rẽ. Các phát hiện đã mở ra hi vọng về phương pháp điều trị mới - sử dụng thuốc kháng thể protein, thay thế cho loại thuốc kháng vi-rút phân tử nhỏ hiện nay. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ giữa hoạt động của vi-rút HIV với các yếu tố môi trường bằng cách sử dụng nhiều mô động vật khác nhau, và hi vọng có thể tiến hành trên mô người trong thời gian tới. Hi vọng rằng, bức tranh toàn cảnh về phương thức hoạt động của HIV trong cơ thể người sẽ sớm được tìm ra, góp phần vào quá trình tìm ra cách chống lại đại dịch này.

>>Xem thêm: Hỏi - đáp về HIV

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!