Mức độ nguy hiểm khi bị dị ứng do ong đốt

Cần biết - 05/19/2024

Dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong.

Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ dẫn đến phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nọc ong nguy hiểm như thế nào?

Nọc ong bao gồm nhiều thành phần phức tạp và được chia ra thành hai loại: một loại bản chất là protein và thành phần còn lại bản chất không phải là protein.

Glycoprotein và polypeptide là các dị nguyên chủ yếu, các dị nguyên chủ yếu bản chất là protein đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các kháng thể IgE đặc hiệu.

Các dị nguyên chính bao gồm: phospholipase A, acid phosphatase, hyaluronidase, dị nguyên C và melittin, Api M 6 vừa được xác định là dị nguyên mới của ong mật, có vai trò gây ra tới 40% các phản ứng dị ứng do ong mật đốt. Tuy nhiên, dị nguyên quan trọng nhất là phospholipase A.

Mức độ nguy hiểm khi bị dị ứng do ong đốt

Ong đốt có thể gây tử vong nhanh chóng (Ảnh: Internet)

Phản ứng dị ứng khi bị ong đốt

Phản ứng dị ứng thông thường khi bị ong đốt thường là cảm giác đau, sưng phù, ngứa, ban đỏ tại vị trí đốt và các biểu hiện trên có thể biến mất sau một vài giờ không cần điều trị gì hoặc điều trị bằng kháng histamin tại chỗ.

Việc xác định đối tượng nào gây ra vết đốt là rất quan trọng, vì mỗi loài côn trùng hay loài ong khác nhau lại có các thành phần dị nguyên khác nhau và mức độ gây ra các phản ứng dị ứng cũng khác nhau.

Ong đốt thường để lại kim và túi chứa nọc độc trên da vị trí đốt, các loại côn trùng khác thường không để lại dấu vết gì. Phản ứng dị ứng do ong đốt được chia làm 4 mức độ:

+ Mức độ 1: phản ứng tại vị trí đốt

 + Mức độ 2: phù mạch hoặc mày đay toàn thân;

+  Mức độ 3: co thắt phế quản

+ Mức độ 4: nguy hiểm nhất gây sốc phản vệ và tổn thương nhiều cơ quan.

Chẩn đoán dị ứng do ong đốt chủ yếu dựa vào hỏi tiền sử và đặc điểm lâm sàng khi thăm khám bệnh nhân.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!