Nếu chẳng may ít sữa, hãy tích cực bổ sung những loại thực phẩm dưới đây để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho con bạn nhé.
1. Móng giò hầm đu đủ xanh
Móng giò giúp cho các bà mẹ lợi sữa, đu đủ lại ngọt kết hợp thành món canh bổ dưỡng khiến bữa cơm thêm ngon và ấm cúng.
Nguyên liệu:
- 400g móng giò.
- 1/4 quả đu đủ xanh vừa ăn.
- Muối, đường, nước mắm, mùi tàu, hành lá, hành khô.
Cách làm:
Bước 1:
- Móng giò rửa sạch, cho vào nồi nước sôi, chần sơ khoảng 2 phút sau đó rửa lại cho thật sạch.
- Đun nóng một ít dầu ăn, phi hành thơm, cho móng giò vào xào cho thịt săn lại thì cho thêm nước sôi nóng, đun sôi, nêm vào một ít muối.
Bước 2:
- Đu đủ xanh gọt vỏ, rửa sạch cho bớt mủ, cắt lát to hay nhỏ tùy theo sở thích của bạn.
- Mùi tàu, hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 3: Đun móng giò đến khi dùng đũa xiên nhẹ qua thịt thấy móng giò vừa ý thì cho đu đủ xanh vào đun cùng, nêm gia vị cho vừa ăn. Để tiếp kiệm thời gian bạn có thể ninh móng giò bằng nồi áp suất.
Bước 4: Đun tiếp 6-10 phút đến khi đu đủ mềm thì tắt bếp, thêm hành lá, mùi tàu thái nhỏ vào, múc ra bát lớn dùng làm món canh ăn với cơm.
2. Canh rau ngót
Rau ngót rất mát và ngọt, được nấu cùng với tôm, thịt xay sẽ là món canh ngon đủ chất cho bữa cơm gia đình bạn. Đồng thời, đây cũng là món ăn giúp chị em giảm viêm nhiễm dạ con, giúp lợi sữa.
Nguyên liệu:
- 100g tôm.
- 150g thịt lợn xay.
- 1 bó rau ngót.
- Muối, hành khô, hạt tiêu và hạt nêm.
Cách làm:
Bước 1:
- Tôm bóc nõn, rút chỉ đen, rửa sạch, băm nhuyễn tôm.
- Trộn tôm và thịt lợn xay (trộn lẫn cả đầu gạch tôm, nếu có), thêm vào 1 thìa nhỏ muối, ít hạt tiêu, trộn đều.
Bước 2:
- Rau ngót tuốt lấy lá, bỏ cọng cứng.
- Tiếp theo rửa sạch rau, để lên rổ cho ráo nước và dùng tay vò rau hơi nát.
Bước 3: Đun nóng dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm và thịt lợn xay vào xào chín.
Bước 4: Cho vào nồi canh khoảng 2 bát con nước lọc, tiếp tục đun sôi.
Bước 5: Thả từ từ rau ngót vào nồi canh, nêm muối hoặc hạt nêm, tùy theo sở thích của bạn, đợi đến khi nồi canh sôi lại bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Tắt bếp, múc ra bát lớn làm món canh ăn với cơm.
3. Những món chế biến với húng quế
Rau húng quế giúp tăng lượng sữa mẹ tiết ra nên rất hữu ích với những bà mẹ ít sữa.
Cá nục suôn kho lá húng quế: Cá nục thấm gia vị, quyện lẫn với vị thơm đặc trưng của rau húng quế.
Nguyên liệu:
- 400g cá nục suôn.
- 1 bó rau húng quế.
- Muối, đường, ớt quả, màu dầu điều, hành khô, nước mắm.
Cách làm:
Bước 1: Rau húng quế rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Cá móc bỏ ruột, rửa sạch, để ráo, ướp vào cá nửa thìa nhỏ muối, để khoảng 15 phút trước khi chế biến.
Bước 3: Xếp vào đáy nồi một ít rau húng quế, tiếp theo xếp vài con cá lên bề mặt rau, rồi đến xếp một lớp rau húng quế và tiếp tục đến một lớp cá, làm cho hết phần cá và rau.
Bước 4:
- Tỏi, hành khô, bóc bỏ vỏ, giã nhuyễn.
- Cho tỏi, hành vào nồi, thêm ớt quả, 2 thìa nhỏ màu dầu điều, hai thìa canh nước mắm, 2 thìa canh đường, cầm tay cầm của nồi lắc đều để gia vị bám đều quanh con cá, đậy kín nắp nồi để 45 phút đến 1 giờ trước khi chế biến.
Bước 5: Đậy kín nắp nồi, đặt lên bếp, đun sôi khoảng 15 phút thì mở nắp nồi ra, tiếp tục đun lửa nhỏ để cá thấm gia vị, khi kho bạn không cần phải châm nước vì nước kho ướp từ đường chảy ra, khi đun sẽ thấm gia vị từ từ.
Bước 6: Kho khoảng 30-45 phút, nêm gia vị lại cho vừa ăn, và kho đến khi phần nước cá cạn bớt thì bạn tắt bếp, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, múc ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.
Tép rang húng quế:Tép rang giòn ngọt, thơm nồng nàn mùi húng quế là món mặn đơn giản ăn với cơm trắng rất ngon miệng.
Nguyên liệu:
- 300g tép đất.
- Hành lá, hành khô, húng quế, muối, đường, nước mắm.
Cách làm:
Bước 1: Tép rửa sạch, cắt bỏ râu và đầu tép (nếu muốn), xốc đều vào tép nửa thìa nhỏ muối, để khoảng 10 phút trước khi chế biến.
Bước 2: Hành lá, hành khô, húng quế rửa sạch, để ráo, thái nhỏ.
Bước 3: Đun nóng 3 thìa nhỏ dầu ăn, phi hành thơm, cho tép vào rang lửa lớn để tép không bị ra nước, rưới vào một ít nước mắm.
Bước 4: Dùng đũa đảo đều đến khi tép chuyển hồng thì nêm gia vị cho vừa ăn, đảo thêm 5-6 phút, tắt bếp, thêm hành lá, húng quế vào, xúc tép ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.
Gà nấu húng quế: Khi dùng cùng bún, món ăn sẽ dậy mùi thơm của rau quế, sả và thịt gà ngọt.
Nguyên liệu:
- 1/2 con gà nhỏ hoặc 2-3 cái đùi gà.
- 1 bó rau quế, càng nhiều càng thơm.
- 1 thìa canh sả bằm.
- 1 thìa nhỏ ớt bột.
- Hành khô, tỏi, vài viên đường phèn nhỏ.
- Muối, nước mắm, hạt tiêu.
- Bún ăn kèm.
Cách làm:
Bước 1: Gà rửa sạch chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, ướp vào âu thịt gà hành khô thái nhỏ, một ít hạt tiêu, 1 thìa nhỏ muối, 2 thìa nhỏ nước mắm, trộn đều, ướp khoảng 1-2 giờ.
Bước 2: Rau quế nhặt lấy lá, bỏ cọng, rửa sạch lá để lên rổ cho ráo nước, thái nhỏ.
Bước 3: Đun nóng dầu ăn, phi tỏi thơm, cho ớt bột và sả vào xào thơm.
Bước 4: Cho thịt gà vào xào đến khi thịt gà săn lại.
Bước 5: Đổ nước lạnh vào nồi, thêm vài viên đường phèn nhỏ, đun sôi đến khi gà chín mềm, nêm gia vị lại cho vừa ăn.
Bước 6: Tắt bếp thêm rau quế vào, múc ra bát lớn dùng kèm với bún hay cơm trắng.
4. Chè vừng đen
Bát chè nóng thơm mùi vừng đen ấm bụng ngày lạnh. Hạt vừng cũng được đã được các nhà khoa học chứng minh rằng nó được sử dụng để tăng sản lượng sữa mẹ ở các quốc gia châu Á. Ngoài ra vừng đen còn có tác dụng bổ máu, làm mượt tóc.
Nguyên liệu:
- 150g vừng đen.
- 4 thìa canh đường cát trắng.
- 1 thìa canh bột sắn dây.
Cách làm:
Bước 1: Vừng đen đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, để lên rổ cho thật ráo nước.
Bước 2: Vừng sau khi ráo nước, cho vào chảo, rang lửa nhỏ 3-5 phút đến khi vừng có mùi thơm thì tắt bếp.
Bước 3: Bột sắn dây hòa với một ít nước lọc, dùng thìa khuấy cho bột sắn tan.
Bước 4:
-Vừng sau khi rang, cho vào máy sinh tố, xay cùng với nửa bát con nước lọc, xay nhuyễn.
- Cho vừng lại vào nồi, thêm nước lọc và đường cát trắng, đun lửa nhỏ đến khi đường tan hoàn toàn, nêm nếm lại khẩu vị tùy theo sở thích của bạn.
Bước 5: Nhanh tay cho bát sắn dây ở bước 3 vào nồi, tiếp tục dùng muôi khuấy nhẹ đến khi chè sánh đặc thì tắt bếp, múc ra bát dùng nóng.
5. Những món từ cá hồi
Cá hồi chứa nhiều a-xít Omega 3 tốt cho trí nhớ và sức khỏe, chế biến thành các món kho, nướng hay ruốc đều thơm ngon, đặc biệt tốt cho sức khỏe của sản phụ.
Cá hồi kho tiêu
Nguyên liệu:
- 1 khúc cá hồi.
- Hạt tiêu nguyên hạt.
- Gia vị, hạt nêm, đường, mắm, ớt.
- Nước màu.
Ruốc cá hồi bổ dưỡng cho bé
Nguyên liệu:
- 2 khúc cá hồi lớn có thể chọn phi lê hay phần đuôi.
- Gừng, rượu trắng.
- Muối, dầu ăn, đường, hạt tiêu, hành khô.
Cá hồi kho tộ
Nguyên liệu:
- 2-3 khoanh nhỏ cá hồi.
- Đường, nước mắm, dầu ăn, muối, tiêu.
- Hành hương.
Cá hồi nướng nghệ
Nguyên liệu:
- Cá hồi cắt khoanh hoặc phi lê.
- Muối, tiêu, dầu ô liu (loại nhẹ dùng để xào nướng), bột nghệ, nước cốt chanh.
Cá hồi kho mặn
Nguyên liệu:
- 2 lát cá hồi tầm khoảng 300g, bạn có thể thay thế bằng cá trê hoặc cá quả.
- 1 nhánh gừng nhỏ.
- 1 thìa canh bột năng.
- Muối, nước mắm, đường, tỏi, ớt bột hoặc ớt màu và xì dầu.
- Vài nhánh hành lá.
6. Nước gạo lứt rang
Gạo lứt rang và đun nước uống có tác dụng thanh lọc gan rất tốt, có thể uống như thay nước lọc hàng ngày. Nước gạo lứt rang giúp các mẹ sau sinh thơm sữa, và sữa về nhiều hơn.
Nguyên liệu:
- 1kg gạo lứt hạt dài hay tròn.
- Muối.
Cách làm:
- Trước khi rang, không rửa gạo qua nước lạnh, chỉ nhặt bỏ những hạt gạo xấu.
- Gạo lứt đổ vào chảo, dùng đũa đảo đều để hạt gạo không bị cháy, rang đến khi ngửi hạt gạo có mùi thơm, hạt gạo đậm hơn, săn lại thì tắt bếp. Đợi nguội cất vào lọ thủy tinh dùng dần.
- Khi muốn nấu nước uống, bạn đong 1 cốc nhỏ hoặc dùng cốc đựng sữa chua, đong 1 cốc gạo lứt và 3 lít nước.
- Đổ vào nồi, đun lửa nhỏ, thêm 1 thìa nhỏ muối, đun đến khi hạt gạo chín mềm, đợi nguội, lọc lấy nước. Cất nước vào tủ lạnh dùng dần.
7. Canh rong biển
Canh rong, tảo biển được xem là 1 trong những món ăn truyền thống giúp lợi sữa của người dân Nhật Bản, Hàn Quốc. Rong biển rất giàu dinh dưỡng nhờ hàm lượng đạm thực vật rất cao. Ngoài ra, rong biển còn chứa rất nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Nguyên liệu:
- 200g đậu phụ non.
- 1 củ cà rốt.
- 100g đậu Hà Lan.
- 1 nhúm rong biển khô, bản to.
- 150g tôm.
- Muối, đường, nước mắm, hạt nêm, hành khô.
Cách làm:
Bước 1: Đậu phụ non rửa sạch, cắt quân cờ vừa ăn.
Bước 2:
- Cà rốt rửa sạch, thái hạt lựu.
- Đậu Hà Lan rửa sạch, để ráo.
Bước 3: Rong biển ngâm vào âu nước lạnh, đến khi rong biển nở bung thì rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch.
Bước 4:
- Tôm rửa sạch, bóc bỏ nõn và chỉ đen trên lưng tôm cho thật sạch.
- Đun nóng 2 thìa nhỏ dầu ăn, phi hành thơm, cho tôm vào xào săn lại.
Bước 5: Đổ vào nồi canh khoảng hơn 1 bát con đầy nước lạnh, đun sôi thì cho đậu Hà Lan và cà rốt vào đun cùng.
Bước 6: Đun đến khi cà rốt, đậu mềm thì cho đậu phụ non vào, tiếp tục đun sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Bước 7: Đun tiếp khoảng thêm 5 phút thì cho rong biển đã ngâm nở vào, để nồi canh sôi lại thì tắt bếp, không nên đun lâu sẽ làm dong biển không còn giòn, múc canh ra bát lớn dùng làm món canh ăn với cơm.
8. Nộm hoa chuối
Hoa chuối lá hoặc chuối tiêu thái nhỏ, luộc chín ăn hoặc trộn nộm với lạc, vừng rang, ăn 2-3 bữa liền cũng giúp thông sữa rất tốt.
Nguyên liệu:
- 200g hoa chuối tây.
- 50g thịt bò khô (hoặc 100g thịt bò tươi).
- 100g lạc.
- Rau kinh giới, mùi.
- Dấm, gia vị, đường, tỏi, chanh, ớt.
Cách làm:
- Hoa chuối rửa sạch, thái mỏng rồi ngâm vào nước muối nhạt để không bị chát. Thái xong thì vớt ra luôn.
- Cho hoa chuối ngâm vào nước pha dấm khoảng 15 phút cho hoa không bị đen. Sau khi vớt ra, để ráo, rồi trộn hoa chuối với muối và dấm cho mềm trong vòng 5 phút.
- Nếu không muốn dùng thịt bò khô, bạn có thể dùng thịt bò xào có tẩm ướp gia vị.
- Lạc rang, bóc vỏ, giã sơ qua.
- Pha nước dùng gồm nước lọc, gia vị, đường, tỏi, chanh, ớt.
Trộn đều hoa chuối với nước dùng. Khi nào ăn, bạn mới cho thịt bò khô, lạc rang và rau thơm, kinh giới lên trên đĩa nộm.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!