PGS,TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương, Phó trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho biết, mỗi năm hàng triệu trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc được tiếp cận với vắc-xin phòng bệnh miễn phí, đưa vắc-xin miễn phí đến với trẻ em trên toàn quốc. Lợi ích đầu tiên của chương trình TCMR đề cập tới chính là trẻ em, phụ nữ trên toàn quốc, không kể đến sự khác biệt vùng miền, dân tộc, điều kiện kinh tế xã hội đều được tiếp cận miễn phí với vắc-xin trong chương trình. Hằng năm có hơn 3,5 triệu trẻ em và hơn 2,5 triệu phụ nữ được tiêm chủng miễn phí 12 loại vắc-xin. Chương trình TCMR đã vận động và được Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng hỗ trợ các tủ lạnh chuyên dụng thế hệ tiên tiến nhất, chất lượng cao nhất để thay thế tủ lạnh chuyên dụng đã sử dụng trên 8 năm trong TCMR. Đáp ứng nhu cầu bảo quản vắc-xin trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch; 100% cán bộ quản lý kho vắc-xin tuyến tỉnh đã được tập huấn và tập huấn lại trong năm 2019; 100% kho vắc-xin tuyến tỉnh đã đạt tiêu chuẩn kho GSP trong năm 2019.
Quang cảnh hội thảo.
Tuy nhiên, theo PGS,TS Dương Thị Hồng thì còn nhiều khó khăn thách thức cho Chương trình TCMR tại Việt Nam. Chất lượng dịch vụ TCMR tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn với công tác TCMR mặc dù đã có nhiều hoạt động ưu tiên. Ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng nên việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ còn gặp khó khăn. Tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ dẫn đến sự trì hoãn các mũi tiêm của các bậc phụ huynh tại một số địa bàn đô thị khiến cho trẻ tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi, khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh và xảy dịch, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh ho gà trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, chưa thấy hết được lợi ích và ý nghĩa của tiêm chủng. Kinh phí cho Chương trình TCMR không ngừng được Nhà nước và Bộ Y tế tăng lên hàng năm song mới chỉ đáp ứng được khoảng 70 - 80% nhu cầu của công tác TCMR, chủ yếu là vắc-xin và vật tư tiêm chủng. Viện trợ quốc tế đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia 'thu nhập thấp'. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ của các địa phương cho hoạt động TCMR rất hạn chế, mới chỉ tập trung ở một số tỉnh có điều kiện và thường chỉ có trong các 'chiến dịch' tiêm chủng. Thiếu kinh phí triển khai ảnh hưởng tới việc tổ chức điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế ở các vùng khó khăn, công tác giám sát, tập huấn, truyền thông về TCMR không được triển khai đầy đủ...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!